Khi các cặp vợ chồng muốn có thêm đứa con thứ 2, thứ 3, họ có suy nghĩ rằng, nếu có thêm con thì khi mình qua đời, con cái còn có anh chị em để nương tựa vào nhau. Thế nhưng, thực tế nhiều khi lại trái ngược với những gì họ tưởng tượng. Khi đứa trẻ tiếp theo chào đời, họ nhận thấy tình cảm giữa anh chị em với nhau rất xấu, thậm chí có những đứa trẻ xem nhau như "chó với mèo".
Trên thực tế có một số gia đình còn rơi vào cảnh khi cha mẹ già qua đời, con cái coi nhau như người dưng nước lã, hiếm khi liên lạc với nhau. Đây là một sự thật rất buồn nhưng lại tồn tại trong xã hội ngày nay.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao một số gia đình có anh chị em yêu thương nhau, trong khi số khác hiếm khi nói chuyện với nhau? Lý do về sự khác biệt này là gì? Liệu có liên quan tới cha mẹ không?
Cách giáo dục con cái của cha mẹ ảnh hưởng tới tình cảm của anh chị em trong nhà
Phải nói rằng việc anh chị em có thân thiết với nhau hay không có liên quan chặt chẽ đến cách giáo dục của cha mẹ.
Có một người mẹ nọ có 2 đứa con trai thường xuyên gây gỗ, đánh nhau. Mọi người xem đây là điều bình thường giữa những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuy nhiên, hành động của cha mẹ 2 đứa trẻ này khiến mọi người bất ngờ.
Trong một lần 2 anh em đánh nhau, người em liên tục nói: "Sao anh là anh lớn mà lại không nhường em, mẹ đã nói lớn phải nhường cho nhỏ chứ".
Người anh tức giận đáp lại: "Lần nào cũng vậy, tại sao tao phải luôn nhường cho mày. Tao không phải là con của bố mẹ hả. Mày đừng có ỷ nhỏ mà suốt ngày kiếm chuyện với tao".
Một đoạn hội thoại ngắn của 2 anh em đủ để bộc lộ 2 vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ giữa 2 đứa trẻ. Thứ 1, câu nói của người em trai thể hiện cha mẹ là người không công bằng, thiên vị, luôn bắt người anh phải nhường nhịn mọi thứ. Thứ 2, khi 2 đứa trẻ đánh nhau, chúng không có sự hướng dẫn nào của cha mẹ để giải quyết vấn đề của mình. Cha mẹ để mặc kệ con mình tự xử lý bằng bạo lực.
Sự thiên vị của cha mẹ, sự thiếu hướng dẫn đúng đắn đã khiến cho 2 anh em trở nên thù hận nhau, nếu không thay đổi thì sau này chúng sẽ ngày càng ghét bỏ và xa cách nhau.
Có một thực tế nữa cho thấy sau khi con cái kết hôn, quyết định trong việc phân chia tài sản của cha mẹ sẽ tác động lớn tới mối quan hệ của anh chị em trong nhà.
Ở một số gia đình, khi còn nhỏ anh chị có tình cảm tốt với nhau nhưng sau khi lập gia đình riêng, tình cảm dần trở nên lạnh nhạt, nguyên nhân bắt nguồn từ việc phân chia tài sản của cha mẹ để lại.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi đối xử con cái với nhau là tính bình đẳng. Nếu thấy cha mẹ đặc biệt yêu thương, lo lắng cho anh hoặc em của mình, đứa con còn lại chắc chắn sẽ cảm thấy bực bội. Ngay cả khi đứa con này không có ý kiến gì, bạn đời của họ cũng sẽ cằn nhằn, từ đó ảnh hưởng đến sự hòa thuận trong gia đình.
Điều tệ hơn nữa là khi cha mẹ phân chia tài sản không đồng đều, người ít người nhiều trong khi họ vẫn còn sống. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc rạn nứt tình cảm giữa anh chị em với nhau.
Tóm lại, mối quan hệ giữa anh chị em trong nhà như thế nào phụ thuộc rất lớn tới cách cha mẹ giáo dục, quan tâm tới từng đứa trẻ. Đứa trẻ nào cũng muốn được cha mẹ thương yêu mình nhưng một khi chúng nhận thấy sự bất công, chắc chắn chúng sẽ trở nên ghét bỏ anh chị em mình.