Tại sao New Zealand có thể cấm vũ khí tấn công chỉ sau 1 vụ xả súng, còn Mỹ thì không?

Thùy Dương |

Trong vòng 24 giờ sau vụ xả súng giết chết 50 người tại Christchurch, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cam kết sẽ thay đổi luật súng đạn. Chưa đầy một tuần sau, bà thông báo lệnh cấm vũ khí tấn công và súng trường sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 4.

Theo tờ Vox, hệ thống chính trị đặc biệt của Mỹ khiến nước này khó có thể thực hiện hành động nhanh chóng như ở New Zealand.

Tại sao New Zealand có thể cấm vũ khí tấn công chỉ sau 1 vụ xả súng, còn Mỹ thì không? - Ảnh 1.

Súng trường bán tự động. Ảnh: AFP/TTXVN

Luật súng đạn ở New Zealand vốn chặt chẽ hơn luật ở Mỹ rất nhiều. New Zealand yêu cầu có giấy phép mới có thể mua và sở hữu súng – tiêu chuẩn mà chỉ vài bang ở Mỹ có. Dù vậy, luật ở New Zealand vẫn có lỗ hổng, đặc biệt là liên quan tới đăng ký và quản lý súng trường bán tự động.

Theo thay đổi mới được đưa ra, New Zealand sẽ cấm mọi loại súng trường tấn công và súng trường bán tự động kiểu quân sự. Nước này cũng sẽ thành lập chương trình mua lại súng để thu hồi những vũ khí nằm trong diện bị cấm. Thủ tướng Ardern còn đảm bảo không có chuyện đổ xô đi mua súng sắp bị cấm.

Australia từng có phản ứng tương tự sau khi xảy ra một vụ xả súng hàng loạt năm 1996. Thay đổi này giúp giảm số vụ chết người do súng đạn trong những năm sau đó.

Tại sao New Zealand có thể cấm vũ khí tấn công chỉ sau 1 vụ xả súng, còn Mỹ thì không? - Ảnh 2.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo thay đổi luật súng đạn sau vụ xả súng. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, người Mỹ - vốn quen với việc chính phủ phản ứng với các vụ xả súng hàng loạt chỉ bằng “ý nghĩ và lời cầu nguyện” – có thể rất ngạc nhiên trước động thái nhanh gọn, quyết liệt của New Zealand.

Một phần là vì Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) luôn gây ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận về kiểm soát súng. Một phần cũng là vì hệ thống quốc hội của Mỹ không cho phép đảng cầm quyền nhanh chóng biến ý tưởng thành hiện thực như New Zealand.

Kết quả là: Ở New Zealand thì chỉ cần một vụ xả súng là có thể thay đổi được luật súng đạn. Còn tại Mỹ, nơi mà bạo lực súng đạn ở mức cao hơn rất nhiều, thì hầu như không có thay đổi nào từng diễn ra ở cấp liên bang dù Mỹ xảy ra xả súng hàng loạt gần như hàng ngày.

Vậy ảnh hưởng của NRA lớn tới đâu mà hệ thống chính trị của Mỹ phức tạp ra sao?

Ảnh hưởng của NRA

Phản ứng nhanh chóng với một vụ xả súng hàng loạt ở New Zealand dường như không thể xảy ra ở Mỹ - quốc gia chưa từng thông qua thay đổi đáng kể nào với luật súng liên bang từ những năm 1990.

Đó không phải là vì chính sách súng đạn nghiêm ngặt không được lòng dân. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, phần lớn người dân ở Mỹ ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng, xây dựng cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi tình hình bán súng, cấm vũ khí tấn công…

Một vấn đề nằm ở hiện diện mạnh mẽ của NRA trong chính trường Mỹ. NRA là tổ chức quyền lực nhất trong các cuộc tranh luận về súng đạn ở Mỹ. Với mối liên kết trực tiếp với hàng triệu thành viên, NRA có thể huy động chủ sở hữu súng ở Mỹ gọi cho các thành viên Quốc hội và phản đối bất kỳ đề xuất nào muốn hạn chế súng đạn. Thông điệp của NRA có xu hướng tập trung vào một khả năng: Một hạn chế súng đạn được Quốc hội thông qua sẽ là một bước tiến gần hơn tới luật chấm dứt quyền sở hữu súng đạn.

Báo chí và các chính trị gia bảo thủ rất coi trọng sự ủng hộ của NRA. Chính trị gia thể hiện họ ủng hộ quyền sở hữu súng đạn dưới mọi hình thức. Ví dự như năm 2015, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã xuất hiện trong một video, trong đó ông làm nóng món thịt muối bằng súng máy.

Ông Ted Cruz nướng thịt muối bằng súng máy (nguồn: IJR)

Mặc dù một số chiến dịch xuất hiện trong những năm gần đây tìm cách đối trọng với NRA và dù họ có thể thành công ở một số cuộc bầu cử và ở cấp bang, nhưng NRA vẫn có ảnh hưởng to lớn trong nền chính trị súng đạn ở Mỹ.

NRA gây ảnh hưởng bằng cách tận dụng môi trường pháp lý đặc biệt của Mỹ. Mỹ là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới thừa nhận quyền hợp pháp trong sở hữu súng thông qua Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ.

Mỹ có rất nhiều người sở hữu súng. Số người này tạo nên một đơn vị bầu cử rộng lớn cho NRA và các chính khách ủng hộ quyền sở hữu súng.

Trong khi đó, New Zealand không có những rào cản này. Không có tổ chức nào như NRA. Không có quyền hiến pháp nào về sở hữu súng. Dù mức độ sở hữu súng thuộc hàng 20 nước nhiều nhất thế giới nhưng New Zealand vẫn có ít súng hơn nhiều so với Mỹ.

Văn hóa ở hai nước cũng rất nhau. Một số người New Zealand đã từ bỏ súng trường bán tự động sau vụ xả súng ngày 15/3. Đó không phải là phản ứng sẽ gặp ở Mỹ - nơi mà chủ sở hữu súng sẽ nhanh chóng bảo vệ quyền cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.

Môi trường đó là lý do tại sao lãnh đạo New Zealand nhanh chóng hành động và được đảng đối lập ủng hộ.

Rào cản từ hệ thống chính trị Mỹ

Ngay cả nếu nước Mỹ có một tổng thống sẵn sàng thực thi luật súng đạn nghiêm ngặt hơn, vẫn có khả năng cao là biện pháp đó sẽ không được thông qua. Đó là do cơ cấu chính trị Mỹ với nhiều lớp kiểm soát.

Tại sao New Zealand có thể cấm vũ khí tấn công chỉ sau 1 vụ xả súng, còn Mỹ thì không? - Ảnh 4.

Biểu tình phản đối súng đạn ở Mỹ. Ảnh: Yahoo

Năm 2012, khi xảy ra vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook khiến 26 người chết, Tổng thống khi đó Barack Obama và phe Dân chủ đã hối thúc Quốc hội thực thi luật súng đạn nghiêm ngặt hơn. Biện pháp được đề xuất đã không vượt qua nổi Thượng viện vì một số thượng nghị sĩ chặn dự luật.

Ở Mỹ, để một dự luật thành luật ở cấp liên bang, dự luật cần vượt qua Hạ viện, Thượng viện và sau đó cần chữ ký của tổng thống.

Hệ thống này tạo ra nhiều điểm mà dự luật có thể tắc nghẽn tại đó. Cách khả thi duy nhất để vượt qua là một đảng chính trị kiểm soát đa số Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng.

New Zealand không gặp những rào cản này. Đảng cầm quyền kiểm soát hoàn toàn nghị trình cho tới kỳ bầu cử tiếp theo.

Ở Mỹ, phong trào chính trị cần giành sự ủng hộ của Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng để thay đổi luật. Ở New Zealand, họ chỉ cần được Quốc hội ủng hộ vì chỉ có một viện. Tức là để thay đổi luật súng, chỉ cần lãnh đạo đương nhiệm, cụ thể là Thủ tướng Ardern và liên minh cầm quyền, ủng hộ.

Điều đó đơn giản hơn nhiều so với việc giành sự ủng hộ của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (phe Dân chủ), lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mitch McConnel (phe Cộng hòa), ít nhất một số nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện cùng với sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump (phe Cộng hòa).

https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-sao-new-zealand-co-the-cam-vu-khi-tan-cong-chi-sau-1-vu-xa-sung-con-my-thi-khong-20190322162153725.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại