Để làm công nhân nhà máy chế biến thuốc lá thì cần những bằng cấp gì? Với nhiều người thì câu hỏi này nghe có vẻ kỳ nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể sẽ khó nhận được công việc này nếu không có bằng đại học.
Theo hãng tin SCMP, giờ đây nhiều nhà máy như China Tobacco Henan Industrial (CTHI) tại tỉnh Henan-Trung Quốc đăng tuyển trình độ đại học hoặc thậm chí thạc sĩ cho công nhân của mình. Các bài đăng tuyển của nhà máy đã làm dấy lên cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội về việc tại sao đi chế biến cây thuốc lá và cuốn điếu thuốc trong nhà máy cũng cần bằng đại học.
Hiện khoảng 1/3 số công nhân trong nhà máy chế biến thuốc lá của CTHI có bằng thạc sĩ, số còn lại thì 100% có bằng đại học. Thậm chí một số công nhân còn tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá nhất Trung Quốc.
Trung Quốc đang đau đầu với lượng lớn sinh viên ra trường không tìm được việc làm
Câu chuyện bằng cấp cao để rồi đi làm những nghề ít kỹ thuật hoặc mức lương không tương xứng đang ngày càng nở rộ tại Trung Quốc. Cách đây vài tháng, câu chuyện một ngôi trường tư tuyển hàng loạt giáo viên mới cho học sinh cấp 2 cũng thu hút được sự chú ý của dư luận. Mọi thứ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những giáo viên dạy cấp 2 này đến từ những ngôi trường nổi tiếng như Peking University hay thậm chí là du học sinh tốt nghiệp Columbia University.
Ngày nay, cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động Trung Quốc khá khốc liệt khi mọi người đổ xô đi học đại học để rồi ra trường chẳng biết làm gì với tấm bằng trong tay. Số liệu của Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy khoảng 9,09 triệu sinh viên đã tốt nghiệp đại học trong năm 2021, mức cao kỷ lục chưa từng có và tạo áp lực lớn lên thị trường việc làm.
Các báo cáo chính thức cho thấy năm 2020, hơn 54% số thanh thiếu niên trong độ tuổi 18-22 tại Trung Quốc nhập học vào các trường đại học, cao hơn rất nhiều tỷ lệ 15% của năm 2002. Rõ ràng, đời sống đi lên đã thúc đẩy ngày càng nhiều gia đình đầu tư giáo dục cho con cái, thế nhưng chính điều này lại khiến thị trường thừa thầy thiếu thợ.
"Hơn một nửa số bạn trẻ sẽ chạy kiếm việc ngoài đường với tấm bằng đại học hoặc cao hơn nữa trong tay", Chuyên gia nhân lực Jennifer Feng của hãng môi giới việc làm hàng đầu Trung Quốc 51Job cảnh báo.
Như một hệ quả tất yếu, tấm bằng đại học tại Trung Quốc giờ đây ngày càng mất giá và nó trở thành tấm vé vào cửa nếu muốn cạnh tranh việc làm. Rất nhiều doanh nghiệp đã thừa nhận ban đầu họ không có ý định đặt tiêu chuẩn bằng cấp khi tuyển lao động nhưng đã thay đổi ý định bởi có quá nhiều sinh viên mới tốt nghiệp nộp đơn.
Cử nhân tài chính đi làm "cò đất"
Anh Liu Haotian là một sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính tại Shanghai Finance University năm 2019 và đã phải hạ thấp kỳ vọng sau 1 năm kiếm việc làm. Cuối cùng anh Liu được nhận vào làm nhân viên môi giới bất động sản tại Lianja.
Bằng đại học tại Trung Quốc chỉ là tấm vé vào cửa mà thôi. Ảnh minh họa
Bản thân anh Liu cho biết mình chưa bao giờ nghĩ sẽ làm nghề này trước đây khi bắt đầu theo học tài chính. Thế nhưng anh vẫn chấp nhận công việc này vì nó có mức lương khá ổn, vào khoảng 8.000 Nhân dân tệ (1.238 USD)/tháng cộng thêm tiền doanh số kể cả khi anh chưa ký được hợp đồng nào.
Trên thực tế, nghiên cứu của Beike Research Institute cho thấy hơn 60% số nhân viên môi giới nhà đất tại thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải có bằng đại học dù công việc này đôi khi cần kinh nghiệm hơn bằng cấp.
Giám đốc Xiong Bingqi của Viện nghiên cứu 21st Century Education Research Institute cho biết dù có là lao động trình độ cao làm việc trái ngành thì họ vẫn đóng góp cho nền kinh tế nên đó không thể gọi là lãnh phí.
Tuy nhiên anh Liu cho biết việc có bằng đại học hay không chẳng liên quan gì đến công việc hiện nay.
"Tôi nghĩ rằng công việc này có thể hoàn thành bởi cả những người chưa tốt nghiệp đại học. Nó đòi hỏi kỹ năng sống của bạn nhiều hơn là bằng cấp gì", anh Liu chia sẻ.
Bên cạnh đó anh Liu cũng cho biết mình chẳng ứng dụng được các kiến thức trên ghế nhà trường vào công việc. Rõ ràng, một tấm bằng bây giờ nhiều khi chỉ còn ý nghĩa tượng trưng, nhưng mọi người vẫn phải lãng phí thời gian lẫn nguồn lực cho nó chỉ để có "vé vào cửa" trên thị trường lao động.
*Nguồn: SCMP