Hầu hết những người chỉ quanh chân ở thành phố đều cảm thấy cuộc sống ngột ngạt. Nhịp điệu nhanh, áp lực lớn, sự cạnh tranh nhiều, chi phí đắt đỏ… đây đều là những nhân tố khiến họ bị cuốn vào guồng quay công việc. Để rồi khi dừng chân nhìn lại, bên ngoài những giá trị vật chất, thứ duy nhất còn đọng lại là cảm giác “sức cùng lực kiệt”. Chính vì thế, họ ao ước được tận hưởng cuộc sống thảnh thơi, có một khoản tiền dư dả để thoải mái nghỉ ngơi, tránh xa phố thị ồn ào.
Nhưng đời đâu phải là mơ. Cuộc sống ở đâu cũng không phải dễ dàng.
Nhiều người nhìn cảnh thôn quê hoa lá mà nghĩ rằng "mệt mỏi với cuộc sống tấp nập, bon chen nên muốn về quê sống trồng rau, nuôi cá". Đó là vì họ đâu biết rằng, thực tế, 4-5 giờ sáng phải dậy đi chợ, cho heo, gà ăn, dọn phân chuồng lợn, rồi ra vườn gánh phân cuốc đất, lội bùn... Khối lượng công việc nặng nhọc gấp nhiều lần văn phòng và không có định nghĩa ngày nghỉ cuối tuần. Như vậy, chẳng còn ai thích về quê làm nông dân.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng nhận ra thành phố lớn thường có 3 “báu vật” lớn sau đây, một khi đã biết thì khó lòng bỏ qua được:
1. Cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục
Không thể phủ nhận, thành phố lớn luôn có hệ thống giáo dục và y tế hàng đầu, từ cơ sở, máy móc, trang thiết bị hiện đại, cho đến đội ngũ giáo viên, y bác sĩ giỏi về chuyên môn…
Các phòng khám, bệnh viện từ nhỏ đến lớn, từ cấp quận tới cấp trung ương… đều có số lượng lớn. Không phải tự nhiên mà người dân ở khắp mọi nơi đều đổ về các thành phố lớn để chữa bệnh.
“Tôi cũng từng tự hỏi, về quê hưởng an nhàn, nhà to cửa rộng, vườn tược thênh thang, không khí trong lành, mua cái gì cũng rẻ… thì có gì mà không thích? Suy nghĩ đó chỉ thực sự thay đổi khi mẹ tôi bất ngờ đổ bệnh nặng. Thực tế, bà đau ốm, mệt mỏi đã lâu, nhưng ở quê chỉ có vài phòng khám nhỏ, muốn ra bệnh viện lớn thì mất công đi lại hàng tiếng đồng hồ, thế là bà cứ âm thầm giấu bệnh.
Cho đến khi bệnh nghiêm trọng hơn, cả nhà phát hiện ra mới vội vàng đưa bà đi khám. Sau một thời gian theo dõi, bà lại được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương để chạy chữa tiếp. Cả nhà cũng tất bật sửa soạn đi theo, rồi lại tốn kém tiền bạc thuê nhà nghỉ ngơi, mua sắm thuốc thang…”, anh A.Q (35 tuổi, Trung Quốc) chia sẻ.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đa dạng từ trường công lập, trường tư thục, trường quốc tế… cũng là những cơ hội tốt để con trẻ tiếp cận nhiều phương thức giáo dục mới và đa dạng hơn.
2. Các cơ hội
Các thành phố hạng nhất chính là “kho báu” của các cơ hội. Chỉ cần có đủ năng lực, kiên trì và chăm chỉ, bạn đều có thể đạt được những thành tựu nhất định trong sự nghiệp của mình. Đồng thời, chính áp lực cạnh tranh cũng là nhân tố để mọi người mài giũa năng lực, không ngừng học hỏi và thêm phần tỏa sáng.
Đương nhiên, điều này đồng nghĩa với một cuộc sống không hề dễ dàng. Nhưng trên đời này, chỉ có 2 con đường để sống: Một là cố gắng hết sức để tạo ra giá trị, hai là lặng lẽ già đi.
Chỉ những người làm việc chăm chỉ mới được hưởng sự công bằng. Thành phố lớn thường chú trọng đến năng lực cá nhân hơn, sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển hơn, nhìn người khác ngày càng xuất sắc khiến bạn cũng nỗ lực cải thiện bản thân.
3. Tầm nhìn
Nếu bạn hỏi, điều gì là quan trọng nhất đối với một người ở tuổi đôi mươi?
Đó chính là tầm nhìn.
Trong thời đại đầy định kiến, thiếu hiểu biết và thậm chí là phán xét người khác ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn phải học cách chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm và cách sống của người khác. Nó trực tiếp quyết định phong thái, cách đối nhân xử thế và tham vọng của bạn.
Giống như những cô gái 30 tuổi ở thành phố lớn có sự nghiệp, có tình yêu, có cuộc sống muôn màu muôn vẻ, họ sẽ không buồn để ý những lời giục cưới giục đủ của họ hàng ở quê. Họ sở hữu năng lực tài chính và những mối quan hệ chất lượng mà họ mong muốn. Chính điều đó khiến họ sống kiêu hãnh trong xã hội, với tầm nhìn rộng mở.
Bạn cũng không cần chú ý tới cuộc sống thư thả của những người bạn ở quê, 9h mới đi làm, 15h đã tan tầm, về nhà đi chợ, nấu cơm và đón con, hàng tối sang nhà hàng xóm buôn chuyện. Bởi vì họ đã học được cách tận hưởng niềm vui trong công việc, cảm giác thành tựu khi những kế hoạch triệu đô được thông qua, các sản phẩm bạn tạo ra có hàng triệu người dùng…
Điều này hoàn toàn khác với quan điểm của những người ở quê. Sự khác biệt về lối sống và thói quen đã dẫn tới sự khác biệt về tầm nhìn.
Lời kết
Nếu bạn ở độ tuổi hoàng kim, sức còn dài, vai còn rộng, đừng chỉ nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Thay vào đó, hãy đến những nơi đẹp nhất, nhìn thấy phong cảnh bao la nhất, chứng kiến thế giới tráng lệ và rộng lớn, và nhìn thấy muôn cảnh đời khác nhau trên thế giới này.
Khi đã đủ trải nghiệm, đủ hiểu về thế giới này, bạn mới có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho mình. Khi sở hữu tầm nhìn, chúng ta có thể có một chân trời rộng lớn hơn dù ở bất cứ đâu.
*Nguồn: Toutiao