Tại sao nhiều người lại ngất xỉu khi nhìn thấy máu?

Quang Minh |

Vô tình thấy ai đó chảy máu có khiến bạn hoảng sợ hay thậm chí ngất xỉu?

Trường hợp bạn đang xem một chương trình nấu ăn trên TV và vô tình đầu bếp bị chảy máu do chạm dao vào ngón tay, điều đó có khiến bạn cảm thấy sợ không? Và nếu điều tương tự xảy ra trong thực tế thì sao?

Ước tính cho biết có đến khoảng 15% dân số sẽ ngất xỉu khi nhìn thấy máu, và đặc biệt khoảng từ 3,5-4% có nỗi sợ tột cùng với máu và các hành động liên quan đến chất dịch cơ thể này. Tuy nhiên, điều thú vị nằm ở chỗ một số người sẽ không ngất xỉu khi họ tự cắt chảy máu tay của mình, họ chỉ cảm thấy lạnh sống lưng khi chứng kiến bản thân chảy máu.

Nguyên nhân chính của hiện tượng ngất xỉu này đến từ sự lo lắng. Khác với các dạng hoảng sợ thông thường làm cho nhịp tim tăng (tim đập nhanh trong lồng ngực – phản ứng căng thẳng cấp tính), hoảng sợ do nhìn thấy máu khiến nhịp tim đột ngột tăng trong chốc lát nhưng sau đó lại giảm mạnh. 

Huyết áp giảm đột ngột làm cho máu không thể lưu thông trong não, gây tình trạng da tái nhợt, đổ mồ hôi, buồn nôn và dẫn đến ngất xỉu.

Chuyên sâu hơn một chút, thì nguồn gốc của hiện tượng giảm nhịp tim khi nhìn thấy máu bắt nguồn từ dây thần kinh phế vị (vagus nerve). Nó có tác dụng kết nối một khu vực não bộ được gọi là nhân bó đơn độc (NST) với một số bộ phận của cơ thể liên quan đến các chuyển động bắt buộc, như thở, nuốt và chức năng tim.

NST hoạt động như một công tắc chuyển đổi giữa phản ứng căng thẳng cấp tính và phản ứng làm bình tĩnh tâm trạng sau đó. 

Khi NST kích hoạt phản ứng của hệ thần kinh giao cảm – hay kích thích phản ứng căng thẳng cấp tính (giúp bạn sẵn sàng hoạt động) và hệ thần kinh đối giao cảm (giúp giải quyết rối loạn), thì giao tiếp đến dây thần kinh phế vị bị nhiễu loạn và cố gắng thực hiện cả hai phản ứng cùng lúc: giảm huyết áp trong khi tăng nhịp tim. 

Kết quả, máu không được lưu thông bên trong não, gây ra mất ý thức, dẫn đến ngất xỉu.

Hoặc có một khả năng khác là thay vì cố gắng thực hiện cả hai phản ứng cùng lúc, thì NST của não bộ đã thực hiện chuyển đổi quá nhanh giữa phản ứng giao cảm và đối giao cảm, khiến cơ thể tạm ngừng hoạt động bằng cách ngất xỉu tạm thời. 

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng tin rằng NST là bộ phận chịu trách nhiệm về các phản ứng kinh sợ, tâm lý sợ hãi và ghê tởm kết hợp với nhau gây ra ngất xỉu.

Vậy chứng sợ máu này tại sao lại xuất hiện trên cơ thể con người, nó là do di truyền hay một yếu tố nào khác?

Thật khó để có thể tưởng tượng ra tình cảnh tổ tiên của chúng ta liên tục lăn ra bất tỉnh khi nhìn thấy máu của chính mình, trong khi vẫn có thể tránh được những kẻ săn mồi – điều này hầu như không có khả năng xảy ra. 

Thay vào đó, các nhà khoa học cho rằng việc bất tỉnh này, hay cụ thể hơn là việc "giả chết", có thể là một phương thức sinh tồn đã hình thành từ thời kỳ cổ đại và được di truyền cho đến tận ngày nay. 

Giả sử, bạn đang bị một con gấu tấn công và ngất đi khi nhìn thấy máu của mình, điều đó khiến con gấu cảm thấy mất hứng thú và bỏ đi. Và mặc dù bị thương nặng và mất nhiều máu, cuối cùng bạn vẫn sống.

Một giả thuyết khác được đưa ra, đó là việc giảm huyết áp đột ngột dẫn đến ngất xỉu khi nhìn thấy máu của mọi người là một phản ứng bảo vệ, ngăn tình trạng chảy máu tiếp tục. 

Ngất xỉu sẽ thay đổi vị trí cơ thể từ thẳng đứng sang nằm ngang, giúp tim có thể bơm máu lên não. Khi bạn tỉnh dậy, có thể máu sẽ không còn chảy nhiều nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại