Theo một nghiên cứu mới đây từ các nhà khoa học tại Đại học RMIT, Úc, nguyên nhân khiến một người cho dù tỉnh táo nhất cũng thể ngái ngủ trên xe còn đến từ nhịp độ mà xe tạo ra khi di chuyển, và nhịp độ này có thể khiến người khác dễ dàng buồn ngủ chỉ trong 15 phút.
Để có được kết quả kể trên, các nhà nghiên cứu tại ĐH RMIT đã cho 16 người tình nguyện lên một thiết bị mô phỏng xe ảo - nơi người ngồi có thể cảm nhận độ rung ở những tần số khác nhau tương tự như lúc di chuyển trên xe. Đội ngũ các nhà nghiên cứu đã cho nhóm tình nguyện thử nghiệm 2 lần, lần đầu tiên là không rung và lần thứ 2 là rung với tần số từ 4-7 Hz.
Tiếp đến, các nhà nghiên cứu lần lượt đo sự biến đổi nhịp tim của từng người trong quãng thời gian 60 phút/lần. Được biết, sự biến đổi này là một thước đo của giấc ngủ chập chờn, nó cho thấy cơ thể tác động lên hệ thống thần kinh trung ương khi thấy mệt mỏi.
Theo ghi nhận của các máy đo, trạng thái buồn ngủ khi lái xe ôtô bắt đầu xuất hiện trên tài xế chỉ sau 15 phút. Sau 30 phút, tình trạng buồn ngủ này bắt đầu trở nên khó kiểm soát hơn và các tình nguyện viên vẫn tiếp tục cảm thấy buồn ngủ hơn cho tới thời điểm bài thử nghiệm kết thúc.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rung động ổn định ở tần số thấp - thứ mà chúng ta sẽ cảm nhận được khi lái xe ô tô, có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ ngay cả với những người đã nghỉ ngơi đầy đủ.” - Stephen Robinson, thành viên trong đội ngũ nghiên cứu chia sẻ.
Tuy nhiên, một số hạn chế của nghiên cứu này là chỉ có 15 người thử nghiệm và họ chỉ được thử nghiệm ở một phạm vi tần số rung nhỏ. Bên cạnh đó, nhóm tình nguyện viên cũng chỉ ngồi trên một cỗ máy có màn hình mô phỏng lái xe mà không phải trên một quãng đường có nhiều phương tiện di chuyển nên vẫn chưa thể đưa ra một kết quả chính xác cho tất cả trường hợp.
Theo nhóm nghiên cứu ở RMIT cho biết, họ đang có dự định tiếp tục mở rộng nghiên cứu bằng cách quan sát một nhóm người đông hơn và thử nghiệm với tần số có rung rộng cao hơn.