Có một sự thật: dê leo núi rất giỏi, và chắc chắn không phải dê biết thịt mình rất ngon, nên chạy lên núi để trốn đâu. Đã có người thắc mắc câu hỏi này trên Quora , và đã có một câu trả lời cực kỳ xuất sắc tới từ anh Stefan Pociask , một nhà nghiên cứu động vật hoang dã và cũng là một cây bút viết về các hiện tượng tự nhiên.
Câu trả lời của anh đã được đăng tải trên những tờ báo hàng đầu, gồm có Huffington Post và Forbes. Đây là những bí mật về dê mà anh Pociask đã tiết lộ:
Tất cả những câu trả lời hiện có trên mạng Internet đều mù mờ và không thỏa mãn được trí tò mò của ai. Dữ liệu có về bộ móng và bộ vó của dê đều chung chung, không cụ thể. Giờ là lúc vén màn bí mật, và những hiệp sĩ vận giáp trụ từ thời Trung Cổ sẽ cho ta hiểu hơn về con dê.
Rất nhiều loài vật nổi tiếng với khả năng leo núi đá, ví dụ hay thấy nhất là cừu và dê, tuy nhiên có một loài vượt trội hơn cả. Dê núi là chuyên gia leo trèo không có đối thủ, khi nó lên được những độ cao đáng sợ và thoạt nhìn, những vách núi chúng leo được lên quả thật bất khả thi để bám được vào.
Nhìn chúng đứng chênh vênh trên vách đá, trong đầu ta chỉ có hai câu hỏi lớn: “Làm thế quái nào chúng leo được lên, và làm thế quái nào chúng trèo được xuống?”. Bên cạnh đó là những câu hỏi nhỏ như: leo trèo cả ngày như thế thì dê chắc thịt lắm nhỉ.
Vậy điểm khác biệt giữa dê núi và các loài leo trèo khác là gì? Phần lớn nằm ở sự khác biệt của bộ móng guốc, thứ cho chúng khả năng bám đá tuyệt vời và có thêm khả năng chống trượt khi đứng trên mặt phẳng nghiêng. Để giải thích, có thể đem móng guốc của dê ra so sánh với giáp của hiệp sỹ, cụ thể là giáp ở bàn chân.
Những thứ này cũng có tên riêng, gọi là “sabaton”.
Cả thiết kế và chức năng của hai “bộ móng” này đều có điểm tương đồng. Giáp chân sabaton không có đế, chúng là một lớp kim loại đặt lên trên giày của hiệp sỹ, tạo thành một bàn chân có giáp cứng ở trên và đế thì mềm, bọc quanh viền đế sẽ chính là phần rìa cứng chạm được tới mặt đất.
Còn dưới đây là thiết kế cơ bản của bộ móng guốc động vật:
Đây chính là “thiết bị” cho phép dê có thể leo vách núi. Nhìn vào móng ngựa chẳng hạn, bạn sẽ thấy chúng chạy bằng cách gõ viền của móng guốc lên mặt đất chứ không chạy bằng cả bàn chân như người; cách thức sử dụng móng này là lý do tại sao móng kim loại cho ngựa lại có hình chữ U.
Con dê leo núi kết hợp được những yếu tố tốt nhất của những thứ móng/bàn chân tốt nhất: móng guốc của chúng vừa có mép cứng, vừa có đế mềm.
Tiếp theo, hãy một lần nữa xét tới móng guốc của con ngựa: ngựa chỉ có một ngón, với viền quanh là phần móng cứng; con sư tử núi thì có nhiều ngón nhưng lại không có phần móng guốc cứng bao quanh viền. Con dê núi lại một lần nữa sở hữu những phần tinh túy nhất của hai thứ chân: đã vừa nhiều ngón, lại còn có viền cứng để bám trụ.
Chính những yếu tố này cho phép chúng bám chắc lên bề mặt đá và giữ được vị trí ngay cả khi đứng ở bề mặt nghiêng. Đây là lời lý giải, và trước hết hãy nhìn móng guốc của con cừu sừng lớn mà xem:
Nhìn kỹ mà xem, rồi so sánh với thiết kế cơ bản của móng guốc đã nêu ở trên. Phần nhăn nheo ở giữa chính là phần đế mềm, bạn còn có thể thấy được phần móng cứng bắt đầu từ đâu. Khi bộ móng này đi trên bề mặt nhiều sỏi đá, những phần đá trồi lên sẽ đè vào phần bàn chân mềm, để rồi bị khóa chặt bởi phần móng cứng bao quanh, đảm bảo không bao giờ trượt đi được.
Bên cạnh đó, hai ngón tách biệt có thể xòe rộng ra để đặt chân cho dễ, hoặc khép chặt lại để bám đá chặt hơn nữa. Một khi chân đã đặt xuống đá, móng guốc sẽ đảm bảo là con dê không trượt đi đâu được, dù cho bề mặt đá gồ ghề như thế nào.
Mà mấy con dê cũng rất cẩn trọng trong việc chọn chỗ đặt chân, thậm chí còn biết thò chân ra … gạt bớt sỏi đá để đứng cho vững. Vừa cẩn thận, vừa sinh ra đã có chân xịn để leo trèo, thế thì ngã làm sao được!
Nói vậy chứ để có được bàn chân, bộ móng guốc như ngày hôm nay, chọn lọc tự nhiên đóng góp một phần lớn công sức: không biết bao nhiêu thế hệ dê đã ngã xuống chân núi để chúng có thể thích nghi được như ngày hôm nay.
Cứ sau mỗi thế hệ dê, chúng lại leo trèo giỏi hơn. Vừa là để kiếm ăn, vừa để tránh con mắt dòm ngó của kẻ săn mồi, mỗi tội đường đi dễ mất mạng thôi. Thế mới thấy tự nhiên kỳ diệu.
"Nhìn gì bạn ơi?"
Đây mới chỉ trả lời được một phần câu hỏi, là cách con dê bám lên bề mặt gồ ghề sỏi đá. Cách thức leo núi của con dê sẽ cần tới vốn hiểu biết về chi trước, cơ bắp vai và những yếu tố sinh lý học khác. Vậy nên cứ giải thích việc xuống núi trước đã.
Vẫn như trước, vẫn chủ yếu nhờ vào thiết kế của bộ móng guốc, kèm với việc cẩn thận chọn chỗ đặt chân và gạt bớt đá dăm khỏi chỗ muốn đặt chân.
Bên cạnh đó, nếu như những con dê mà không tính toán trước đường xuống, nó cũng sẽ lại xuống núi theo đường không giống như tổ tiên chúng từng làm. Chúng biết sẽ có những điểm đặt chân không mấy tối ưu, nên sẽ phải tìm cách nhảy sang những điểm an toàn hơn.
Nếu cần và nếu có thể, con dê xuống núi sẽ tìm cách nhảy sang bên, chứ nhảy dọc theo sườn núi thì chỉ có chết. Nếu chúng nhảy sang bên, năng lượng có từ hoạt động con dê cũng như tạo ra từ trọng lượng cơ thể sẽ bị văng sang bên chứ không văng thẳng xuống chân núi.
Khi xuống núi, chúng sẽ luôn duy trì 3 điểm tiếp xúc ở mọi thời điểm, trái ngược với lúc leo núi (nhiều báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng dê sử dụng một chân để nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể lên). Đường xuống nguy hiểm hơn nhiều, khi mà động lượng kéo chúng xuống cái chết đang đợi bên dưới đặc biệt cao. Vậy nên, không cẩn thận thì mất mạng.
Như mọi chuyên gia leo núi khác, dê biết mình phải giữ trọng tâm càng gần bề mặt núi đá càng tốt.
Chúng đều là chuyên gia leo núi, thế tại sao con dê núi lại vượt trội hơn cả, để vinh dự được nhận cái tên “dê núi”? Trước hết, đây là móng guốc con dê núi:
Ta thấy ngay điểm khác biệt với móng của cừu sừng lớn: phần lòng bàn chân có nhiều điểm thịt mềm hơn và rộng hơn, còn phần rìa cứng thì chẳng khác gì cái sabaton trong giáp trụ hiệp sỹ. Viền không có đường cong mà rõ ràng hơn nhiều. Nhờ lớp thịt rộng, con dê sẽ biết ngay bề mặt đá ra sao khi đặt chân xuống, để còn ứng phó kịp thời với bất kỳ trường hợp nào có thể xảy ra.
Hết móng guốc, hãy phân tích tới cấu tạo cơ thể những chuyên gia leo núi.
Bắt đầu với phần hiển nhiên nhất, đó là bộ sừng đầy ấn tượng của con cừu sừng lớn và con dê núi Alps. Sừng thì to và đẹp đấy, nhưng sẽ làm con dê mất thăng bằng khi cheo leo vách núi, còn bộ sừng con dê núi thì nhỏ gọn hơn vài lần; chắc chắn bỏ bớt cân nặng ở phần đầu sẽ khiến đường xuống núi dễ dàng hơn nhiều lần.
Dê núi.
Cừu núi.
Dê núi Alps.
Tiếp theo, hãy nhìn hình thể con dê núi mà xem, cơ bắp cuồn cuộn ở vùng cổ và vai sẽ cho phép con dê nâng được thân hình của mình lên những vách đá cheo leo bậc nhất. Nó có thể tới được những vị trí ít loài chạm tới được.
Khi leo núi, chân năm ngón của loài người không thể so bì với sự kỳ diệu của tự nhiên.
Cho bạn đoạn phim đáng ngạc nhiên này, chưa kiểm chứng được độ xác thực, cứ xem cho vui thôi đã: