Vì sao đột quỵ thường xảy ra trong khi tắm?
Tắm gội là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi người, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thi thoảng, chúng ta lại đọc được những trường hợp bị đột quỵ trong lúc đang tắm, hoặc ngay sau khi họ vừa tắm xong. Vì sao chuyện đi tắm, gội đầu lại tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ cao tới vậy?
Theo TS.BS Nguyễn Minh Đức (công tác tại Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM): Đột quỵ là tình trạng tắc hẹp mạch máu não dẫn đến nhồi máu não. Đột quỵ xảy ra trong lúc tắm thường là do dao động nhiệt lớn. Khi dao động nhiệt xảy ra quá đột ngột sẽ khiến cho trung tâm cảm biến nhiệt và điều nhiệt chưa kịp thích nghi, dễ gây ra tình trạng phản ứng co mạch. Cuối cùng, thúc đẩy nguy cơ đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim.
"Khi chúng ta từ 40 tuổi trở lên, cơ thể đã không còn sức dẻo dai và bền bỉ so với tuổi 30. Chúng ta tuyệt đối không tạo ra các tình huống biên độ dao động nhiệt lớn vậy sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng", TS.BS Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Minh Đức có một số chia sẻ về khả năng đột quỵ khi tắm và điều quan trọng cần làm để phòng ngừa như sau:
Theo bác sĩ, có 7 trường hợp dễ bị đột quỵ trong khi đi tắm, bao gồm:
1. Tắm khi vừa đi từ ngoài trời nóng về nhà. Đang đổ mồ hôi nhễ nhại thì vào tắm ngay với nước lạnh (tình huống này hay xảy ra trong mùa hè).
2. Tắm sau khi đi từ một xứ nóng (ví dụ miền Nam) đến một xứ lạnh và rét (ví dụ miền Bắc) hoặc ngược lại. Vừa đến thì vào tắm ngay (tình huống này hay xảy ra trong mùa đông).
3. Tắm sau khi nhậu xỉn cho tỉnh và mát.
4. Tắm khi đang ốm, cảm cúm, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao, đường huyết cao, người đang rất đuối và mệt.
5. Tắm có thói quen là xả thẳng vòi sen từ đầu xuống.
6. Đến bể bơi không cho cơ thể có thời gian thích nghi với nước mà ngay lập tức nhảy ùm xuống hồ.
7. Tắm vào ban đêm (thường sau 9h tối).
Bác sĩ chia sẻ 8 điều quan trọng khi tắm để tránh đột quỵ
1. Khi tắm cần tuyệt đối không xả nước trực tiếp từ đầu xuống chân, nên làm ướt chân trước để cơ thể làm quen với nhiệt độ nước.
Khi đi tắm hồ bơi hay ngâm mình trong bồn, nên ngâm chân trong hồ/bồn nước đến khi thấy hai chân cảm giác không bị lạnh toát thì lúc này mới an toàn.
2. Khi đang nóng, đổ mồ hôi nhễ nhại thì hãy ngồi chỗ mát cho ráo mồ hôi rồi hãy đi tắm.
3. Khi di chuyển từ một xứ nóng sang xứ lạnh và ngược lại thì vừa đến nơi, đừng tắm ngay. Nên chờ đủ 6 tiếng và tốt nhất là 1/2 ngày để cơ thể thích ứng với môi trường lạ rồi mới tắm.
4. Không tắm khi đang ốm đau, cảm cúm, đuối, chóng mặt, huyết áp cao, đường huyết cao và mệt. Thay vào đó hãy dùng khăn lông thấm nước ấm lau mình.
5. Tuyệt đối không tắm sau khi vừa nhậu xỉn, đặc biệt là đêm khuya. Nếu vẫn kiên quyết tắm thì hãy dùng khăn lông thấm nước lau mặt, lau mình, đợi sáng hôm sau tỉnh táo rồi tắm.
6. Với người từ 60-70 tuổi trở lên thì trong phòng tắm nên lắp thanh vịn ngang hông vì sàn nhà tắm rất ướt và độ bám chân của người lớn tuổi thường không tốt như người trẻ nên rất dễ trượt chân. Nguy hiểm hơn là dễ đập đầu vào các thiết bị như lavabo, bồn cầu, tường gạch...
7. Với người có bệnh lý tim mạch vành hoặc hẹp mạch não khi đi tắm thì nên khép hờ cửa. Không nên khóa chặt cửa và nên tắm lúc có người thân trong nhà.
"Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp đột quỵ xảy đến, người bệnh đã cố gắng lết đến cửa nhưng không thể gượng dậy mở cửa được để kêu cứu hoặc có kêu cứu nhưng không ai nghe thấy để ứng cứu", TS.BS Nguyễn Minh Đức cho biết.
8. Nên tắm trước 8h tối
Cũng theo bác sĩ, những ai từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát nhồi máu cơ tim với siêu âm tim + điện tâm đồ. Còn đối với người tầm soát nguy cơ đột quỵ thì cần làm MRI não có dựng ảnh mạch máu cảnh + não qua TOF3D.