Tại sao Chelsea không thể trở thành quyền lực thật sự ở Premier League?

Bảo Nam |

Vô địch, khủng hoảng, hồi sinh, vô địch rồi lại khủng hoảng, Chelsea phá vỡ mọi giới hạn về sự mông lung. Tại sao?

1. Premier League 2014/15, Chelsea dưới sự chèo lái của Jose Mourinho và phong độ hủy diệt của Diego Costa, bước lên ngôi vô địch Premier League. Trong màn nhảy múa ăn mừng cuối mùa bóng năm đó, nhìn Chelsea như một gia đình.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng logic thì cũng giống như mùa bóng 2004/05, Mourinho sẽ tạo ra một kỷ nguyên thống trị mới của Chelsea tại cả Premier League lẫn châu Âu.

Nhưng chỉ 6 tháng sau, Chelsea rơi tự do gần sát với khu vực… xuống hạng, Jose Mourinho bị sa thải, tên của nhóm siêu anh hùng Costa, Hazard xuất hiện trên tấm băng rôn với đại ý: Họ là những con chuột cống gặm nhấm chân ghế của Mourinho.

Báo chí vào thời điểm đó phân tích ra ti tỉ vấn đề của Chelsea, và những dự báo về tương lai đen tối được đưa ra. The Blues về đích ở vị trí thứ 10 Premier League mùa 2015/16, chỉ 1 năm sau khi vô địch.

Tại sao Chelsea không thể trở thành quyền lực thật sự ở Premier League? - Ảnh 1.

Mùa bóng cuối của Mourinho ở Chelsea là nỗi buồn chẳng thể quên nổi.

Mùa bóng 2016/17 của Chelsea bắt đầu với không nhiều kỳ vọng, đặc biệt là trong bối cảnh Man United và Man City mua sắm điên cuồng, đặt tham vọng thống trị cao ngút trời.

Nhưng như một trò đùa: Chelsea vô địch Premier League 2016/17 bằng công thức 3 hậu vệ của Antonio Conte. Vị HLV người Italia được phong lên tầm "thánh sống" ở Stamford Bridge.

Lại một lần nữa người hâm mộ tư duy theo logic thông thường: Với Conte, Chelsea sẽ mở ra một triều đại thống trị mới. The Blues thậm chí đã đặt mục tiêu vô địch Premier League và cả Champions League trong mùa bóng 2017/18 này.

Thế rồi một lần nữa, cái sự chìm nổi của Chelsea lại mông lung như một trò đùa. Vào thời điểm hiện tại Chelsea lại đang trải qua chuỗi 5 trận liên tiếp không thắng trên mọi đấu trường (chỉ tính thành tích trong 90 phút thi đấu chính thức). Đây là thành tích tệ nhất trong 5 năm qua.

Tại sao Chelsea không thể trở thành quyền lực thật sự ở Premier League? - Ảnh 2.

Conte đang xoay trong mớ hỗn độn như Mourinho ngày nào.

2. Tại sao một CLB có tiềm năng kinh tế vững mạnh, sở hữu nhiều ngôi sao thế giới thèm khát như Chelsea lại long đong, ba chìm bảy nổi vậy nhỉ?

Nhớ năm xưa, sau cú chạy đà vô địch Premier League 2004/05, Chelsea chỉ cần tăng cường vài vị trí là tiếp tục thống trị Premier League mùa kế tiếp, vươn lên trở thành quyền lực lớn nhất nước Anh vào thời điểm đó.

Thật ra nhìn rộng toàn thế giới, chuyện một CLB có thể khủng hoảng ngay sau năm vô địch là điều rất hiếm khi xảy ra. Có thể nhà vô địch không thể bảo vệ thành công ngai vàng, nhưng lên cao vút rồi đột ngột rơi xuống mất hút như Chelsea vài năm qua tuyệt đối không phải chuyện bình thường.

Tuy nhiên, theo báo chí Anh thì sự chìm nổi đột ngột của Chelsea hoàn toàn có thể lý giải được: Nó là hệ quả của một đội bóng phát triển nóng nhưng không dựa trên những nền tảng đạo đức cơ bản.

Tại sao Chelsea không thể trở thành quyền lực thật sự ở Premier League? - Ảnh 3.

Đạo đức cầu thủ là vấn đề lớn nhất với Chelsea dưới tay Abramovich.

Lỗi đầu tiên thuộc về Roman Abramovich. Thật bất ngờ khi biết số lượng HLV, bao gồm cả chính thức và tạm quyền, bị Abra sa thải thậm chí đã nhiều hơn cả số năm ông gắn bó với Chelsea (13 người).

Thú "chơi HLV" của Abra đã chứng tỏ ông là một ông chủ thích thành công chớp nhoáng, không đủ kiên nhẫn chờ đợi một công trình được xây nên từ những viên gạch nhỏ.

Chuyện các HLV đến rồi đi ở Chelsea diễn ra như một điều tất yếu của quá trình phát triển vô tình lại khiến các cầu thủ nghĩ rằng, họ có quyền lựa chọn HLV.

Nếu như trò chơi "cưa ghế HLV" chỉ thi thoảng diễn ra trên thế giới và nó luôn đi kèm với một cảm giác tội lỗi, day dứt thì ở Chelsea, cầu thủ vô tư đá HLV bay ra đường mà không giấu giếm gì cả.

Tại sao Chelsea không thể trở thành quyền lực thật sự ở Premier League? - Ảnh 4.

"Chơi HLV" là thú vui của Abramovich.

Chẳng đội bóng lớn trên thế giới nào mà chính CĐV lại là người tố cáo cầu thủ cưa gãy chân ghế HLV như ở Chelsea. Việc tên của Costa xuất hiện trên tấm băng rôn tố cáo mùa trước cho thấy, giọt nước đã tràn ly.

Năm xưa, Sir Alex Ferguson có thể đuổi cổ cả Roy Keane lẫn David Beckham hay Ruud van Nistelrooy để duy trì kỷ luật phòng thay đồ Man United. Nhưng ở Chelsea, lệnh của HLV hoàn toàn có thể bị chống đối bằng những cú đâm lén từ phía sau.

Khi CLB bước vào giai đoạn phong độ sa sút, các cầu thủ thay vì cố gắng cứu lấy ông thầy của mình lại dễ dàng buông xuôi mà không phải đối diện với tòa án lương tâm của mình.

Đó chính là lý do giải thích cho sự bất ổn kéo dài ở Chelsea. Đến khi nào các cầu thủ triệu phú vẫn còn nắm trong tay cái quyền điều khiển ngược lại HLV thì Chelsea không bao giờ trở thành quyền lực thật sự ở Premier League được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại