Tại sao nhiều người trưởng thành chỉ có 204 chiếc xương, ít hơn thông thường 2 cái?

Nguyệt Phạm |

Hóa ra 2 chiếc xương này đã biến mất trên cơ thể của một số người trưởng thành vì lý do này.

Một người trưởng thành có một bộ khung gồm 206 cái xương. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho biết rằng, nhiều người lớn chỉ có 204 cái. Vì sao lại có sự khác biệt này?

Sự biến mất của 2 chiếc xương trên một số người trưởng thành

Vào năm 1985, các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về cấu tạo xương người trưởng thành. Họ cũng tiến hành một so sánh giữa bộ khung xương người châu Á và châu Âu. Sau đó, các nhà khoa học đã phát hiện một sự thật thú vị là xương của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác ở châu Á chỉ có 204 chiếc xương. Điều này khác với thông tin rằng bộ xương của người trưởng thành có 206 cái. Vậy 2 chiếc xương còn thiếu nằm ở đâu?

Tại sao nhiều người trưởng thành chỉ có 204 chiếc xương, ít hơn thông thường 2 cái? - Ảnh 1.

Ở một số người trưởng thành, các nhà khoa học nhận thấy họ chỉ có 204 chiếc xương. (Ảnh: INF)

Kết quả của cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng sự khác biệt nằm ở ngón chân thứ 5. Theo đó, ngón chân thứ 5 của nhóm người châu Á kể trên chỉ có 2 đốt xương, trong khi người châu Âu có đủ 3 đốt.

Tới năm 1995, các nhà khoa học người Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát quan sát chân của gần 1.000 người châu Á. Trong đó, 451 người có 2 đốt xương ở ngón chân thứ 5, 81 người chỉ có 2 đốt xương ở ngón chân thứ 4 và 10 người có 2 đốt xương ở ngón chân thứ 3. Sau cuộc khảo sát này, họ đưa ra kết luận là hầu hết người châu Á thường có 2 đốt xương ở ngón thứ 5 và hiếm khi xuất hiện trường hợp tương tự ở các ngón khác.

Sau đó, một nhóm các nhà khoa học Anh đã mở rộng phạm vi khảo sát. Họ đã quan sát bàn chân của 838 người đến từ các quốc gia châu Âu và 260 người Nhật Bản. Kết quả khá bất ngờ, trong số 828 người châu Âu, chỉ có 4 người có 2 đốt xương ở ngón thứ 3, 13 người có 2 đốt xương ở ngón thứ 4 và 310 người có 2 đốt xương ở ngón thứ 5. Tương tự với 260 người Nhật Bản, tỷ lệ lần lượt là 0/20/191.

Tại sao nhiều người trưởng thành chỉ có 204 chiếc xương, ít hơn thông thường 2 cái? - Ảnh 3.

Theo khảo sát, những người trưởng thành này thường chỉ có 2 đốt xương ở ngón chân. (Ảnh: INF)

Kết hợp với kết quả phân tích bàn chân của 4.632 người Anh, họ nhận được tỷ lệ là có 21 người (tương đương 0,45%) trong số đó có 2 đốt xương ở ngón chân thứ 3; 100 người (tương đương 2,16%) có 2 đốt xương ở ngón thứ 4 và 1970 người (tương đương 42,53%) có 2 đốt xương ở ngón thứ 5. Điều này cho thấy quả thực có sự khác biệt về số lượng xương trong cơ thể của một số người. Trường hợp nhiều hơn hoặc ít hơn 206 chiếc xương là hiếm khi xảy ra. Thế nhưng, 2 chiếc xương còn lại đã biến đi đâu?

Tại sao một số người trưởng thành có ít hơn người khác 2 chiếc xương?

Trên thực tế, một sự thật khó tin là những đứa trẻ sơ sinh lại có số xương nhiều hơn hẳn người lớn. Ước tính bộ xương trẻ sơ sinh có khoảng 300 chiếc xương. Còn số lượng xương ở trẻ em là 217 chiếc. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, số lượng xương của con người là không cố định và có thể thay đổi theo quá trình phát triển. Điều gì đã xảy ra khiến số lượng xương giảm từ 300 chiếc khi sinh ra xuống thành 206 xương khi trưởng thành? Chỉ có 1 nguyên nhân.

Tại sao nhiều người trưởng thành chỉ có 204 chiếc xương, ít hơn thông thường 2 cái? - Ảnh 5.

Trẻ sơ sinh có khoảng 300 chiếc xương, trong khi đó người trưởng thành thường là 206 chiếc. (Ảnh: INF)

Nguyên nhân là do nhiều xương của trẻ sẽ hợp nhất với nhau, có nghĩa là số lượng xương thực tế sẽ giảm đi. Quá trình hợp nhất của xương xảy ra khắp cơ thể. Việc thay thế phần sụn bằng xương hợp nhất bắt đầu khi các mạch máu nhỏ - được gọi là mao mạch - cung cấp máu giàu chất dinh dưỡng đến các nguyên bào xương, các tế bào hình thành xương. Ban đầu, nguyên bào xương tạo ra xương bao bọc sụn và sau đó, thay thế nó hoàn toàn.

Sau đó, sự phát triển xương ở trẻ em xảy ra ở phần đầu của nhiều xương, ở đó có các tấm tăng trưởng. Mô phát triển trong mỗi xương quyết định kích thước và hình dạng cuối cùng của chiếc xương đó. Khi một người ngừng phát triển, các tấm tăng trưởng đóng lại. Thông thường, khi đến 25 tuổi, quá trình này sẽ hoàn tất. Sau khi điều này xảy ra, xương của người ở độ tuổi này không thể tăng thêm kích thước nữa. Tất cả những xương này tạo nên một bộ xương người trưởng thành.

Việc "thiếu hụt" xương ở một số người trưởng thành có ảnh hưởng gì?

Tại sao nhiều người trưởng thành chỉ có 204 chiếc xương, ít hơn thông thường 2 cái? - Ảnh 7.

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu hụt xương ở một số người trưởng thành không ảnh hưởng gì tới sức khỏe, hoạt động của họ. (Ảnh: INF)

Các nhà khoa học cho biết việc một số người trưởng thành chỉ có 204 chiếc xương không hề ảnh hưởng tới việc đi lại hay hoạt động. Đây chỉ là sự tiến hóa của con người để phù hợp với điều kiện phát triển và sinh tồn. Sự hợp nhất xương của trẻ sơ sinh từ 300 chiếc thành 206 chiếc khi trưởng thành còn giúp cho xác suất bị chấn thương giảm đi. Điều này cũng chứng minh rằng con người trưởng thành càng ít xương thì càng tiến hóa tốt hơn.

*Bài viết được tổng hợp thông tin từ INF, Vocal.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại