Cuộc bỏ trốn của bà Yingluck
Trong những ngày này, ở Thái Lan gần như tất cả mọi suy diễn và bàn thảo đều chỉ xoay quanh chuyện cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị xét xử trước toà, bị toà ra lệnh bắt giữ với lý do lo ngại bỏ trốn và chuyện cựu nữ Thủ tướng đầu tiên này của Thái Lan được cho rằng đã ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị phạt tù ở trong nước.
Toà án ở Thái Lan trì hoãn việc công bố phán quyết đến ngày 27.9 tới. Chưa biết phán quyết của toà như thế nào nhưng chỉ việc bà Yingluck bị đưa ra xét xử và chạy ra nước ngoài cũng đã đủ để cho thấy lịch sử một lần nữa lặp lại ở Thái Lan.
Bà Yingluck là em gái của ông Thaksin Shinawatra, người đã từng hai lần liền đắc cử trong tổng tuyển cử ở Thái Lan - điều mà trước đó và cả từ sau đó cho tới nay không ai khác làm nên nổi ở đất nước này - và đứng đầu chính phủ từ 2001 đến 2006.
Ông Thaksin bị giới quân sự tiến hành đảo chính lật đổ, bị lôi ra toà xét xử về cáo buộc tham nhũng, bị kết án tù và cấm hoạt động chính trị vĩnh viễn ở Thái Lan nhưng đã lưu vong ở Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Lịch sử lặp lại khi có thành viên thứ hai của nhà Shinawatra đắc cử và trở thành Thủ tướng của Thái Lan. Lịch sử đã lặp lại khi bà Yingluck cũng bị truất quyền, cho dù bởi toà án hiến pháp vào tháng 5/2014 chứ không phải vì bị giới quân sự đảo chính lật đổ.
Lịch sử đã lặp lại khi giới quân sự lại tiến hành đảo chính và nhiếp chính thực chất cho tới tận hiện tại. Và lịch sử lặp lại khi bà Yingluck chịu số phận như người anh trai mình. Dòng họ Shinawatra qua thời vinh quang tột đỉnh thì sa vào bi kịch không để đâu cho hết.
Hai anh em nhà Shinawatra vẫn nhận được sự ủng hộ của tầng lớp lao động nghèo ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Còn đất nước Thái Lan thì vẫn chưa thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của phân chia, xung khắc nội bộ chính trường và xã hội, vẫn âm ỉ dai dẳng trong cuộc huynh đệ tương tàn và vẫn còn phải tiếp tục trả giá cho việc không xử lý kịp thời, thoả đáng những đối kháng chính trị, mâu thuẫn xã hội, tranh giành quyền lực, ganh đua ảnh hưởng giữa các phe phái chính trị, lực lượng và giai tầng xã hội với nhau.
Đặc biệt giữa 3 phe chính là phe bảo hoàng, giới quân sự và phía dân chủ cấp tiến mà ở đây cũng phải nói luôn rằng phe bảo hoàng và giới quân sự nếu không công khai liên thủ thì cũng ngầm liên minh với nhau.
Bi kịch của anh em nhà Shinawatra là họ đều được đa số dân chúng ủng hộ và quyền lực được hợp pháp hoá bằng sự tín nhiệm của cử tri nhưng cử tri không bảo vệ được họ trước sự đối kháng của phe bảo hoàng, tầng lớp trung lưu trong đô thị và giới quân sự.
Bà Yingluck bị xét xử với cáo buộc đã phung phí tiền thuế của dân và trục lợi cá nhân từ đó khi thực thi biện pháp bù trợ giá thu mua gạo cho nông dân. Từ góc độ chính sách xã hội thì biện pháp chính sách này có tác dụng tốt và đã được thực hiện từ nhiều thời trước.
Từ góc độ kinh tế, biện pháp chính sách này trong những bối cảnh và điều kiện nhất định cũng đâu đến nỗi sai đối với những nước mà gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như Thái Lan. Nhưng về chính trị nội bộ thì nó lại ẩn chứa đầy rủi ro đối với bà Yingluck khi bị cho là dùng chương trình này, tức là dùng tiền của nhà nước, để "mua" sự ủng hộ của người nông dân.
Ở đây lại thấy có câu chuyện về "lý dẫu ngay, tình vẫn gian" nếu như không phải cả tình lẫn lý đều gian.
Câu chuyện "tình gian lý ngay"
Giống như trong trường hợp ông Thaksin, việc bà Yingluck chạy ra nước ngoài thực chất có lợi cho giới quân sự và tư pháp ở Thái Lan. Sự hậu thuẫn chính trị dành cho anh em nhà Shinawatra hiện vẫn còn rất lớn và rất mạnh. Việc toà xét xử bà Yingluck đã đủ để khích lệ những người ủng hộ gia đình này tiếp tục chống đối chính quyền.
Việc bắt giữ và tù đày bà Yingluck sẽ khiến những người này trở thành kẻ tử vì đạo đối với lực lượng "Áo đỏ". Khi ấy, chính quyền và toà án sẽ phải trực diện với sự phản đối và chống đối còn quyết liệt và không khoan nhượng hơn rất nhiều và nguy có tái bùng phát khủng hoảng chính trị an ninh và ổn định xã hội sẽ gia tăng đáng kể, vô cùng bất lợi đối với giới quân sự, tư pháp và chính quyền hiện tại.
Hai anh em nhà Shinawatra đều lựa chọn được thời điểm thích hợp để làm cuộc hành trình từ thương trường sang chinh phục chính trường và đều thành công. Nhưng họ đều đã thất bại vì chỉ có được địa lợi, không tận dụng được thiên thời và không gây dựng được nhân hoà. Họ đều mắc phải ba sai lầm tai hại.
Thứ nhất là đánh giá quá cao sự ủng hộ của dân nghèo chiếm đa số trong xã hội Thái Lan trong khi đánh giá quá thấp mức độ bền chặt của liên thủ giữa phe bảo hoàng, tầng lớp trung thượng lưu, giới trí thức và thương gia trong đô thị và giới quân sự.
Thứ hai, họ không coi trọng việc phân hoá nội bộ phía bên kia trong cuộc ganh đua quyền lực. Hay nói theo cách khác, họ chỉ sử dụng quyền có được mà không coi trọng và biết cách bảo vệ và củng cố quyền lực, trong đó có chuyện đã không thành công trong việc kiềm chế giới quân sự.
Thứ ba, họ đã không ít lần tạo cớ cho phía đối phương tấn công bằng hiến pháp, toà án, quốc hội và cả bằng giới quân sự.
Xét xử anh em nhà Shinawatra như thế đâu có khác gì xét xử cả thời kỳ lịch sử mang đậm dấu ấn cầm quyền của họ. Người của nhà này gần như không còn cơ hội lại nhiếp chính lần nữa trong tương lai. Nhưng không vì thế mà Thái Lan sẽ nhanh chóng qua được những xáo trộn và hỗn độn, mâu thuẫn và xung khắc chính trị và xã hội lâu nay.
Anh em nhà Shinawatra không gây ra những chuyện ấy mà chẳng qua sự nghiệp chính trị ngắn ngủi của họ vừa là hệ luỵ của những chuyện ấy vừa như giọt nước làm tràn ly khiến những chuyện này bùng phát công khai và làm khuynh đảo chính trường cũng như xã hội ở Thái Lan.