Trái cây của Nhật Bản có giá hàng nghìn USD
Nếu từng ghé thăm các siêu thị ở Nhật Bản, bạn sẽ không khó để bắt gặp những loại trái cây được đóng gói cẩn thận trong những hộp gỗ sang trọng. Song, mức giá đắt đỏ của chúng mới thực sự khiến bạn giật mình.
Một chùm nho Ruby Roman ở Nhật Bản được bán với mức giá lên đến 10.900 USD (khoảng 255 triệu đồng) năm 2016. Với trọng lượng lớn, mỗi chùm nho Ruby Roman chỉ có khoảng 26-30 quả. Ở các siêu thị, người Nhật đóng gói những hộp nho nhỏ 3 quả cho người ăn nếm thử. Mỗi trái nho có kích thước tương đương quả bóng bàn. Loại nho đắt đỏ này là thức quà biếu sang trọng của người Nhật mỗi dịp đặc biệt.
Nho Ruby Roman nổi bật về kích thước, màu sắc đồng nhất và mùi vị. Ảnh: Getty
Hay loại xoài đỏ, được mệnh danh là những “Quả trứng mặt trời” được biết đến như một loại trái cây xa xỉ bậc nhất thế giới. Những trái xoài ngọt ngào này chỉ được trồng ở tỉnh Miyazaki, Nhật Bản. Chúng thường được bán đấu giá theo cặp với mức giá trung bình khoảng 4.000 USD.
Mới đây nhất, Nippon đã đưa tin một cặp dưa lưới Yubari của Nhật Bản được bán với mức giá 25.000 USD/cặp (586 triệu đồng), tương đương với 1 chiếc ô tô trong phiên đấu giá tại tỉnh Hokkaido. Đây là mức giá cao thứ hai được ghi nhận trong lịch sử sự kiện, sau kỷ lục được xác lập năm 2019. Theo đó, năm 2019, giống dưa vàng nổi tiếng ở Nhật Bản đạt kỷ lục trong buổi đấu giá ở mức 45.000 USD/cặp (khoảng 1 tỷ đồng). Bất chấp chi phí đắt đỏ, nhu cầu về loại trái cây này trên khắp Nhật Bản vẫn tăng cao.
Không chỉ những sản phẩm đặc biệt có mức giá không tưởng, trái cây cao cấp của Nhật Bản vẫn nổi tiếng là đắt đỏ. Vậy tại sao trái cây Nhật Bản lại có thể sở hữu được mức giá cao đến như vậy?
Tại sao giá trái cây của Nhật Bản thường đắt đỏ?
Ở một số quốc gia, trái cây được xem như một mặt hàng mang lại giá trị dinh dưỡng được sử dụng làm món tráng miệng hàng ngày. Vì thế bạn cũng có thể dễ dàng mua chúng ở các siêu thị hay những chợ địa phương với mức giá phải chăng.
Tuy nhiên ở Nhật Bản, trái cây được xem như một món quà quý giá được sử dụng để dành tặng cho những người kính trọng, biết ơn. Đôi khi món quà là trái cây được tặng với mong muốn người nhận gặp được những điều tốt lành.
Bất kể kích thước hay hình dạng nào, trái cây cao cấp của Nhật Bản luôn được đóng gói cẩn thận.
Bất kể kích thước hay hình dạng nào, trái cây cao cấp của Nhật Bản luôn được đóng gói cẩn thận. Ảnh: Getty
Chia sẻ trên CNN, ông Soyeon Shim, Hiệu trưởng Trường Sinh thái học con người tại ĐH Wisconsin-Madison, lý giải về sự đắt đỏ của trái cây Nhật, rằng: "Trái cây được đối xử khác biệt trong văn hóa châu Á và đặc biệt là xã hội Nhật Bản”. Theo đó, ông cho hay việc mua và tiêu thụ trái cây ở đất nước này gắn liền với thực tiễn xã hội và văn hóa.
"Không chỉ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống, trái cây được xem là một mặt hàng cao cấp và là một phần nghi lễ quan trọng và phức tạp trong nghi thức tặng quà của Nhật Bản”, ông cho hay.
Những loại trái cây cao cấp được đóng gói một cách tỉ mỉ là hình ảnh phổ biến ở Nhật Bản. Ảnh: AFP
Shim, người đã tiến hành nghiên cứu sâu về thị trường trái cây cao cấp của Nhật Bản từng chia sẻ trên CNN: “Mọi người mua những loại trái cây đắt tiền này để chứng minh món quà của mình đặc biệt như thế nào đối với người nhận. Vì thế, hoa quả thường là quà tặng trong những dịp quan trọng hoặc cho những người đặc biệt, chẳng hạn như sếp của bạn”.
Ngoài yếu tố trên, không thể bỏ qua những lý do như giống, công trồng trọt và chăm sóc tỉ mỉ của người nông dân khi giải thích về sự đắt đỏ của trái cây Nhật Bản. Tờ Reader’s Digest từng có bài viết lý giải về sự đắt đỏ của loại dưa được trồng ở Nhật Bản. Theo đó, trước khi trồng một cây dưa, nông dân sẽ lựa chọn những hạt giống tốt nhất để gieo trong nhà kính. Sau khi cây nở hoa, họ sẽ cắt bỏ chồi phụ, hoa không cần thiết và chỉ thụ phần cho những bông hoa đẹp nhất bằng tay thông qua một cây cọ.
Khi cây ra quả, chỉ một quả duy nhất được lựa chọn giữ lại để nó không phải cạnh tranh dinh dưỡng với quả khác trên cùng dây. Mỗi quả dưa đều được người nông dân đội nón nhằm tránh bị cháy nắng. Đặc biệt, các quả dưa sẽ được người nông dân massage giúp đạt được hình cầu hoàn hảo và màu da đẹp nhất.
Một điểm đáng chú ý là Nhật Bản chỉ có 12% diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Với số lượng ít như vậy, nông dân cũng chỉ sản xuất được số lượng trại cây nhất định bởi diện tích trang trại có hạn. Các trang trại chủ yếu thuộc sở hữu gia đình và thường được dành mọi nguồn lực để sản xuất. Hết mùa này đến màu khác, họ dành tất cả tâm huyết của mình để chăm sóc cây trồng.
Với tất cả những lý do trên, trái cây của Nhật Bản luôn được bán với mức giá cao kỷ lục.
Tổng hợp