Bạn đã bao giờ nghe về cụm từ "ung thư tim"? Cần làm rõ rằng đây là một căn bệnh hoàn toàn có thật. Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên thế giới tiếp nhận thêm khoảng 14.000 trường hợp mắc ung thư tim.
Thế nhưng nghe thì lớn, kỳ con số ấy chỉ chiếm 0,8% tổng số ca ung thư trên thế giới. Có nghĩa, tỷ lệ mắc phải ung thư tim là cực kỳ thấp.
Tại sao vậy? Hiện tượng này lập tức gây được sự chú ý của giới khoa học, và cuối cùng cũng đã được lí giải sau thời gian dài nghiên cứu.
Trước hết, bản chất của ung thư là gì?
Trái với lầm tưởng của nhiều người, ung thư thật ra là tên gọi chung cho vô số bệnh khác nhau, với bản chất là sự phân chia vô tổ chức của tế bào. Tế bào khỏe mạnh bị đột biến, dẫn đến sai hỏng ADN và trở thành tế bào ung thư.
Ung thư
Nếu tế bào bình thường chỉ nhân lên một số lần nhất định tùy theo vào nhu cầu của cơ thể, thì tế bào ung thư nhân lên liên tục, không có giới hạn. Nói cách khác, ung thư giống như sự "bùng nổ dân số" mà nguyên nhân là do tế bào ung thư đã "sinh đẻ không có kế hoạch".
Sự quá tải dân số này có thể lan rộng sang các vùng khác - chính là quá trình di căn. Tế bào ung thư ở cơ quan ban đầu theo đường máu đi sẽ tạo ra một khối u khác ở cơ quan thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư…
Vậy tại sao điều này lại liên quan đến tần số mắc ung thư tim?
Rất đơn giản. Khi đã hiểu đủ về ung thư nói chung, ta dễ dàng thấy được rằng một cơ quan có thể bị bệnh do tự phát sinh đột biến, hoặc là hậu quả của di căn.
Đối với nguyên nhân thứ nhất, các nhà khoa học giải thích rằng ung thư thường chỉ tự phát sinh ở các cơ quan thường xuyên có sự nhân lên của tế bào. Và nếu như vậy thì tim không nằm trong số ấy, vì các tế bào tim gần như không bao giờ nhân lên trong suốt quá trình chúng ta tồn tại.
Tim to ra là do sự tăng kích thước của tế bào
Thêm vào đó, tỉ lệ tim bị mắc ung thư do di căn cũng thấp hơn các bộ phận khác, do tốc độ chảy về đây quá cao. Tế bào ung thư chưa kịp bám vào thành tim đã bị máu đẩy trôi đi nơi khác.
Kết quả, tim vẫn chẳng hề hấn gì, kể cả khi máu có chứa tế bào ung thư.
Như vậy, bạn đã biết hai lí do khiến tim "miễn dịch" tốt hơn với ung thư, dựa vào sự khác biệt về mặt sinh lí của cơ quan này. Thật thú vị phải không?