Tại sao NATO xây dựng kho chứa vũ khí Mỹ ở Ba Lan?

LÂM ANH |

Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định đầu tư 260 triệu USD vào việc xây dựng kho chứa các thiết bị quân sự của Mỹ tại Ba Lan.

Được coi là dự án xây dựng lớn nhất của NATO trong những năm gần đây, kho chứa vũ khí Mỹ tại Ba Lan cần thiết cho việc thực hiện chiến lược triển khai lực lượng linh hoạt ở châu Âu của Washington.

Địa điểm lý tưởng

Tại một cuộc họp báo gần đây ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước thành viên của khối liên minh quân sự này sẽ đầu tư 260 triệu USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự dành cho quân đội Mỹ ở khu vực trung tâm của Ba Lan.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Mỹ The Wall Street Journal, ông Jens Stoltenberg cũng chia sẻ về kế hoạch xây dựng kho chứa thiết bị quân sự cho quân đội Mỹ tại căn cứ không quân ở Povidz (Ba Lan) với tổng chi phí 260 triệu USD.

Công tác xây dựng sẽ được bắt đầu vào mùa hè năm nay và kết thúc vào năm 2021. Bình luận về thông tin trên, ấn phẩm quân sự uy tín của Mỹ Defense News nhắc lại rằng, vào năm 2017, Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu Ben Hodges đã đề cao tầm quan trọng của khu vực Povidz trong công tác hậu cần.

Thật vậy, vào năm 2017, tờ báo chính thức của Các lực lượng vũ trang Mỹ Stars and Stripes đã thông báo về ý định biến khu vực Povidz thành một trung tâm cho lục quân của ông Ben Hodges.

Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu khẳng định, cơ sở được xây dựng ở Ba Lan có ý nghĩa quan trọng nhất định đối với toàn bộ Bắc Âu và khu vực Baltic.

Tại sao NATO xây dựng kho chứa vũ khí Mỹ ở Ba Lan? - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ và Ba Lan tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Anakonda 2018 tại Ba Lan. Ảnh: Reuters.

Triển khai lực lượng nhanh chóngDefense News lưu ý, trong ngân sách quân sự Mỹ năm 2019, khoản tiền 87 triệu USD đã được lên kế hoạch phân bổ cho công việc xây dựng tại căn cứ không quân ở Povidz.

Ngoài ra, tờ báo này cũng cho rằng, kho vũ khí mới ở Ba Lan sẽ là dự án xây dựng kho chứa thiết bị quân sự của Mỹ lớn nhất gần đây trong khuôn khổ NATO.

Nhận xét về vấn đề này với hãng tin RT của Nga, chuyên gia quân sự Ivan Konovalov lưu ý rằng kho vũ khí của Mỹ ở Ba Lan sẽ được xây dựng để lưu trữ một lượng lớn xe bọc thép. Ý kiến ​​của ông được các nhà báo Ba Lan gián tiếp xác nhận.

Trang Defense.24.pl của Ba Lan dự đoán rằng, tại Povidz sẽ hiện diện các trang thiết bị quân sự cần thiết cho việc triển khai ở Ba Lan một lữ đoàn xe tăng thuộc lục quân Mỹ.

Theo Defense.24.pl, trong số khối lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự đặt tại Ba Lan có thể có tới 90 xe tăng M1A2 Abrams, 130 xe chiến đấu bộ binh và xe trinh sát chiến đấu Bradley cùng 18 pháo tự hành Paladin.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg giải thích, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự dành cho Mỹ tại Ba Lan là điều cần thiết để tăng cường khả năng cơ động, triển khai nhanh chóng lực lượng trong trường hợp di chuyển đến một quốc gia Đông Âu.

Ông Jens Stoltenberg lưu ý: "Nếu có kho chứa trang thiết bị quân sự ở Ba Lan, NATO sẽ nâng cao được khả năng sẵn sàng chiến đấu của khối. Vì khi đó, chúng ta sẽ chỉ phải di chuyển binh lính, chứ không phải thiết bị quân sự".

Căn cứ không quân tại Povidz đã được sử dụng nhiều lần trong các cuộc tập trận của NATO để di chuyển thiết bị quân sự và triển khai hoạt động của máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-130 Hercules.

Theo giới quan sát, chính vì lý do này mà NATO đã quyết định đặt kho lưu trữ vũ khí ở đó để bảo đảm cho lực lượng khi đến Ba Lan có thể nhanh chóng tiếp cận trang thiết bị quân sự và vũ khí.

Viện dẫn cuộc tập trận tháng 3 vừa qua khi binh lính Mỹ di chuyển từ bang Texas đến Ba Lan, tờ Stars and Stripes cho rằng, Mỹ đang quay trở lại chiến lược triển khai linh hoạt lực lượng ở châu Âu trong Chiến tranh Lạnh.

Trước đó, giới lãnh đạo Ba Lan đã nhiều lần ủng hộ quân đội Mỹ gia tăng hiện diện trên lãnh thổ của mình.

Đơn cử như kế hoạch xây dựng căn cứ thường trực của Mỹ tại Ba Lan có tên Fort Trump (Pháo đài Trump) đã được hai bên thảo luận. Thậm chí, Warsaw còn sẵn sàng rút 2 tỷ USD từ ngân sách của mình để đóng góp cho dự án này.

Hiện nay, nhóm chiến đấu cấp lữ đoàn xe tăng Mỹ và tiểu đoàn đa quốc gia của NATO được triển khai tại Ba Lan trên cơ sở luân phiên. Ngoài ra, dự kiến vào năm 2020, căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ được đưa vào hoạt động ở Ba Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại