Với hơn 80.000 trường hợp được ghi nhận mỗi năm, Nhật Bản hiện đang nằm ở top đầu các quốc gia có tỉ lệ nhận con nuôi cao nhất thế giới.
Và càng bất ngờ hơn nữa khi biết rằng, không ít các đại gia chủ doanh nghiệp lớn ở Nhật cũng tham gia nhận con nuôi và đối tượng mà họ nhắm tới luôn là đàn ông trưởng thành, nằm trong khoảng từ 20-30 tuổi.
Thông thường, các gia tộc, gia đình có truyền thống kinh doanh rất lo sợ việc cơ ngơi đồ sộ của mình sẽ rơi vào tay người ngoài. Ấy vậy mà chuyện này dường như rất khác biệt tại Nhật Bản, tại sao lại như vậy?
Được biết, vấn đề nhận con nuôi là đàn ông đã thành niên của các “ông chủ” doanh nghiệp, tập đoàn tại Nhật Bản bắt nguồn từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và trao quyền thừa kế theo kiểu “cha truyền con trai nối” vào thế kỷ 13.
Chưa kể, trước chiến tranh Thế Giới thứ 2, luật dân sự ở Nhật cũng quy định rằng, tài sản của gia đình chỉ có thể được trao cho con trai đầu lòng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm mạnh, sự phân hóa giới tính cũng chênh lệch nghiêng về phía nữ, do đó không ít các chủ doanh nghiệp Nhật Bản không có con trai nối dõi mà chỉ có con gái.
Để giải quyết vấn đề này trước khi về hưu, họ đành nghĩ tới việc nhận con trai nuôi. Ấy thế, nếu nhận con trai còn quá bé thì sẽ rất mất thời gian để đào tạo, nuôi dưỡng, cho nên họ chỉ ưu tiên nhận các cậu trai đã thành niên (đã qua chọn lọc về phẩm chất và tác phong), mang về bồi dưỡng thêm, sau này cưới luôn con gái của họ và kế thừa chuyện kinh doanh của gia đình.
Phần lớn, vấn đề nhận con trai nuôi tuổi trưởng thành của các chủ doanh nghiệp Nhật không đơn thuần bắt nguồn từ lòng tốt mà đơn giản chỉ là vì muốn bảo vệ cơ ngơi gia đình, danh tiếng công ty.
Theo ước tính, có đến 1/3 các công ty Nhật Bản bao gồm cả những tập đoàn tên tuổi như Suzuki, Toyota, Canon, Matsui Securities,... có con trai nuôi tiếp quản trọng trách quản lý doanh nghiệp.
Chuyện nhận con trai nuôi của các “đại gia” chủ doanh nghiệp phổ biến đến nỗi tại Nhật Bản ngày nay, có rất nhiều công ty mai mối và tuyển dụng người thừa kế được thành lập.
Tất nhiên, so với việc chờ đợi sự thăng tiến trong công ty thì việc “được trở thành con trai nuôi” của các chủ doanh nghiệp vẫn là con đường tắt đầy triển vọng được nhiều người đàn ông Nhật Bản ao ước.