Nguồn gốc ngày Valentine
Dù là 1 trong những ngày lễ được chờ đợi nhất năm nhưng trên thực tế, nguồn gốc chính xác nhất của Valentine vẫn chưa được công nhận. Lý do là bởi có đến 3 người có tên Valentine hoặc Valentinus được phong thánh và tất cả đều có sự hy sinh cao cả vì tình yêu chân chính, tình yêu cao đẹp.
Người đầu tiên và cũng là phổ biến nhất chính là linh mục Valentine, người sống trong thời kỳ La Mã cổ đại, dưới sự trị vì của hoàng đế Decius và Claudius II. Vào năm 250, Decius ra lệnh trừng phạt nặng đối với những người không tôn thờ hoàng đế.
Thực ra là nhắm vào những người theo đạo Cơ Đốc cho nên rất nhiều người đã bị bắt, trong đó có cả Valentine. Là con người thông thái, được nhiều người tôn trọng, Valentine cũng bị Claudius nhiều lần chiêu dụ nhưng không thành.
Không những thế, Valentine còn cảm hóa được viên cai ngục khi chữa khỏi trọng bệnh cho con gái người này. Cảm kích trước tấm lòng của vị linh mục, viên cai ngục cùng gia đình 46 người đã theo đạo Cơ đốc.
Nhưng điều này cũng khiến nỗi lo sợ của hoàng đế lớn dần lên, Claudius quyết định sẽ xử tử linh mục Valentine vào 14/2/270 tại đường Flaminius. Dù không tránh được án tử định mệnh nhưng cái chết của Valentine đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới dân chúng. Ông cũng như ngày 14/2 trở thành biểu tượng của tình yêu thương cao thượng.
Câu chuyện thứ hai gần gũi với tình yêu đôi lứa hơn. Đó là truyền thuyết về 1 linh mục khác cũng có tên là Valentine, sống tại thành Roma! Khi đó, hoàng đế Claudius II ban hành sắc lệnh cấm hôn nhân đối các binh sĩ trẻ vì cho rằng cuộc sống gia đình chỉ làm họ mềm yếu, thiếu sức chiến đấu.
Cũng vì điều này mà hàng trăm, hàng ngàn nam thanh nữ tú yêu thương thật lòng chỉ biết câm lặng chứ không thể đến với nhau. Không cam tâm trước tình cảnh khó khăn vì sắc lệnh kỳ lạ đó, linh mục Valentine đã bí mật đứng ra, tổ chức đám cưới cho các đôi trai gái theo đúng nghi thức quy định.
Không may, chuyện này vỡ lở, việc đến tai hoàng đế Claudius II và ngay lập tức linh mục Valentine bị bắt giam. Đến ngày 14/2 thì Valentine bị xử tử. Nhưng cái chết của ông không hề phí hoài, nó trở thành biểu tượng cho tình yêu chân chính, và ngày Valentine ra đi cũng trở thành ngày của tình yêu!
Truyền thuyết thứ 3 này cũng là 1 trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về nguồn gốc của ngày Valentine. Vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, 1 thầy thuốc bị bắt giam và kết tội tử hình vì dám tin vào Chúa.
Thời gian trong ngục, chàng vô tình quen và yêu 1 cô gái sau khi chữa sáng mắt cho nàng. Đó cũng chính là cô con gái mù của viên cai ngục. Họ đến với nhau bằng tình yêu nồng cháy và cả tấm lòng chân thành. Tuy nhiên, thời gian lại quá ngắn ngủi.
Ngày 14/2, trước khi ra pháp trường, chàng trai đã gửi tới cô gái bức thư tình cuối cùng dòng chữ ký: From your Valentine (Valentine của em). Và đó cũng là 1 trong những câu chuyện tình nổi tiếng nhất thế giới. Cho đến tận ngày nay, cứ mỗi dịp lễ Tình nhân, các đôi trai gái vẫn tặng nhau tấm thiệp có chữ ký From your Valentine thay vì tên thật.
Vì sao lại tặng sô cô la trong ngày Valentine?
Chưa truyền thuyết nào được chính thức chấp nhận như nguồn gốc thật sự của Valentine nhưng tựu chung, cả 3 đều là sự hy sinh cho tình yêu đôi lứa, hay cao hơn là tình yêu thương giữa người với người.
Trong ngày 14/2 này, mọi người thường tặng nhau hoa hồng, sô cô la. Đối với biểu tượng của tình yêu - hoa hồng thì dễ hiểu nhưng vì sao lại tặng cả sô cô la?
Theo truyền thuyết, sô cô la được sử dụng từ rất lâu trước đây. Khi đó, hoàng đế Montezuma của người Aztec thường dùng 1 lượng lớn đồ uống sô cô la hàng ngày và đặc biệt là trước khi ngủ để bổ sung sinh lực. Thấy vậy, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã về và báo lại với hoàng đế của họ, đây là 1 thứ thức uống thần kỳ, giúp người dùng có sức mạnh và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi.
Dần dần, sô cô la được xem như biểu tượng cho sự hòa quyện về cảm xúc cũng như sự lãng mạn và tình yêu. Người phương Tây cho rằng, tin rằng đó chính hương vị tình yêu khi chúng ta có thể cảm nhận các vị đắng, chát, ngọt, bùi... cũng như những cung bậc của cảm xúc.
Thậm chí, Elaine Sherman, nhà văn hóa phương Tây từng viết: "Sôcôla là thiên đường, là sự chuếnh choáng, sự hưng phấn, ngọt ngào, sâu lắng, sự xa hoa lộng lẫy, sự thăng hoa của cảm xúc.
Một thứ đồ ăn đậm đà, một thứ men say, một món ăn nhiều kem, đầy cám dỗ, khêu gợi, mượt mà, mịn màng,… Socola mang đến cảm giác lâng lâng, hạnh phúc, vui vẻ, ngất ngây, ảo tưởng...".
Tham khảo nhiều nguồn