Tại sao Charlie Nguyễn tự phá bỏ "đế chế" hài nhảm triệu đô?

Cẩm Giang |

Với hài nhảm, Charlie Nguyễn có thể đút túi hàng chục tỷ đồng nhưng anh đã thay đổi và khiến nhiều người bất ngờ khi chuyển sang làm phim... tử tế.

Khi Fan cuồng tung trailer, số đông có lẽ cũng giống tôi, đều nghĩ về một bộ phim hài. Niềm tin ấy càng chắc chắn hơn nữa khi điểm mặt những cái tên quen thuộc như: đạo diễn Charlie Nguyễn, Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn.

Nhưng, chúng ta đã bị "lừa" một cách ngoạn mục, Fan Cuồng không phải là Tèo em phẩy, đó là một bộ phim tâm lý tử tế xuất phát từ mong muốn hoàn toàn tử tế của Charlie Nguyễn.

Phim không thành công về mặt doanh thu, đó là lý do tôi có cuộc gặp gỡ với Charlie Nguyễn ngày hôm ấy. Trước tôi, có rất nhiều người đã đến để hỏi anh về vấn đề này.

Cứ tưởng bị nhắc nhiều quá về hai từ "Thất bại" chắc anh cũng ít nhiều khó chịu nhưng không. Charlie Nguyễn còn nói, anh thấy rất thích thú.

Fan cuồng vì sao thất bại?

Khi con đường cũ với Tèo em, Để mai tính quá an toàn, không còn mang đến sự hứng thú cho Charlie Nguyễn nữa cũng là lúc anh nghĩ đến Fan Cuồng, dù khi bắt đầu dự án này cũng là lúc anh chấp nhận bước vào cuộc phiêu lưu để mở ra một con đường mới hoàn toàn.

Song, cũng vì lối đang đi chưa một ai đặt chân tới nên nó đầy rẫy những ngổn ngang và trở ngại. Bản thân Charlie Nguyễn cũng nhận ra, có rất nhiều giới hạn anh không thể nào vượt qua được để tạo nên một Fan cuồng xuất sắc.

Vì lẽ đó, phim thất bại về mặt doanh thu. Đối mặt với tất cả bằng tâm thế không trốn tránh, không phớt lờ, Charlie Nguyễn thừa nhận tất cả.

Trailer Fan Cuồng

Khi được hỏi về những lý do khiến Fan cuồng không được lòng công chúng, anh chia sẻ: "Thứ nhất là sự thất bại về mặt kịch bản, tôi không lường trước được thời gian cần để làm ra một bộ phim tốt hơn.

Tiếp đó là thất bại về casting, tôi không đủ thời gian làm việc với diễn viên. Sau đó là thất bại về PR, Marketing sau khi phim ra rạp".

Nói về thất bại ở khâu casting, Charlie Nguyễn cho hay trong Fan cuồng, Gia Nghị là một vai cực kỳ khó diễn để thuyết phục khán giả.

Vai này đòi hỏi một sự đầu tư về mặt thời gian và công sức mới có thể làm tròn nên bất kỳ diễn viên chuyên nghiệp nào cũng phải cần 6 tháng trước khi bấm máy để làm công tác hóa thân thành nhân vật.

Không có ngần ấy thời gian, Charlie Nguyễn đã nghĩ đến người duy nhất là Phạm Anh Khoa.

Thứ nhất là vì Anh Khoa đã là một rocker, anh không cần nói gì, làm gì, chỉ ngồi một chỗ cũng đủ toát lên phong thái của một rocker. Đó là màu nhân vật mà Fan Cuồng cần cho Gia Nghị.

Điều thuận tiện thứ hai nữa, Anh Khoa đã là diễn viên, anh hiểu cách làm việc của đoàn làm phim như thế nào.

Song, dù Charlie Nguyễn và Thái Hòa đã cố gắng thuyết phục và truyền cảm hứng cho Phạm Anh Khoa nhưng ê-kíp làm phim vẫn phải nhận cái lắc đầu. Không có sự lựa chọn nào khác, Charlie Nguyễn quay sang thuyết phục Johnny Trí Nguyễn.

Ban đầu Johnny Trí Nguyễn cứ ngỡ Charlie giỡn chơi nhưng sau đó, khi biết là thật, Johnny Trí Nguyễn không còn cách nào khác phải nhận lời, nhưng không phải vì anh tự tin có thể vào vai thật ngọt mà vì nể "đàn anh".

Tại sao Charlie Nguyễn tự phá bỏ đế chế hài nhảm triệu đô? - Ảnh 2.

Vai Gia Nghị của Johnny Trí Nguyễn không thuyết phục.

Để hóa thân thành Gia Nghị, Johnny Trí Nguyễn chỉ có 5 tuần ăn, ngủ và sống với rock. Đó là khoảng thời gian quá ngắn nên chuyện Gia Nghị trong Fan cuồng không thuyết phục được khán giả cũng là điều dễ hiểu.

Charlie Nguyễn thừa nhận thất bại này thuộc về anh vì khoảng thời gian 5 tuần không đủ để bất kỳ ai có thể làm tốt vai Gia Nghị chứ không riêng gì Johnny Trí Nguyễn.

Tuy nhiên, đối với công chúng, không huề vốn hoặc sinh lãi đồng nghĩa với Fan cuồng thất bại thảm hại nhưng đối với Charlie Nguyễn, đứng ở góc nhìn đạo diễn, anh lại cảm thấy Tèo em 2 hay Để mai tính còn thất bại nặng nề hơn.

Khi Charlie Nguyễn làm Tèo em 2, anh muốn kể một câu chuyện về tình anh em giữa hai người dưng. Đó là thứ tình cảm không cần mối quan hệ huyết thống, chỉ cần họ quan tâm nhau thật lòng.

Thông điệp đằng sau tiếng cười nhảm rất ý nghĩa nhưng đáng tiếc những gì Charlie Nguyễn làm không đủ sức chạm vào tim của khán giả, những gì đọng lại trong lòng họ chỉ là hình ảnh của một người mặc đồ tiếu lâm, chạy vô toilet làm những chuyện kỳ cục.

"Đó với là tôi mới là sự thất bại, bất kể doanh thu Tèo 2 mang lại là bao nhiêu", anh nói.

Nhưng đến Fan cuồng, nhiều người đã phản hồi với Charlie Nguyễn rằng xem phim, họ nhớ lại những năm 90, khi còn đi học và lập nhóm để chơi nhạc. Với một đạo diễn, chỉ vậy thôi cũng đủ để anh cảm thấy hạnh phúc.

Không muốn làm phim hài nhảm nữa

Thành công ấy, đặt bên cạnh thất bại về doanh thu thì quá nhỏ bé nhưng điều đáng nói là nó lại đủ trở thành động lực để Charlie Nguyễn làm những bộ phim tử tế tiếp theo.

Tất nhiên, không phải vì Charlie Nguyễn có những nhà đầu tư quá tâm huyết nên anh tự tin sử dụng tiền của họ mà bởi sau một quá trình dài làm phim, anh nhận ra đã đến lúc đã thay đổi.

Charlie Nguyễn nhìn thấy phim Việt ngày càng nhiều nhưng chỉ phát triển về số lượng còn chất lượng bao lâu nay vẫn dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của nền điện ảnh thì khán giả sẽ ngày càng khó tính.

Có thể ở lần đầu tiên đi xem phim, họ chọn bừa vì thấy quen với diễn viên chính nhưng càng về sau, họ sẽ nhìn vào đạo diễn, dàn diễn viên, thể loại và câu chuyện được truyền tải mới quyết định móc ví.

Đạo diễn Charlie Nguyễn dự đoán, không lâu nữa thôi sẽ không còn tình trạng, khán giả thấy anh này quen, cô này quen rồi mua vé vào xem để rồi sau đó ra khỏi rạp với lời tuyên bố: "Tôi không xem phim Việt nữa".

"Sự ngây ngô đó sẽ không tồn tại nữa, khán giả sẽ trở nên tử tế, khó tính hơn khi chọn lựa một bộ phim", anh khẳng định.

Tại sao Charlie Nguyễn tự phá bỏ đế chế hài nhảm triệu đô? - Ảnh 3.

Charlie Nguyễn sợ một ngày người Việt phải đi xem phim Việt do người nước ngoài sản xuất.

Thêm vào đó, sự xuất hiện nườm nượp của rất nhiều cụm rạp mới khiến anh lo ngại về việc, phim nước ngoài sẽ dần chiếm lĩnh thị trường phim ảnh nếu cách làm phim của Việt vẫn không thay đổi.

"Nếu phim của mình là hài nhảm thì khán giả sẽ tập trung xem phim nước ngoài. Rồi người nước ngoài sẽ vào đây để làm phim Việt Nam. Họ có ê-kíp giỏi, có tiềm lực về kinh tế, chắc chắn họ sẽ làm ra những bộ phim hay và nghiêm túc hơn mình.

Lúc đó, những phim nào không phải phim hài thì người Việt sẽ đi xem phim Việt do người nước ngoài làm. Xấu hổ không?

Hiện tại, làm phim tử tế là số ít, làm nhanh, rẻ để "giựt tiền" khán giả là nhiều. Tết này ra rạp, bạn sẽ nhận ra phần lớn đều là những bộ phim làm để kiếm tiền chứ không phải vì yêu khán giả, yêu phim hay yêu điện ảnh.

Đó là thái độ làm phim mà tôi hy vọng khán giả sẽ từ chối bởi họ chỉ làm ăn để kiếm tiền chứ không phải làm phim. Làm phim bạn không cần khán giả, bạn cũng làm nữa.

Ngày xưa tôi không dám nghĩ đến điều gì quá to tát, chỉ chăm chăm làm phim cho mình và tốt cho nhà đầu tư, vậy là đủ.

Nhưng tới tuổi này rồi, tự nhiên tôi nghĩ đến những bộ phim mà khán giả nước ngoài cũng xem được.

Mình không có đủ năng lực về tiền bạc và chất xám để làm ra một bộ phim bom tấn thì ít nhất cũng làm được một bộ phim ý nghĩa, có câu chuyện, có cảm xúc. Có thể xem ra, người ta chê nhưng sẽ không bỏ về giữa chừng", Charlie Nguyễn thích thú.

Cuộc trò chuyện của tôi với anh còn rất dài nhưng cũng chỉ quẩn quanh với thái độ làm phim tử tế của những nhà sản xuất. Có lẽ, đó là điều Charlie Nguyễn đau đáu nhất trong thời gian này.

Và khi chúng tôi chuẩn bị chào nhau để ra về cũng là lúc anh nhắc đến một dự án mới trong thời gian gần đây kèm theo lời hứa: "Chắc chắn sẽ là một bộ phim tử tế tiếp theo".

Với bao nhiêu đó tâm huyết, Charlie Nguyễn xứng đáng cho một sự chờ đợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại