Tại sao CA, thuế vụ, thanh tra... ít bị hành hung trong khi bác sĩ luôn phải "sống trong sợ hãi"?

Võ Xuân Sơn |

Đọc những vụ hành hung bác sĩ liên tiếp, chúng ta không khỏi rùng mình: Nhân viên y tế lúc nào cũng có thể trở thành bệnh nhân ngay lập tức.

Các thầy thuốc có ngu dốt thật không?

Đã thành nếp, khi các thầy thuốc bị nhục mạ hay bị hành hung, thế giới mạng lại chia ra làm nhiều nhóm.

Người thì xót xa cho các thầy thuốc, kẻ lại thể hiện sự vui mừng, tận dụng cơ hội để nhục mạ nhân viên y tế. Những người thể hiện sự "có học" của mình, thì đặt câu hỏi: "Không có lửa làm sao có khói", hoặc "Cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó"...

Điểm lại những ý kiến của phe vui mừng khi các thầy thuốc bị hành hung và những người cho rằng "không có lửa thì làm sao có khói", thì các thầy thuốc toàn là ngu dốt, bất lương, vô cảm. Và vì vậy, nên việc các thầy thuốc bị đánh là điều đúng đắn.

Các thầy thuốc có ngu dốt thật không? Trên thực tế, một số thầy thuốc có một số sai sót trong chẩn đoán hoặc điều trị, dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Nhưng có phải tất cả những sai sót chuyên môn đấy là do trình độ kém hay không?

Ở bất cứ nước nào, bất cứ nền y tế tiên tiến nào, sai sót y khoa là điều không thể tránh. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sai sót chuyên môn, mà trình độ chuyên môn của thầy thuốc lại thường không phải là nguyên nhân thường gặp nhất.

Tại sao CA, thuế vụ, thanh tra... ít bị hành hung trong khi bác sĩ luôn phải sống trong sợ hãi? - Ảnh 1.

BV Thể thao VN nơi vừa xảy ra vụ việc hành hung bác sĩ. (Ảnh: Vietnamnet)

Bản thân y khoa đã là một ngành khoa học không chính xác, bản thân nền khoa học hiện nay, dù đã đi lên tới sao Hỏa, dù đã quan sát được các hạt cơ bản, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ trong cơ thể con người chưa thể khám phá được.

Ngày nay, y khoa còn phụ thuộc vào nhiều ngành khác, vào phần cứng, phần mềm, vào khả năng vận hành máy móc... Như vậy thì khả năng xảy ra sự cố còn lớn hơn nữa. Ví dụ như thảm họa y khoa ở Hòa Bình. Nếu không có hệ thống lọc máu, những bệnh nhân suy thận đã chết hết. Hệ thống lọc máu đã cứu hàng ngàn bệnh nhân, nhưng chỉ một yếu tố nhỏ của hệ thống bị lỗi là đã gây ra thảm họa y khoa.

Vậy thì, trước khi kết luận các thầy thuốc ngu dốt, hãy xem lại mình có thực sự đủ sự hiểu biết để phán xét họ hay không.

Ai hống hách, ai vô cảm?

Một nguyên nhân nữa mà người ta hay nại ra để bênh vực cho những kẻ hành hung nhân viên y tế, là "sự bất lương của các thầy thuốc".

Tại sao CA, thuế vụ, thanh tra... ít bị hành hung trong khi bác sĩ luôn phải sống trong sợ hãi? - Ảnh 2.

Họ cho rằng các thầy thuốc chỉ lo vòi vĩnh, chèn ép người bệnh để đòi tiền. Lí do này được đưa ra ngay cả khi chẳng có gì liên quan đến tiền, như vụ mẹ của bệnh nhi tát bác sĩ tại bệnh viện Tân phú. Nhiều người vẫn lớn tiếng kết tội thầy thuốc vòi vĩnh ngay cả khi chính người ra tay công nhận, vị bác sĩ đó chẳng liên quan gì đến bức xúc của bà ta.

Không phủ nhận có một số bác sĩ và nhân viên y tế có biểu hiện vòi vĩnh, chèn ép người bệnh. Nhưng nếu cho rằng, đó là lí do cho các vụ hành hung nhân viên y tế, thì rõ ràng, đó là sự hồ đồ của kẻ thiển cận.

Một lí do nữa mà người ta hay nói đến là sự hống hách và vô cảm của nhân viên y tế đối với người bệnh. Đồng ý rằng nhiều nhân viên y tế chưa có kĩ năng giao tiếp tốt, nhưng số lượng nhân viên y tế hống hách có thực sự nhiều đến mức nó là nguyên nhân cho các vụ bạo hành?

Không thể coi là hống hách, khi thiếu đi một tiếng thưa gởi, thiếu sự nhẫn nại đối với những đòi hỏi vô lí, đối với những yêu cầu ngoài khả năng đáp ứng, đối với những cách giao tiếp vô giáo dục của một số người tự cho mình cái quyền đứng trên người khác.

Còn thái độ vô cảm. Liệu nhận định về sự vô cảm có đúng đắn hay không? Người thầy thuốc đứng trước bao nhiêu nguy cơ, nếu không giữ được sự bình tĩnh thì có khả năng cứu chữa được người bệnh hay không? Người bệnh cần một thầy thuốc có đủ tỉnh táo để chữa bệnh cho mình, hay cần một người lúc nào cũng sướt mướt với nỗi đau của họ?

Những nhận định được đưa ra để làm lí do cho những trận đòn giáng lên đầu nhân viên y tế đều cảm tính, và xuất phát từ sự kém hiểu biết, hoặc từ cái thói tự cho mình quyền phán xét người khác.

Nhưng, cứ cho là những lí do người ta đưa ra để lí giải về việc hành hung nhân viên y tế là đúng, thì vẫn có nhiều cách khác để giải quyết. Họ có thể gọi đường dây nóng, có thể kiện tụng. Nhưng không, họ dùng vũ lực để giải thoát cơn bức bối thú tính của họ.

Tất cả những lí giải của những kẻ cổ súy cho bạo lực đều chỉ là ngụy biện. Nguyên nhân sâu xa của nạn bạo hành nhân viên y tế nằm ở chỗ, những kẻ bạo hành nhân viên y tế, và những kẻ cổ súy cho bạo hành nhân viên y tế, đều là những kẻ khát bạo lực bị dồn nén bởi sự hèn nhát.

Thầy thuốc phải lo tính mạng của mình hay bệnh nhân?

Mấy ai bênh vực cho nhân viên y tế khi họ bị hành hung?

Hãy xem phản ứng kịp thời của hãng hàng không và Thủ tướng khi một nhân viên sân bay bị hành hung. Hãy xem phản ứng kịp thời của Chủ tịch UBND Hà nội khi một nhân viên vệ sinh bị hành hung.

Tại sao những phản ứng như vậy lại ít xảy ra khi các bác sĩ và nhân viên y tế bị hành hung?

Rất khó lí giải sự khác nhau trong phản ứng đối với bạo hành y tế và bạo hành trong các lĩnh vực khác. Tại sao những người chuyên đi cứu người lại chưa được ứng xử ở mức mà họ đáng được?

Tại sao những kẻ khát bạo lực hèn nhát không dám phản ứng với sự vòi vĩnh, hống hách, vô cảm của một số công an, thuế vụ, của các nhân viên công quyền biến chất... mà hễ có dịp là trút hết tức giận lên các thầy thuốc, những người không có khả năng tự vệ, chưa được bảo vệ sát sao, bênh vực sát sao?

Khi những người thầy thuốc đang phải lo cho tính mạng của chính mình thì tính mạng của bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.

Khi những người trẻ không còn muốn thi vào ngành y - "ngành sợ hãi" thì thảm hoạ quả đối với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, thậm chí còn lớn hơn rất nhiều những sự cố y khoa tồi tệ nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại