Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông
Trong thời gian gần đây, Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã đẩy mạnh các hoạt động của họ ở Biển Đông.
Lần đầu tiên, PLAAF đã hạ cánh các máy bay ném bom H-6K trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Quần đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ Thái Bình Dương Christopher Logan nói: Lầu Năm Góc đã lên án hành động của Trung Quốc như là chiến lược tiếp tục quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Máy bay ném bom H-6K là bản sao của chiếc Tupolev Tu-16 có từ thời Liên Xô, được Trung Quốc sản xuất, nâng cấp; hiện nay H-6K là máy bay ném bom chính của PLAAF.
Mặc dù về mặt thiết kế, chiếc Tu-16 đã quá lạc hậu (máy bay này được Liên Xô thiết kế sau Thế chiến 2; bay thử lần đầu năm 1952, trang bị hàng loạt vào năm 1954 và đã loại khỏi biên chế năm 1993); nhưng hiện tại, chiếc H-6K của Trung Quốc là một phiên bản máy bay hiện đại với khung máy bay mới, các cảm biến và động cơ được cải tiến.
Biến thể H-6K thay thế động cơ Xian WP8 cũ (được lắp trên các phiên bản H-6) bằng loại động cơ D-30-KP2 mới của Nga.
Máy bay ném bom H-6K.
Động cơ D-30 là loại tua bin hai trục - đã được sửa đổi để lắp đặt trên nhiều loại máy bay của Nga, từ máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound đến máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76.
Việc Trung Quốc nhập một số lượng lớn động cơ D-30-KP2 mới của Nga, ngoài để thay thế cho động cơ của đội tàu bay vận tải IL-76 hiện đang có trong quân đội Trung Quốc, ngoài ra họ còn lắp trên máy bay vận tải quân sự nội địa Y-20 và đặc biệt là thay thế, trang bị trên phần lớn loại máy bay ném bom H-6K của không quân và hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên động cơ D-30 được thiết kế để cho máy bay đánh chặn tốc độ cao MiG-31; do vậy đây không phải là động cơ lý tưởng cho máy bay ném bom hoặc máy bay vận tải; nhưng dù sao, nó cũng là một cải tiến lớn so với các động cơ nguyên thủy WP8 ban đầu do Trung Quốc chế tạo được lắp đặt trên H-6.
Với động cơ D-30 mới, kết hợp với khung thân máy bay sử dụng rất nhiều vật liệu composite trong chế tạo; do đó phạm vi hoạt động của máy bay ném bom H-6K đã tăng khoảng 30% so với các biến thể H-6 trước đó, có bán kính chiến đấu khoảng 3.500 km.
H-6K có thể khiến Hải quân Mỹ ôm hận?
H-6K được trang bị hệ thống điện tử hoàn toàn mới do Trung Quốc phát triển, trong đó có một radar phát hiện mục tiêu trên mặt đất, mặt biển kiểu mới, thiết bị ngắm, ném bom quang học và một buồng lái thủy tinh cho tổ lái góc quan sát rộng hơn.
Về vũ khí, máy bay ném bom H-6K được thiết kế chủ yếu là phương tiện mang phóng tên lửa hành trình từ trên không (tính năng nguyên thủy của chiếc Tu-16 là dùng ném các loại bom thường, không có điều khiển).
H-6K có thể mang 6 tên lửa tầm xa CJ-10K, hoặc YJ-12 và tên lửa hành trình chống tàu trên cánh, và có khả năng mang được nhiều tên lửa hơn trong khoang vũ khí của nó.
Tiêm kích hộ tống máy bay ném bom H-6K.
H-6K cũng được cho là có thể sử dụng một loạt vũ khí có dẫn đường chính xác; điều này làm cho nó trở thành một mối đe dọa không chỉ cho các tàu vận tải của Mỹ và đồng minh, mà còn là các căn cứ trên đất liền.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10K có tầm bắn hơn 930 hải lý và đầu đạn nặng 500 kg. CJ-10K là biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10, được phát triển từ tên lửa hành trình Raduga Kh-55 do Liên Xô thiết kế, mà Trung Quốc đã mua lại được từ Ukraine.
CJ-10K có nhiều tính năng tiên tiến được tìm thấy trên loại tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ và Kalibr của Nga, như hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp điều chỉnh sai số vệ tinh, bay bám địa hình thông qua bản đồ số. Ngoài tên lửa hành trình CJ-10K, còn có một biến thể chống tàu YJ-100 có tầm bắn khoảng 430 hải lý.
Đối với các cuộc tấn công chống tàu tầm ngắn, H-6K mang tên lửa chống tàu siêu âm cực mạnh YJ-12. Tên lửa YJ-12 đã đặt ra mối lo ngại về an ninh cho các lực lượng hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và được coi là tên lửa chống tàu nguy hiểm nhất Trung Quốc đã sản xuất cho đến nay.
Theo các chuyên gia về tên lửa, với tầm bắn từ khoảng cách 400 km và tốc độ Mach 3, khiến YJ-12 trở thành loại tên chống tàu có tầm bắn xa nhất từng được chế tạo.
Việc chống lại YJ-12 thậm chí còn khó khăn hơn, do tên lửa được lập trình với đường bay phức tạp; các hệ thống phòng thủ Aegis và tên lửa không đối không SM-2 có nhiệm vụ bảo vệ các nhóm tấn công của các tàu sân bay Mỹ sẽ rất khó khăn khi đối phó với loại tên lửa này.
Máy bay ném bom H-6K.
Những chiếc H-6K với tên lửa YJ-12 có thể tiến công các tàu sân bay của Mỹ từ ngoài tầm bắn các loại tên lửa phòng không của cụm tàu bảo vệ tàu sân bay; tên lửa này càng nguy hiểm hơn khi chúng được kết hợp với tiêm kích Su-27 của Trung Quốc, khả năng tiến công có thể lên tới 1.900km.
Sự kết hợp này có thể gây ra mối đe dọa với hải quân Mỹ hơn cả các loại tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D của Trung Quốc.
Việc triển khai tên lửa chống hạm YJ-12 và sự phát triển của các loại tên lửa chống hạm liên quan, thể hiện chiến lược của Trung Quốc đối với khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) trong các cuộc xung đột tương lai.
Mặc dù không phải là những loại máy bay ném bom hiện đại hoặc uy lực như B-52, B-1 Lancer hay B-2 Spirit của Mỹ; nhưng với sự cải tiến, nâng cấp liên tục, cùng với được trang bị các loại vũ khí là tên lửa tầm xa cực mạnh, H-6K là mối đe dọa thực sự với hải quân Mỹ và đồng minh.
Nhưng H-6K cũng chỉ là một thành phần trong hệ thống chống truy cập khu vực A2/AD của Trung Quốc.
Với mục đích cụ thể là hạn chế sức mạnh của quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân với phương pháp tác chiến truyền thống đó là dùng hỏa lực áp đảo đối phương từ xa; và nếu chủ quan, hải quân Mỹ sẽ phải "ôm hận" ở mặt trận Thái Bình Dương như trong Thế chiến 2 với quân đội đế quốc Nhật Bản.
Không quân Trung Quốc khoe cú lượn của H-6K