Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 5/1961, Tổng thống John F. Kennedy đã thừa nhận sự cần thiết phải triển khai các chiến dịch đặc biệt để đối phó với cuộc chiến tranh du kích của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Khi đó, trên thực tế, Hải quân Mỹ đã điều động tới chiến trường Việt Nam các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ để thực hiện nhiệm vụ này. Chính Lực lượng Đột kích Dưới nước (Underwater Demolition Teams), tổ chức tiền thân của Đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEALs) mà chúng ta biết tới ngày nay là những đơn vị đầu tiên tham chiến trên địa hình sông nước miền Nam Việt Nam.
Có thể nói, Lực lượng Đột kích Dưới nước bao gồm những thành viên đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Mỹ. Đây là lực lượng được đào tạo bài bản về cận chiến, nhảy dù từ trực thăng, thực hiện các chiến dịch đột kích phá hoại và nhất là rất thông thạo tiếng bản địa.
Đầu năm 1962, Đặc nhiệm Hải quân Mỹ được huy động tới chiến trường miền Nam Việt Nam để tham gia sứ mệnh cố vấn, nhưng chưa tới một năm sau đó đã trực tiếp tham gia vào một kế hoạch bí mật có tên gọi Chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix Program) do Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bảo trợ.
Đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEALs) tuần tra trên sông khi tham chiến tại miền Nam Việt Nam
Một trong những nhiệm vụ mà lực lượng SEALs phải thực hiện là tiến hành các cuộc bắt cóc, ám sát những mục tiêu có giá trị cao. Nghĩa là lực lượng này cho người thâm nhập vào sâu bên trong giới tuyến của Quân đội Việt Nam để tiến hành các hoạt động thủ tiêu, ám sát.
Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phải di chuyển liên tục trên môi trường địa hình gồ ghề, thô ráp nhiều vật cản nên đặc nhiệm Hải quân Mỹ phải lựa chọn loại quần áo có độ bền cao và đó chính là lý do họ đã chọn quần Jeans màu xanh.
Ưu điểm của loại quần này là nó giúp các thành viên của SEALs thực hiện các động tác trườn, bò mà không sợ bị rách, vướng mắc vào cành cây, cọ sát phát ra tiếng động để đảm bảo yếu tố bất ngờ và đặc biệt rất thoải mái, không gây trầy xước.
Nhìn lại lịch sử, ở giai đoạn triển khai đầu tiên, đặc nhiệm SEALs của Mỹ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam, bởi rõ ràng du kích địa phương chưa thể giao tranh với một lực lượng nhà nghề, chuyên nghiệp như SEALs.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, SEALs đã gặp phải đối thủ xứng tầm đó là Đặc công Rừng Sác của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1971, Trung đội SEALs cuối cùng của Mỹ đã rút ra khỏi Việt Nam. Kể từ thời điểm đó tới nay, Đặc nhiệm Hải quân Mỹ đã tham chiến trên nhiều chiến trường, nhưng dường như chưa bao giờ SEALs gặp phải "đối thủ" xứng tầm như Đặc công Rừng Sác trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Video giới thiệu về lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Mỹ