Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TT DB KTTV TW), do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tới ngày 06/7.
Trong đợt nắng nóng kéo dài này, nhiều tỉnh của Đồng Bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) sẽ có nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40 độ; còn các tỉnh Trung Bộ phổ cũng có nền nhiệt cao không kém với mức nhiệt 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.
Tại khu vực Hà Nội thì thời gian có nhiệt độ trên 35 độ còn kéo dài từ 10-18 giờ với cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng mà TT DB KTTV TW đưa ra là cấp 1 đến cấp 2.
Tuy nhiên, tại nhiều nơi, người ta lại đo được những mức nhiệt cao hơn con số mà TT DB KTTV TW đưa ra rất nhiều, ví dụ tại Phố Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội ngày 2/7, con số nhiệt độ ngoài trời từ 11h đến 15h là 45 độ C.
Thậm chí với những cách đo nhiệt độ theo cách thủ công, con số này có thể còn lên tới gần 50 độ C, chênh lệch rất nhiều so với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40 độ mà TT DB KTTV TW đưa ra, tại sao lại có sự chênh lệch khá lớn đến như vậy?
Hãy cùng đi tìm câu trả lời cho vấn đề này!
Ở đây, trước hết chúng tạm chia ra hai cách đo nhiệt độ: Đo nhiệt độ chuẩn của Trung tâm Khí tượng tại trạm - và Cách đo thủ công (sử dụng nhiệt kế hay các bảng nhiệt kế điện tử mà chúng ta thấy trên đường phố).
Phương pháp đo và dụng cụ đo khác nhau sẽ khiến nhiệt độ đo được khác nhau
Theo đó, nhiệt độ mà cơ quan khí tượng đo được tại lều khí tượng (như Stevenson screen) được thực hiện theo phép đo kỹ thuật dựa trên các thiết bị đo với những tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), áp dụng trên toàn thế giới như:
Thiết bị đo sẽ được đặt cách mặt đất khoảng 2 m (nếu quá gần mặt đất sẽ đo cả nhiệt dư - excess heat của nền đất, còn quá cao thì sẽ làm phép đo thiếu chính xác vì quá lạnh), dưới mặt đệm phải là cỏ xanh và độ cao của cỏ là 15cm (nền xi măng sẽ làm sai số phép đo).
Ngoài ra, dụng cụ đo được đặt tránh ánh nắng trực tiếp của Mặt Trời chiếu vào, ảnh hưởng đến kết quả thực tế, trạm đo cần đảm bảo thiết kế lưu thông khí tốt (như không đặt trong bụi rậm, nơi có nhiều cây hay công trình cản gió).
Nếu đo trên mặt đường, nhiệt độ có thể lên tới 60 độ C. Ảnh: We25
Có rất nhiều loại nhiệt kế được dùng ở trạm đó như nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện trở (Resistance thermometer), nhiệt kế băng lưỡng kim (Bimetallic strip thermometer) và nhiệt kế đo nhiệt độ đo khí tại áp suất không đổi (constant volume thermometer).
Đây là một dạng đồng hồ đo nhiệt độ bằng cách xác định thể tích chiếm bởi một lượng khí xác định tại một áp suất không đổi. Đây đều là những chiếc máy đo có độ chính xác rất cao so với các loại nhiệt kế thông thường như nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế rượu...
Không những thế, việc thu thập số liệu đo được cũng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, số liệu sẽ được thu thập trong khoảng thời gian cố định (ví dụ nhiệt độ cao nhất sẽ được thu thập từ khoảng thời gian 3h chiều đến 4h30 chiều).
Một trạm đo Stevenson screen. Ảnh: Travel Blog
Mặc dù vào lúc 1 h chiều là thời điểm bức xạ Mặt Trời hoạt động mạnh nhất nhưng phải mất một khoảng thời gian để các bức xạ này hâm nóng bầu khí quyển và cả bề mặt Trái Đất (còn đối với nhiệt độ thấp nhất, thông thường các nhà khí tượng sẽ lấy số liệu vào lúc 6h sáng).
Xem video:
Đo nhiệt độ tại trạm thời tiết. Nguồn: Bureau of Meteorology
Còn đối với phương pháp đo nhiệt độ thủ công, theo cách thủ công thì mọi người thường không tuân thủ quy tắc kỹ thuật nghiêm ngặt trên, thời gian đo có thể là bất cứ lúc nào trong ngày, nhất là khi đo nhiệt độ cao nhất, mọi người thường đo từ 12h đến 1h chiều.
Hơn nữa, việc đo với các dụng cụ không có độ chính xác cao, đo trên bề mặt bê tông, xi măng, kim loại, đo gần mặt đất, mặt sân hay mặt đường càng làm cho sai số này chênh lệch rất nhiều so với con số mà trung tâm khí tượng thông báo (cao hơn 3 đến 4 độ C).
Đặc biệt với các ô tô hiện nay đều được lắp các nhiệt kế đo nhiệt độ thì con số này lại càng chênh lệch vì ngoài chịu tác động của nhiệt độ ngoài trời thì các dụng cụ đo còn chịu tác động của máy xe nổ ra (nhiệt độ chênh lệch có thể lên tới 10 độ C so với trạm).
Đó là lý do vì sao lại có sự chênh lệch nhiệt độ của hai cách đo như vậy.
Bài viết được dịch từ các nguồn: BBC, Sciencing, Weatherworksinc, ABC