Theo trang Taiwan News, trong khoảng thời gian từ 22 tháng 10 đến 28 tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Standard Chartered và Dịch vụ thông tin tín dụng Trung Quốc đã cùng thực hiện một cuộc khảo sát các lãnh đạo cấp cao (CEO, CFO, tổng giám đốc và các lãnh đạo khác) từ các công ty với quy mô và lĩnh vực khác nhau. Các câu hỏi bao gồm triển vọng dài hạn, niềm tin kinh doanh, cũng như kế hoạch chuyển đổi và mở rộng ra nước ngoài.
Kết quả cho thấy Foxconn hoàn toàn có lý do để di chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Việt Nam. Trung Quốc giờ đây đã không còn là điểm nóng đầu tư hàng đầu. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á mà nổi bật nhất là Việt Nam đã trở thành khu vực tiềm năng mới.
Trong khảo sát, 70,6% số người được hỏi cho biết họ đã đầu tư vào Trung Quốc và 58,4% đã đặt chân đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là điểm đến hàng đầu với tỷ lệ 50,5%, theo sát là Thái Lan với 48,3%, Malaysia (42,3%) đứng vị trí thứ ba, Indonesia (33,3%) xếp thứ tư và Philippines là 26,9%.
Khi được hỏi liệu có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trong tương lai gần không, hơn 60% trả lời là có. Họ chọn Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu (33,2%), tiếp theo là Trung Quốc (23,4%) – quốc gia này đã nhận những khoản đầu tư hàng năm trong một thời gian dài từ Đài Loan.
Nguyên nhân là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những bất ổn ngày càng tăng khiến việc đầu tư vào thị trường Trung Quốc ẩn chứa quá nhiều rủi ro cho họ. Phó Tổng Giám đốcTrung tâm Dịch vụ Thông tin Tín dụng Trung Quốc Nickolas Hsu giải thích: "Sự thay đổi này đang phản ánh những mỗi lo ngại ngày càng tăng giữa các doanh nghiệp Đài Loan về những bất ổn và hàng rào thuế quan từ cả Trung Quốc và Mỹ do chiến tranh thương mại gây ra, các nhà điều hành hàng đầu xem xét các lựa chọn khác thay vì Trung Quốc."
Theo trang The Economist, Trung Quốc giờ đây đã không còn là thiên đường lao động giá rẻ. Các nhà đầu tư quốc tế đang coi Việt Nam mới là công xưởng của thế giới. Tiền lương và độ tuổi trung bình của công nhân Trung Quốc cao hơn nhiều so với công nhân Việt Nam. Sự cởi mở và nhiệt tình đối với các hiệp định thương mại tự do của chính phủ đã giúp Việt Nam trở thành điểm nóng đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt trong lĩnh vực hàng điện tử, Việt Nam đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm với Samsung – với ba nhà máy trong vòng hơn 30 năm. Và không thể không xét đến khía cạnh người tiêu dùng Việt Nam đang chuộng các sản phẩm của Apple nhiều hơn bao giờ hết, khiến cho người dân và chính phủ Việt Nam sẽ rất ủng hộ nếu như thực sự có "iPhone made in Vietnam".
Còn nếu như so sánh với Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành Foxconn Terry Gou trả lời Reuters: "Chúng tôi không có chỗ đứng ở Hoa Kỳ, chúng tôi và Hoa Kỳ có thể sẽ phải cạnh tranh với
nhau". Nhiều nguồn tin cho biết Foxconn đang cân nhắc lại và khả năng cao sẽ không xây dựng nhà máy trị giá 10 tỷ USD sản xuất các tấm màn hình tinh thể lỏng tiên tiến ở Wisconsin, Hoa Kỳ.
Năm 2007, Foxconn đã đầu tư 5 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Tính đến nay, gã khổng lồ này đã có hơn 10 năm tại thị trường Việt Nam, đó cũng sẽ là một lợi thế rất lớn cho họ khi hiểu rõ các điều kiện và chính sách kinh doanh ở Việt Nam.
Liên tục trong nhiều năm, Đài Loan luôn nằm trong danh sách 10 khu vực có đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan đã đầu tư tất cả 2.534 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới 31 tỷ USD.