Theo thông tin từ giới truyền thông, các máy bay chiến đấu nâng cấp theo chuẩn nội địa của Nga sẽ giúp ích đáng kể cho Quân đội Syria chống lại các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự lại nhìn nhận sự việc này như một động thái đặc biệt.
Theo trang tin Syria Al-Masdar News, ngoài 2 máy bay Su-24M2 vừa được chuyển giao, trong thời gian tới, Quân đội Syria sẽ tiếp tục nhận thêm 8 máy bay cùng loại.
Toàn bộ máy bay Su-24M2 cung cấp cho phía Syria đều được nâng cấp giúp “cải thiện khả năng tác chiến”, bao gồm hệ thống định vị chuẩn GPS và GLONASS, hệ thống điều khiển hỏa lực và hiển thị thông tin trên khoang mới. Việc cung cấp máy bay Su-24M2 cho Syria được thực hiện theo thỏa thuận hai bên ký năm 2009.
Bình luận về sự kiện này, chuyên gia Anton Mardasov phát biểu trên tờ báo Nga Svobodnaya Pressa rằng, việc Damascus được cung cấp thêm các máy bay chiến đấu mới, tân tiến hơn từ Nga là không có gì bất thường. Sau nhiều năm nội chiến, lực lượng Không quân của quốc gia này đã tổn thất khá nhiều và cần nguồn bổ sung.
Tuy nhiên, chuyên gia A. Mardasov lại nhấn mạnh việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Syria được thực hiện gần như đồng thời với cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry.
Máy bay tiêm kích-bom Su-24M2 của Không quân Nga tham chiến tại Syria. Ảnh minh họa
“Hành động này ẩn chứa nhiều thông tin hơn là sự bổ sung trang bị đơn thuần cho Syria. Đối với nơi có thế lực gây ảnh hưởng như tại Syria, hành động của Nga tạo ra ấn tượng Moscow sẵn sàng “đi tới cùng” trong vấn đề Syria”, ông A. Mardasov nói.
Trong cuộc hội kiến hôm 26-7, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã bàn thảo về khả năng phối hợp tổ chức các cuộc không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phong trào Al-Nusra, cũng như việc dừng hoạt động tấn công nhằm vào cái gọi là “lực lượng Hồi giáo ôn hòa” ở Syria.
Tuy nhiên, lực lượng được Mỹ gọi là “Hồi giáo ôn hòa” lại liên tục tấn công lực lượng chính phủ Syria, chính vì thế Không quân Nga với vai trò là đồng minh của Quân đội Syria đã phải can thiệp để hành động này không tiếp diễn. Lập trường của Mỹ là muốn Nga nên đứng ngoài cuộc nội chiến ở Syria.
“Vấn đề là có gì khác biệt khi phi công Nga hay Syria điều khiển máy bay Su-24 tấn công lực lượng “Hồi giáo ôn hòa”. Với việc Không quân Syria được trang bị các đơn vị máy bay Su-24M2 mới tương tự như của Nga sẽ rất khó xác định được ai thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lực lượng đối lập ở Syria vốn được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.
Không giống như Nga, Syria không bị ràng buộc bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ và theo quan điểm của Damascus, phe đối lập ở Syria chính là lực lượng khủng bố”, ông A. Mardasov nhận định.
Nhận định về hành động cung cấp máy bay Su-24M2 của Nga cho Quân đội Syria, chuyên gia quân sự Yakov Kedmi, một cựu quan chức tình báo cấp cao Israel cho biết, đây là hành động có tính toán và đã được chuẩn bị từ rất lâu.
“Ngay khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, Moscow đã có kế hoạch khôi phục lại lực lượng vũ trang Syria, trong đó có không quân là ưu tiên hàng đầu.
Điều này có thể nhận ra rõ ràng khi Nga trang bị trên các máy bay Su-24MK của Syria hệ thống ngắm bắn SVP-24 mới giúp tăng độ chính xác của phi vụ tấn công và hỗ trợ Syria đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật".
“Vấn đề là Nga đang cung cấp lượng máy bay hiện đại vừa phải để phía Syria kịp thích nghi và sử dụng hiệu quả. Kể từ khi Không quân Nga tuyên bố rút bớt lực lượng khỏi căn cứ Hmeymim, Không quân Syria đã gia tăng hoạt động một cách đáng kể với khoảng 30 phi vụ mỗi ngày”, ông Y. Kedmi nói.
Theo ông Y. Kedmi, việc Không quân Syria sở hữu máy bay tiêm kích-bom hiện đại sẽ mang lại lợi thế lớn của lực lượng chính phủ vì những thuận lợi về ngôn ngữ và hệ thống chỉ huy thống nhất. Cựu quan chức tình báo Israel nhận định, Nga sẽ tiếp tục tái trang bị cho Quân đội Syria, mặc dù hành động này có thể gây khó khăn cho trong quá trình đàm phán với phía Mỹ.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Trung Đông và Trung Á của Nga, Semyon Bagdasarov đánh giá, việc Nga cung cấp máy bay tiêm kích-bom Su-24M2 cho Syria là lời cảnh báo với lực lượng Mỹ ở Syria.
Hiện tại, Mỹ đã triển khai các đơn vị đặc nhiệm ở khu vực người Kurd và “Hồi giáo ôn hòa” với lý do chống lại IS, nhưng lại từ chối cung cấp thông tin về vị trí đóng quân của lực lượng này cho phía Nga và Syria. Điều này đã tạo ra nguy cơ đặc nhiệm Mỹ có thể bị đánh bom “nhầm” bất kỳ lúc nào và đây cũng là điều Washington không hề mong muốn.
Tuy nhiên, ông S. Bagdasarov nhấn mạnh việc Nga và Syria không nên bỏ hoàn toàn lợi ích của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Nếu vấn đề Syria không được giải quyết bằng đối thoại, Washington có đủ khả năng tạo ra các điểm nóng mới tại các nước SNG có đường biên giới giáp nước Nga hoặc có thể cung cấp vũ khí phòng không hiện đại hơn cho phe đối lập ở Syria.