Tại sao khi mất đi một lượng máu có thể khiến bạn ngất xỉu?

Bạch Đằng |

Bạn bất tỉnh khi bị lấy máu? Đừng quá lo lắng, bạn không phải là người duy nhất gặp phải hiện tượng này.

Theo Popsci, một lọ máu có thể là công cụ chẩn đoán quan trọng trong y học hiện đại. Nhưng cứ 25 người thì có 1 người gặp đe dọa tiềm tàng khi lấy máu, họ thường bị mất ý thức tạm thời (ngất xỉu).

Christopher France, một nhà tâm lý học tại Đại học Ohio, cho biết hiện tượng này được gọi là "ám ảnh kim tiêm dính máu". Hình ảnh trực quan của chất lỏng nhỏ giọt gây ra sự sụt giảm đáng kể cả về nhịp tim và huyết áp, làm giảm lưu lượng oxy trong máu đến não. Điều này có thể dẫn đến ngất xỉu.

Tại sao một số người ngất xỉu và những người khác thì lại không như vậy? Christopher France cho biết dường như nỗi sợ máu và kim tiêm đã làm tăng nguy cơ bất tỉnh.

Nguyên nhân chủ yếu và phổ biến là xuất phát từ nỗi ám ảnh có thể khởi phát qua việc nhìn trực tiếp thấy máu, bị thương, tiếp xúc kim tiêm, hay một số hoạt động khác liên quan đến máu. Ngoài ra, chứng sợ máu của nhiều người có thể xuất phát từ việc bị ức chế thần kinh hoặc thường xuyên bị nhồi nhét ý nghĩ sợ máu từ nhỏ.

Một lý do khác là do bệnh nhân có những suy nghĩ sai về máu như "máu chứa đầy vi khuẩn" hay "nếu bản thân mất một giọt máu thì sẽ dẫn đến tử vong". Những suy nghĩ này sẽ dẫn đến chứng sợ máu.

Nguyên nhân được cho có ảnh hưởng lớn đến sự ám ảnh với máu là yếu tố di truyền. Không ít trường hợp mắc chứng sợ máu có lịch sử gia đình với nhiều thành viên cũng từng bị. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp anh chị em song sinh.

Ám ảnh với máu còn thường xuyên liên kết với các rối loạn thần kinh khác như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ… và phổ biến hơn ở những người có tuổi thơ bị ngược đãi, bỏ bê, hoặc gặp tai nạn nghiêm trọng.

Một số người khác dễ ngất xỉu khi thấy máu vì bị suy giảm khả năng điều hòa của hệ thần kinh, khiến họ ngất như một phản ứng có điều kiện sau khi đã chịu đựng nhiều lần ngất do chấn thương, lúc này nhịp tim và huyết áp sẽ đột ngột tăng trong chốc lát nhưng sau đó lại tụt xuống mạnh, khiến cho da tái nhợt đi, đổ mồ hôi, buồn nôn rồi dẫn tới ngất xỉu.

Phản ứng ngất của người ám ảnh với máu là rất đặc biệt, bởi nhịp tim và huyết áp thực chất lại giảm chứ không tăng như nhiều loại ám ảnh khác.

Giả thuyết về việc ngất khi thấy máu

Các nhà khoa học theo thuyết thích ứng cho rằng ngất khi thấy máu làm tăng cơ hội sống sót, bởi huyết áp giảm đáng kể dẫn đến giảm mất máu trong trường hợp chấn thương. Tuy vậy, giả thuyết này có điểm bất hợp lý vì có người ngất dù chỉ trong trường hợp tiếp xúc với kim tiêm hay bị vết thương nhỏ, vốn chảy rất ít hoặc không có máu.

Giả thuyết thứ hai cho rằng ngất khi thấy máu là cơ chế tiến hóa ở động vật có vú và được kiểm soát bởi cơ chế sinh lý. Có nghĩa, khi một người thấy máu của mình hoặc của người khác chảy có thể gây ra một phản ứng ngay bên trong cơ thể.

Giả thuyết thứ ba mô tả lợi ích của việc ngất trong thời kỳ đồ đá cũ, vốn là khoảng thời gian có nhiều mối đe dọa.

Trong các cuộc xung đột, chạm trán với một người lạ đi kèm với sự nguy hiểm tính mạng. Và khi đó phản ứng ngất (hay chết giả) được tiến hóa như một phản ứng tự vệ thay thế cho chiến đấu hay bỏ chạy.

Nhiều lý thuyết đã được đưa ra để lí giải vấn đề này nhưng chưa lý thuyết nào được chứng minh một cách thấu đáo. Có lẽ đấy là cách cơ thể giảm thiểu mất máu sau khi gặp chấn thương. Hoặc có thể đó là bản năng để đánh lừa những kẻ săn mồi rằng chúng ta đã chết.

Cho đến bây giờ, người ta vẫn còn đi tìm câu trả lời thích đáng cho hiện tượng vì sao con người thường xỉu (hay bất tỉnh) do mất máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại