NATO và Mỹ tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận ở châu Âu. Nguồn: people.com.cn
Thời gian gần đây, NATO thường xuyên có các hoạt động quân sự mạnh mẽ thể hiện tư duy mới trong chiến lược vươn ra toàn cầu.
Hành động của NATO đã đặt ra nhiều nghi ngờ về mục đích. Một số chuyên gia cho rằng, những hành động liên tục của NATO vừa qua nhằm che giấu những khó khăn nội tại và xu hướng suy giảm vị thế quốc tế.
Các hành động quân sự thường xuyên của NATO chủ yếu được phản ánh trên ba khía cạnh.
Một là tăng tần suất diễn tập. NATO gần đây đã tổ chức hơn 10 cuộc diễn tập quân sự, trong đó có các cuộc diễn tập lớn với nhiều nước tham gia như“Ramstein Alloy 21-1”, “Người bảo vệ châu Âu 21”. Cùng với hoạt động diễn tập, NATO cũng đã nhiều lần ngăn chặn các máy bay quân sự của Nga ở Biển Đen, Biển Baltic, Biển Bắc và Bắc Đại Tây Dương.
Bên cạnh đó, NATO tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng không quân vũ trụ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm vũ trụ và có kế hoạch đầu tư 100 triệu euro cho các dự án vệ tinh trước năm 2034.
Thứ hai là “kích động” xung đột giữa Nga và Ukraine. Sau khi bùng nổ xung đột ở miền đông Ukraine, NATO đã nhiều lần “kích động” Kiev tiến hành các hành động quân sự cực đoan, nhiều thông tin cho rằng NATO thậm chí đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tiền tuyến.
Tháng 3/2021, Tư lệnh Lực lượng Mặt đất NATO, Trung tướng Roger Cloutier đã đến tiền tuyến của cuộc xung đột ở Ukraine để chỉ đạo chiến thuật. Tháng 4/2021, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Stuart Peach đã đến thăm Ukraine và nhắc lại sự ủng hộ của NATO đối với Kiev, quan đó “cổ vũ tinh thần” cho Ukraine.
Ngoài ra, NATO đã nhiều lần cử các cố vấn quân sự và tàu chiến đến Ukraine, đồng thời điều động các máy bay trinh sát chiến lược để hỗ trợ tình báo cho nước này.
Thứ ba, NATO đang có xu hướng mở rộng các hành động quân sự đến Châu Á - Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, NATO đã thay đổi tư duy truyền thống, bắt đầu đặt tầm nhìn ra thế giới. Không chỉ cùng Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông, NATO còn mở rộng hoạt động sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 1/2021, NATO đã hỗ trợ Mông Cổ thành lập một trung tâm tác chiến không gian mạng và cung cấp thiết bị cũng như đào tạo nhân sự cho nước này. Tháng 3/2021, Hội nghị Ngoại trưởng NATO nhấn mạnh sự cần thiết phải chú ý đến những thách thức an ninh do sự trỗi dậy của các cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo các báo cáo, ngoài Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các nước thành viên NATO khác cũng sẽ cử tàu đến hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các biện pháp nêu trên của NATO đã tạo ra những hiệu quả nhất định. Trong đó, các hoạt động quân sự chung đã cải thiện đáng kể khả năng tác chiến liên hợp của NATO; việc sử dụng Ukraine để gây áp lực lên Nga đã kiềm chế được nhiều hành động của Nga và tạo ra một số khó khăn nhất định cho Moscow; việc “gia nhập” vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của NATO đã góp phần thắt chặt mối quan hệ với Mỹ.
Tại sao NATO đẩy mạnh hoạt động quân sự trên khắp thế giới? Nguồn: people.com.cn.
Tuy nhiên, việc NATO thể hiện sự hiện diện quân sự nói trên không thể che giấu những mâu thuẫn và vấn đề nội bộ của khối này.
Thứ nhất, vai trò, địa vị đã giảm sút. Như chúng ta đã biết, NATO là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, sau khi Liên Xô tan rã, các đối thủ truyền thống của khối này không còn nữa. Trong bối cảnh đó, giá trị tồn tại của NATO ngày càng bị đặt dấu hỏi, và một thực tế không thể chối cãi là vai trò của vị thế ngày càng giảm sút.
Thứ hai là có nhiều “lỗ hổng” nội bộ. Trong những năm gần đây, NATO liên tục mở rộng về phía đông và hiện đã có 30 quốc gia thành viên, tuy có vẻ “hung mạnh” nhưng mâu thuẫn giữa các thành viên trong nội bộ ngày càng gia tăng và ngày càng khó phối hợp giữa các nước thành viên.
Điển hình là việc, hiện NATO rất khó để làm cầu nối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu, cũng khó có thể tác động để giảm mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Đức và Mỹ, Pháp và Đức.
Thứ ba là dần mất đi bản chất. Mỹ là quốc gia dẫn đầu NATO, nhưng dưới thời chính quyền Trump, nước này theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", không chỉ thường xuyên "rút khỏi nhóm" mà còn nhiều lần đe dọa đòi các đồng minh tăng chi tiêu quân sự khổng lồ.
Một số quốc gia thành viên cáo buộc hoạt động của khối này không phù hợp với vai trò “đầu tàu”, thậm chí còn xuất hiện những nhận xét “chết não”, khiến Mỹ và châu Âu dần chia cắt. Mặc dù chính quyền Biden đã cố gắng để hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Âu, nhưng triển vọng vẫn không thể đoán trước trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Mặc dù các hành động nêu trên của NATO chính là việc tiếp tục duy trì lý do để NATO tồn tại, nhưng rất khó để giải quyết những mâu thuẫn sâu xa của khối này, Về lâu dài, những mâu thuẫn này thậm chí có thể còn lớn hơn những lợi ích đã đạt được.