Xung đột ở Ukraine không dẫn đến quan điểm chống Nga ở nhiều nước Mỹ Latinh. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, bất chấp sức ép lớn từ Mỹ liên quan đến chiến dịch trừng phạt chống Nga, các quốc gia này không chỉ thể hiện sự độc lập về chính trị và kinh tế, mà còn ủng hộ Moskva theo nhiều cách.
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga), kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước trên thế giới đã có những phản ứng khác nhau về cuộc xung đột này. Một số nước mới trước đó nói về sự hữu nghị và tầm quan trọng của sự hợp tác với Moskva bỗng nhiên trở thành "kẻ thù không đội trời chung" với Nga.
Một số nước đang có lợi dựa trên cơ sở mối quan hệ với Nga "đột nhiên" từ bỏ và bắt đầu tự gây ra thiệt hại cho mình thông qua các biện pháp trừng phạt. Các quốc gia châu Âu, trong đó có những nước láng giềng của Nga trong không gian hậu Xô Viết, cùng nhiều "đối tác" khác đang làm mọi thứ có thể để cô lập Nga.
Trong bối cảnh rất tiêu cực này đối với Moskva, các nước Mỹ Latinh đang cho thấy sự khác biệt. Bất chấp sức ép mạnh mẽ từ Mỹ lôi kéo họ tham gia chiến dịch trừng phạt chống Nga, phá vỡ mọi liên kết của họ với Moskva, các quốc gia này không chỉ thể hiện sự độc lập về chính trị và kinh tế, mà còn công khai ủng hộ Moskva theo nhiều cách.
Xét về mặt truyền thống, Mỹ Latinh không chỉ được coi là khu vực “sân sau” của Mỹ, mà còn là phần phụ thuộc nhiều nhất vào trật tự thế giới do phương Tây thiết lập trong nhiều năm. Vậy tại sao các nước Mỹ Latinh và các nhà lãnh đạo của họ không chống Nga để giành lấy sự ủng hộ của Washington, như một số nước châu Âu?
Trước hết, cần lưu ý rằng đối với đại đa số dân số các nước Mỹ Latinh, xung đột Ukraine hoàn toàn "không phải là việc của họ". Các nước này có rất ít sự kết nối với Ukraine, cả về thương mại cũng như không có cộng đồng người Ukraine nào có ảnh hưởng tại khu vực (trừ Canada, vì chính sách đối ngoại của Canada phần lớn gắn liền với Mỹ và không có mối liên hệ nào với chương trình nghị sự của Mỹ Latinh).
Theo đó, các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh không có lý do gì để phá vỡ mối quan hệ hiện có với Nga. Đối với họ, xung đột Ukraine đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt vô lý từ phương Tây, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho Nga mà cả toàn thế giới.
Điều đáng chú ý là, ngay sau khi chiến dịch quân sự của Nga được tiến hành, Mỹ đã tích cực củng cố tâm lý chống Nga ở khu vực này, đặc biệt là những nước có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ nhất với Moskva. Nhưng nhiều nước đã "không lên án" Nga mà còn bày tỏ sự "đồng cảm" với Moskva như Venezuela, Nicaragua, Bolivia.
Đối với các cường quốc khu vực như Mexico, Brazil và Argentina, họ đã từ chối thảo luận về bất kỳ biện pháp trừng phạt nào chống lại Nga với Mỹ, đồng thời lưu ý rằng "chính Washington đã tạo ra tất cả tình trạng hỗn loạn này ở trung tâm châu Âu".
Ngoài ra, với sự mất cân bằng đáng kể hiện nay trong tất cả các cơ chế tài chính và thương mại thế giới, sẽ có lợi cho các nước Mỹ Latinh nếu những người chơi “không phải phương Tây”, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Nigeria và Indonesia, đóng một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.