Tại sao chiến tranh thương mại giữa Mỹ với châu Âu sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn sự đối đầu của Mỹ và Trung Quốc?

Lê Thanh Hải |

Nếu có một cuộc chiến thương mại toàn diện với EU, Mỹ sẽ mất nhiều thứ hơn so với cuộc xung đột hiện tại với Trung Quốc, các chuyên gia đã nói với CNBC.

Tổng thống Donald Trump tiếp tục có lời lẽ cứng rắn chống lại Liên minh châu Âu (EU) dù đang tập trung vào việc áp thuế Trung Quốc trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vào tháng 11 tới, chính quyền của ông sẽ quyết định có nên áp thuế đối với một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất ở châu Âu là ô tô hay không?

Hiện đã có thuế đối với thép và nhôm đến từ châu Âu, khiến khối liên minh này trả đũa bằng mức thuế 25% đối với 2,8 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ vào tháng 06/2018, và, có một cuộc tranh cãi đang diễn ra liên quan tới Airbus và Boeing - nhưng các chuyên gia tin rằng một cuộc "cãi vã" lớn hơn với châu Âu sẽ gây thiệt hại hơn nhiều so với tình hình ăn miếng trả miếng hiện tại với Trung Quốc.

"Thương mại giữa EU-Mỹ là quan trọng nhất. Đó là dòng chảy thương mại song phương lớn nhất trên thế giới", Florian Hense, một nhà kinh tế tại Berenberg, nói với CNBC qua email. "Nếu tính kim ngạch xuất nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ, thì thương mại song phương Mỹ-EU đã vượt hơn 70% so với những gì mà Mỹ và Trung Quốc đạt được vào năm 2018", ông nói thêm.

Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy, năm 2018, Mỹ đã nhập 683,9 tỷ USD hàng hóa EU và 557,9 tỷ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu là 574,5 tỷ USD và sang Trung Quốc chỉ có 179,2 tỷ USD. Những con số này bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ.

"Năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu sang EU nhiều hơn ba lần so với Trung Quốc, vì thế khu vực này có thể sẽ gây thiệt hại nặng cho Washington", ông Hense bày tỏ quan điểm.

Về phần mình, giám đốc thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom, cho biết họ không muốn phải đưa ra các mức thuế, nhưng sẽ làm như vậy nếu như Mỹ "tấn công" trước.

"Những quy tắc thương mại quốc tế mà chúng tôi đã cùng phát triển trong nhiều năm qua với các đối tác Mỹ không thể bị vi phạm nếu không có phản ứng từ phía chúng tôi", bà nói hồi tháng 06/2018. Kể từ đó, mỗi khi Mỹ đe dọa để áp thêm các khoản thuế, Brussels lại lập ra các danh sách hàng hóa khác nhau để cho thấy họ có thể "đáp trả" Nhà Trắng như thế nào.

Các nền kinh tế Mỹ-EU đang gặp khó khăn

Hơn nữa, cả Mỹ và châu Âu đều không thể đủ khả năng cho một cuộc chiến thương mại ở giai đoạn này. "Dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện đang bắt đầu có ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế, nhưng nó diễn ra chậm và một vài tác động trong số đó đã được cân bằng bởi một môi trường kinh tế ôn hòa", ông Fred Fred Erixon, giám đốc của think tank ECIPE , nói với CNBC.

"Điều đó sẽ không còn nếu có sự gia tăng nghiêm trọng về thuế quan giữa Mỹ và EU vào mùa thu. Cả hai nền kinh tế đều đang giảm tốc, và tác động mang tính chu kỳ của thuế quan có thể sẽ khá mạnh", ông nói thêm.

Dữ liệu vào cuối tháng 7 cho thấy eurozone tăng trưởng với tốc độ chỉ 0,2% trong quý hai, giảm phân nửa so với mức 0,4% trong quý đầu tiên của năm nay. Do đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ có nhiều chương trình kích thích hơn nữa sau mùa hè.

Tại Mỹ, nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ là 2,1% trong quý hai của năm - thấp hơn 1 điểm phần trăm so với quý trước - và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn một thập niên vào tháng 7 vừa qua. Phát biểu tại Thượng viện Mỹ vào giữa tháng 7, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, nói rằng "những vấn đề bất lợi, như căng thẳng thương mại và lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đang gây trở ngại cho hoạt động và triển vọng kinh tế".

Các công ty đa quốc gia của Mỹ lâm nguy

Erik Jones, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, giải thích rằng mô hình kinh doanh của các công ty đa quốc gia đang gặp nguy hiểm do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-EU có năng xảy ra.

"Phần lớn thương mại EU-Mỹ diễn ra trong các công ty hơn là giữa họ. (Kết quả là) khi bạn áp thuế giữa Mỹ và châu Âu, cuối cùng bạn sẽ tăng giá cho người tiêu dùng và làm phức tạp cách thức hàng hóa được lắp ráp ở cả hai nơi, như trong trường hợp Mỹ-Trung, nhưng cuối cùng bạn cũng phá vỡ khả năng sinh lợi nhuận của những mô hình kinh doanh cho các công ty đa quốc gia lớn", ông nói.

"Vì nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, công ty đa quốc gia lớn là của Mỹ, nên điều này sẽ tạo thêm lực cản cho nền kinh tế Mỹ", ông nói thêm.

Theo cơ quan thống kê châu Âu, hàng hóa hàng đầu của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu năm 2018 là máy móc, động cơ, máy bay và các thiết bị liên quan, cùng các sản phẩm y dược. Về hàng hóa nhập khẩu, Mỹ đã mua phần lớn ô tô từ EU cũng như hàng hóa dược phẩm và y tế.

"Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu sẽ khó khăn hơn cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vì nó sẽ làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, giảm quy mô các thị trường mà những công ty Mỹ có thể tiếp cận và tạo ra động lực cho các công ty Mỹ thoái vốn khỏi tài sản nước ngoài của họ, do đó sự cạnh tranh nước ngoài đối với họ càng được giải phóng hơn nữa", Jones nói trong một email.

"Nói cách khác, nó sẽ làm mất đi tất cả những lợi thế về cấu trúc mà các chính quyền Mỹ tạo ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai", ông nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại