Theo PhoneArena, tên tuổi thụt lùi mới nhất của làng di động không ai khác hơn Sony. Giống như LG, Sony vẫn có trong tay một dòng flagship mạnh mẽ nhưng có vẻ như các bản phát hành mới chỉ xuất hiện trước mắt công chúng trong một thời gian ngắn trước khi mọi người quan tâm đến những chiếc điện thoại khác mà họ có thể mua. Nhưng tại sao lại như vậy?
Niềm tự hào của một thương hiệu toàn cầu
Sony không xa lạ gì với thành công trên thị trường điện thoại di động. Trong những năm 2000, một số thiết bị cầm tay của họ đã được phát hành dưới thương hiệu Sony Ericcson, bao gồm nhiều mẫu được ca ngợi về khả năng chơi nhạc và camera.
Có tới 9% thị trường điện thoại di động toàn cầu thuộc sở hữu của liên doanh Sony Ericcson vào năm 2007. Nhờ vào sự phổ biến của điện thoại phổ thông, Sony Ericsson đã bước vào thế giới Android vào năm 2010 và ra mắt một số model đáng chú ý, như Xperia X10 và Xperia Arc.
Năm 2011, Sony mua lại cổ phần của Ericsson trong liên doanh. Do đó, bộ phận hiện được gọi là Sony Mobile có toàn quyền sử dụng công nghệ và mảng R&D của công ty mẹ.
Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2013, Sony chiếm khoảng 5% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu và trở thành nhà sản xuất đứng thứ 4 thế giới trong năm 2014. Từ đó, công ty bắt đầu trượt dốc trên bảng xếp hạng.
Một trong những lý do chính khiến điện thoại thông minh Sony không thành công những năm sau đó chính là chiến lược chung của công ty về thị trường di động. Sony, một gã khổng lồ công nghệ, muốn trở thành Apple của thế giới Android chỉ với những chiếc smartphone cao cấp.
Vào năm 2012, Giám đốc điều hành của Sony Mobile cho biết "Đó chính là giá trị, đó chính là tiền" khi đề cập đến phân khúc hàng đầu và tiết lộ mục tiêu là "phát huy thế mạnh của chúng tôi - thương hiệu cao cấp mà Sony đại diện".
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của Apple đối với người tiêu dùng không dễ tái tạo và thị trường Android, ít nhất là trong những năm đầu tiên, rất khác biệt so với iPhone (iOS).
Hóa ra, người dùng Android có nhiều loại điện thoại thông minh để lựa chọn và giá cao phải được hỗ trợ bởi các tính năng phần cứng quan trọng hoặc người tiêu dùng sẽ có được thứ gì đó rẻ hơn mang lại trải nghiệm tương tự.
Một điều khiến Sony gặp bất lợi lớn trên thị trường Mỹ là mối quan hệ kém với các nhà mạng di động. Chính xác những gì đã xảy ra giữa các giám đốc điều hành ở cả hai bên có thể sẽ vẫn là một bí mật, nhưng nó dẫn đến việc Sony từ chối thực hiện các điều chỉnh cho điện thoại mà các nhà mạng yêu cầu. Sau đó, vấn đề chia sẻ doanh thu cũng có thể là điểm bất đồng giữa 2 bên.
Dù là với lí do gì thì cuối cùng Sony cũng đã ngừng bán điện thoại thông minh của mình thông qua các nhà mạng tại Mỹ, điều đó có nghĩa là doanh số của họ sẽ giảm đáng kể và hạn chế sự tiếp xúc giữa thương hiệu với các khách hàng tiềm năng. Động thái đó có một hậu quả tiêu cực khác đối với Sony.
Trong nhiều năm, công ty đã phải vô hiệu hóa cảm biến vân tay trên điện thoại thông minh của mình hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn cho thị trường Mỹ. Lý do cho điều đó không bao giờ được nêu rõ ràng, nhưng nó được liên kết với một thỏa thuận mà Sony đã thực hiện với một trong những nhà mạng Mỹ.
Trên hết, Sony vẫn từ chối thay đổi giá điện thoại của mình, giữ cho nó cao hơn một chút so với các thiết bị tương tự khác. Bây giờ, chúng ta hiểu rằng nếu bạn muốn trở thành một thương hiệu cao cấp, bạn phải có giá cao nhưng "phù hợp" cho sản phẩm của mình.
Nhưng khi chiến lược đó không hiệu quả với công ty của bạn trong một vài năm liên tiếp, bạn không phải là một bậc thầy tiếp thị để nhận ra điều gì đó cần thay đổi. Có vẻ như Sony thà chấp nhận việc bán hàng chậm hơn chứ không hạ giá để cạnh tranh.
Thiết kế ít thay đổi
Ngoài các vấn đề với các nhà mạng tại Mỹ, Sony Mobile dường như cũng không có chiến lược toàn cầu hợp lý. Công ty đã thực sự làm nhiều việc để phân biệt các sản phẩm của mình với đối thủ cạnh tranh. Với các mẫu Android trước đây, vẫn thuộc thương hiệu Sony Ericsson, công ty thường thử nghiệm các thiết kế và hình dạng khác nhau cho điện thoại của mình.
Tuy nhiên, một khi cái tên "Ericsson" bị loại bỏ, Sony rõ ràng đã quyết định rằng họ chỉ muốn có những chiếc điện thoại trông nghiêm túc, phù hợp nhất cho doanh nhân - nhưng thường điều này sẽ tạo ra sự nhàm chán. Họ liên tục cung cấp các điện thoại thông minh trông gần giống nhau với trải nghiệm phần mềm giống hệt nhau hàng năm.
Công bằng mà nói, Sony đã có một vài nỗ lực đổi mới, trong đó đáng chú ý nhất là Sony Tablet P. Máy tính bảng lai điện thoại màn hình kép có thể trông quen thuộc với bạn bây giờ, nhưng khi các công ty giới thiệu nó vào năm 2011 thì đó quả là một thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, công nghệ vào thời điểm đó lại không đủ tốt để làm cho một thiết bị như vậy trở nên hữu ích, vì thế không ngạc nhiên khi thiết bị cũng nhanh chóng bị quên lãng.
Không tận dụng được những lợi thế của mình
Điều khó hiểu hơn về cách tiếp cận của Sony khi mà công ty đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ của camera trên smartphone. Cảm biến của họ được tìm thấy trong hầu hết các điện thoại thông minh hiện đại, bao gồm cả iPhone XS Max.
Nhưng trong một thời gian dài, Sony đã chơi trò chơi megapixel, gắn cảm biến 23MP vào điện thoại của mình, trong khi các đối thủ cạnh tranh dựa vào cảm biến 12MP.
Mọi người có thể cho rằng Sony sẽ có lợi thế ở đây, nhưng trên thực tế, các cảm biến có độ phân giải thấp hơn trên điện thoại thường ít bị nhiễu kỹ thuật số hơn, cho phép chúng tạo ra những bức ảnh rõ hơn mặc dù số pixel thấp.
Việc Sony không sử dụng OIS trong máy ảnh của họ cũng không giúp được gì. Công ty cũng bỏ qua các thiết lập máy ảnh kép quá lâu, thay vào đó, đặt cược vào các tính năng ít hữu ích hơn như quay video 960 khung hình/giây.
Ngoài ra, Sony còn rất chậm trong việc thích ứng với các trào lưu mới của thị trường. Chiếc smartphone màn hình OLED đầu tiên của họ chỉ mới xuất hiện vào năm ngoái. Năm 2018 cũng chứng kiến việc Sony loại bỏ thiết kế với viền màn hình rất dày ở cạnh trên và dưới.
Tuy nhiên, họ lại nhanh chóng loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5 mm – một yếu tố luôn được những người yêu âm nhạc hoan nghênh.
Bất chấp những lời chỉ trích, Sony thường thiếu đổi mới nhưng smartphone của họ ít khi bị báo chí bình luận tiêu cực và vẫn cung cấp trải nghiệm tốt cho những người trung thành với thương hiệu.
Doanh số điện thoại thông minh Sony đã giảm rất nhiều, công ty dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 7 triệu thiết bị trên toàn cầu vào năm 2018. Con số này chưa bằng doanh số smartphone của các nhà sản xuất hàng đầu trong một tháng.
Tại thời điểm này, việc kinh doanh điện thoại thông minh của Sony chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho các dự án thành công khác. Có vẻ như Sony vẫn cương quyết giữ lại mảng kinh doanh smartphone bằng mọi giá dù rằng doanh số đang suy giảm nghiêm trọng. Tại thời điểm này, việc tìm mua mới một chiếc smartphone Sony là không hề dễ dàng chút nào.
Các công ty khác có thể học được gì từ số phận của LG, HTC và Sony?
Những gì đã xảy ra với LG, HTC và Sony là lời cảnh báo cho các nhà sản xuất hàng đầu hiện nay. Nếu không có chiến lược thích ứng với thị trường, vị trí của họ sẽ dễ dàng bị thay thế bằng một tên tuổi khác.
Về phía người dùng, chúng ta hi vọng sẽ có nhiều tên tuổi cùng cạnh tranh với nhau trên thị trường di động. Điều này chắc chắn có lợi cho người dùng.
Và với những rò rỉ gần đây, người hâm mộ đang chờ đợi một sự trở lại mạnh mẽ hơn của HTC, LG và đặc biệt là Sony trong năm nay.