Tại sao chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?

PV |

Bộ Tài chính cho rằng, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nhằm đảm bảo trong sạch cho môi trường nên việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay là phù hợp.

Mới đây, trả lời kiến nghị cử tri về việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng được gửi đến sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Bộ này cho rằng, theo quy định của Luật Thuế TTĐB thì chỉ thu với xăng các loại, không thu với dầu. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là7%.

Theo đó, thuế TTĐB là loại thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch), và những nhóm hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn...).

Tại sao chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng? - Ảnh 1.

Theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB đối với xăng hiện nay là phù hợp. (Ảnh:Int)

Hơn nữa, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995. Bộ Tài chính cho rằng quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế TTĐB đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải.

“Luật Thuế TTĐB hiện cũng không quy định giảm, miễn thuế với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế này. Và thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế TTĐB thuộc quyền của Quốc hội. Tức là, muốn miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ Tài chính cho hay.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB và thuế VAT đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, ngày 11/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Báo cáo số 362/BC-UBTVQH15 về việc tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, các dự báo xu thế giá dầu thô thế giới năm 2023 thấp hơn so với giá dầu năm 2022, cùng với các chỉ số tích cực về kinh tế vĩ mô trong nước hiện nay, việc thiết kế cơ chế "dự phòng" trong điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua thuế TTĐB và thuế VAT là chưa thực sự cần thiết.

Ngoài ra, năm 2023, bên cạnh các biện pháp điều hành thị trường xăng dầu trong nước, vẫn có dư địa sử dụng công cụ thuế bảo vệ môi trường như đã thực hiện năm 2022. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến của các cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng cho phép dừng xây dựng dự thảo nghị quyết về giảm thuế TTĐB với xăng và thuế VAT với xăng dầu.

Thay vào đó, cơ quan này trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, thuế môi trường áp dụng năm 2023 với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000 đồng, dầu diesel 1.000 đồng/lít.

Cuối năm ngoái, Bộ Tài chính cũng từng đưa ra dự thảo Nghị quyết về giảm thuế TTĐB với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu. Góp ý ở thời điểm đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị cơ quan này đánh giá tác động để giảm toàn bộ thuế với xăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại