Cuộc tấn công của Đức bất ngờ và sấm sét, còn Hồng quân tổn thất nặng nề trên khắp các mặt trận. Những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử đất nước…
Cú đòn đầu tiên
Để đánh giá quy mô của thảm họa đối với hệ thống phòng thủ của Liên Xô trong những ngày tháng 6-1941, chỉ cần nhìn qua các số liệu thống kê. Quân đội phát xít Đức đã tiến hành tấn công tổng lực theo ba hướng chính.
Cụm tập đoàn quân Trung tâm ở Belarus gồm 650.000 binh sĩ, 800 xe tăng, 12.500 khẩu pháo và súng cối, khoảng 1.700 máy bay.
Mặt trận phía Tây phòng ngự khu vực này không hề thua kém đối phương về cơ số nhân sự và trang bị, thậm chí còn vượt hơn về xe tăng, thế nhưng đội tuyến đầu nhóm quân Xôviết chỉ có 13 sư đoàn xạ kích, trong khi quân Đức có tới 28.
Ngày 22-6-1941, người dân thủ đô nghe thông báo trên đài phát thanh thông điệp chính phủ về cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào Liên Xô.
Cụm tập đoàn quân Nam gồm 730.000 người, 800 xe tăng, khoảng 10.000 súng cối và gần 800 máy bay. Đã không thể chặn được sức mạnh tấn công dữ dội. Ngay chiều tối ngày 22-6, tại nhiều khu vực của mặt trận, các đơn vị tiên phong của Đức Quốc xã đã đột phá vào sâu trong địa bàn đến 20 km.
Các đơn vị của cụm tập đoàn quân Bắc gồm 655.000 lính và sĩ quan đã nhanh chóng chọc thủng hàng phòng ngự của phương diện quân Mặt trận Tây-Bắc. Hồng quân gánh chịu thiệt hại nặng về trang bị và con người. Còn các cố gắng phản công đều không thu được kết quả. Sau một ngày đêm, đội hình quân Đức đã lấn sâu vào lãnh thổ của Liên Xô đến 60km.
Tình hình càng trở nên phức tạp vì quân Đức đồng loạt tấn công thực tế dọc theo toàn bộ biên giới, từ biển Barents đến Biển Đen. Dọn đường cho đội quân xâm lược ồ ạt là những trận bão hỏa lực ác liệt với hàng ngàn khẩu pháo và súng cối bắn phá những mục tiêu chủ thể quan trọng nhất, hàng trăm máy bay dội bom xuống các căn cứ quân sự, các đô thị lớn và trung tâm công nghiệp. Thực sự là chỉ vẻn vẹn trong vài giờ, Hồng quân đã mất tới 1.200 máy bay .
Sai lầm nghiêm trọng
Theo đánh giá của các nhà sử học, thất bại thảm khốc vào mùa hè năm 1941 là do tính toán sai lầm của ban lãnh đạo quân sự và chính trị Liên Xô, đã không chuẩn bị cho lực lượng vũ trang sẵn sàng đối đầu với cuộc xâm lược, bất chấp luồng thông tin về cuộc gây hấn lớn sắp xảy ra.
"Các trinh sát của chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để truyền đến ban chỉ huy Liên Xô những thông tin về khả năng sắp xảy ra cuộc tấn công của quân Đức. Tuy không có mốc thời gian chính xác, nhưng các báo cáo được gửi về ngay từ hồi đầu tháng 5. Còn Hitler đã vài lần hoãn mốc tấn công Liên Xô", chuyên gia Mikhail Myagkov, phụ trách khoa học của Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga nói.
Dù sao chăng nữa, ban chỉ huy Liên Xô vẫn do dự. Và khi quyết định về chuyển quân đội vào trạng thái hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, tiến hành ngụy trang vũ khí, sân bay và các chủ thể hạ tầng then chốt đến được các sở chỉ huy thì đã quá muộn.
Còn một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến thảm họa của Hồng quân trong những giờ và những ngày đầu tiên của cuộc chiến, là thiếu sót trong khâu đào tạo các chỉ huy và nhân sự, cũng như sự tụt hậu về kỹ thuật của Liên Xô so với Đức.
"Hồng quân khi đó đang ở giai đoạn tái thiết quy mô lớn. Nhiều mẫu thiết bị quân sự ra đời từ những năm 1930 thì đã lỗi thời, chẳng hạn như xe tăng BT, T-26, máy bay I-16. Quả thật là đã xuất hiện những chiếc T-34, các bệ phóng hỏa tiễn dàn "Katyusha", nhưng số lượng còn rất ít. Sau ngày 1-9-1939, quy mô quân đội tăng từ 2 triệu lên 5 triệu người. Chúng ta đơn giản là không có thời gian để huấn luyện cả chỉ huy cho đến đội ngũ binh sĩ", nhà sử học giải thích.
Người dân Leningrad ngày 22-6-1941 nghe thông báo trên đài phát thanh thông điệp chính phủ về cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào Liên Xô.
Kháng cự không gián đoạn
Tuy vậy, quân Đức cũng không thể dễ dàng vượt qua biên giới Liên Xô - từng đồn biên phòng và mỗi đơn vị quân đội Xôviết đã chiến đấu đến cùng, quân Đức phải chờ lực lượng bổ sung hòng bẻ gãy sự kháng cự ngoan cường này.
Những người lính Liên Xô không chỉ trấn giữ biên giới mà còn buộc quân Đức phải lui, dù chúng có nhiều lợi thế về nhân lực và trang thiết bị. Ví dụ, căn cứ của Hạm đội Baltic, thành phố Liepaja ở Latvia đã được phòng thủ một cách anh dũng. Ban đầu quân Đức tính toán chiếm được thành phố chỉ trong 1 ngày. Nhưng đồn biên phòng nhỏ với sự giúp đỡ của các dân thường đã đẩy lui những đòn tấn công trong suốt cả tuần, gây cho bọn địch những tổn thất đáng kể.
Các y tá hỗ trợ những người bị thương đầu tiên sau cuộc không kích của Đức Quốc xã.
Ở mặt trận phía Nam, quân đội Liên Xô tự mình chuyển sang tấn công, chiếm giữ các bàn đạp và phục hồi sức chiến đấu. Còn những trận không chiến đầu tiên đã chứng tỏ ưu thế vượt trội xứng danh là át chủ bài của Liên Xô.
"Quân Đức phải nhận lấy thiệt hại hàng không lớn nhất trong cả năm 1941 chính là vào ngày 22-6, khi đó các phi công Xôviết đã bắn hạ 72 máy bay địch. Thất bại của Hồng quân ngay lúc bắt đầu Chiến tranh Vệ quốc đã trở thành nền tảng của chiến thắng. Giả như không có các trận đánh phòng ngự tử thủ của tuyến đầu, đội quân của cấp chiến lược thứ hai sẽ không có thời gian để tiếp cận các sông Zapadnaya Dvina và Dnepr. Họ đã giành được lợi thế thời gian để kéo các đơn vị chủ lực lên, tạo lập tuyến phòng thủ mới, sơ tán cư dân và các cơ sở công nghiệp", nhà sử học Myagkov cho biết.
Những người lính Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Kế hoạch chiến dịch "Barbarossa" dự kiến bẻ gãy quân đội Liên Xô trong các trận giao tranh biên giới và tiêu diệt lực lượng chính ngay từ trước chiến tuyến Zapadnaya Dvina và Dnepr. Tiếp đó, Hitler chắc mẩm tiến tới Leningrad, Kiev, Matxcơva; còn ở sườn phía Nam sẽ đến tận Kavkaz. Và toàn bộ chiến dịch quân sự này sẽ hoàn thành trong 3- 4 tháng, trước khi bắt đầu sang mùa đông với thời tiết lạnh giá.
Tuy nhiên, mưu đồ tấn công chớp nhoáng và chiến dịch hòng đánh nhanh thắng nhanh đã thất bại. Ngay trong những tuần lễ đầu tiên, quân đội Đức Quốc xã đã mất hơn 90.000 lính và sĩ quan thiệt mạng, bị thương và mất tích. Và cuộc chiến đã kéo dài 4 năm dài đằng đẵng rồi kết thúc không theo ý muốn của Hitler.