Theo kênh CNN, những loại quả giá "khủng", được trồng cẩn thận được bày bán ở nhiều nơi khắp nước Nhật.
Những sản phẩm trái cây như trên thường có giá hàng chục nghìn USD tại các buổi đấu giá. Năm 2016, một cặp dưa gang Hokkaido cao cấp được bán với giá kỷ lục 27.240 USD (hơn 620 triệu đồng).
Việc gây giống các loại quả cao cấp thường đòi hỏi các kỹ thuật tỉ mỉ, tốn công sức.
Ví dụ như những "quả dâu tây công chúa", ông Nichio tại trang trại Okuda ở quận Gifu cho biết ông mất 45 ngày để thu hoạch dâu. Mỗi năm ông chỉ trồng khoảng 500 quả và bán với giá hơn 4.000 USD/quả.
Chiến thuật trồng số lượng ít cũng được những người trồng nho "Hồng ngọc La Mã" áp dụng. Mỗi năm, họ chỉ cung cấp 2.400 chùm nho đỏ này. Những quả nho to và đỏ như những viên hồng ngọc có giá bán khoảng 880 USD/chùm trở lên.
Năm ngoái, ở Tây Nam Nhật Bản, một siêu thị trả 1,1 triệu yen (220 triệu đồng) cho chùm nho "Hồng ngọc La Mã" đầu tiên trong một cuộc đấu giá. Chùm nho này có 30 quả, phá vỡ kỷ lục giá nho với giá 320 USD/quả.
"Quan điểm về trái cây rất khác biệt trong văn hóa châu Á và đặc biệt trong xã hội Nhật Bản.
Việc mua và tiêu thụ trái cây gắn liền với các hoạt động văn hóa và xã hội", Soyeon Shim, Hiệu trưởng khoa Sinh thái nhân văn tại Đại học Wisconsin-Madison, trả lời CNN.
"Trái cây không chỉ là một phần quan trọng trong chế độ ăn, mà có lẽ quan trọng hơn, trái cây được xem là mặt hàng xa xỉ và có vai trò quan trọng và là lễ nghi trong hoạt động trao tặng quà của Nhật Bản".
Người Nhật Bản nhìn nhận trái cây theo ý nghĩa tâm linh. Trái cây cao cấp được xem như một biểu tượng của lòng tôn kính.
Ông Ken Gehrt, Giáo sư tiếp thị tại Đại học San Jose State, California, cho biết trái cây có tầm quan trọng đặc biệt trong mùa lễ tặng Ochugen và Oseibo, khi người Nhật tặng quà cho nhau để bày tỏ sự tôn trọng.