Tại sao bạn nên lo lắng khi giá mọi thứ đều giảm "điên cuồng" sau dịch Covid-19?

AB |

Việc giá dầu WTI giảm xuống dưới 0 USD/thùng mới đây có thể là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng giảm phát đang đến gần.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế nhiều nơi đã chịu ảnh hưởng khi người dân bị cách ly, hoạt động sản xuất bị đình trệ. Mặc dù những mặt hàng nhu yếu phẩm được nhiều người dân tích trữ nhưng nguy cơ lạm phát lại khó xảy ra khi mọi người đều bị giảm thu nhập, phải hạn chế chi tiêu trong khủng hoảng.

Trên thực tế theo hãng tin Bloomberg, nguy cơ thực sự hiện nay với nền kinh tế là rủi ro giảm phát hơn là lạm phát. Việc người dân bị giảm thu nhập khiến giá nhiều mặt hàng cũng phải giảm theo do cầu đi xuống.

Mặc dù các nhà máy cũng bị đình trệ nhưng với việc các thị trường nới lỏng dần cách ly, quay trở lại hoạt động thì lượng cung cũng bắt đầu tăng trở lại.

Trong các cuộc khủng hoảng cục bộ trước đây, lạm phát thường tăng phi mã do đồng tiền mất giá hoặc nền kinh tế đổ vỡ khiến cung không đủ cầu.

Dẫu vậy với rủi ro Covid-19 hiện nay, nhiều nền kinh tế cảm thấy lo sợ vì giá các mặt hàng sẽ giảm hơn là tăng, bởi chúng sẽ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái khó mà thoát ra nổi.

Tại sao bạn nên lo lắng khi giá mọi thứ đều giảm điên cuồng sau dịch Covid-19? - Ảnh 1.

1. Hiểm họa mang tên "giảm giá"

Khi giá cả hàng hóa giảm liên tục hoặc ở mức quá thấp trong thời gian dài do cầu yếu, hoạt động kinh tế của toàn thị trường sẽ chịu ảnh hưởng nặng. Người tiêu dùng hoặc là không có tiền để mua, hoặc nghĩ rằng giá sẽ còn giảm nên chưa mua.

Hệ quả là doanh số, lợi nhuận của các công ty đi xuống, buộc họ phải giảm đầu tư, sa thải hoặc cắt lương nhân viên. Từ đó, thu nhập của người dân tiếp tục giảm và khiến nhu cầu mua sắm cũng giảm theo, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

2.Tại sao nền kinh tế sợ giảm phát?

Giảm phát là nguyên nhân chính cho 2 thảm họa kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Đó là cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930 và những thập niên mất mát của Nhật Bản với mức tăng trưởng chậm.

Trong thập niên 1930, giảm phát khiến các nhà tư bản đổ hàng hóa xuống biển vì giá quá bèo, dù người dân vẫn đói ăn do không có tiền mua chúng.

Tại Nhật Bản, giảm phát khiến nền kinh tế chẳng tăng trưởng đúng theo kế hoạch. Các hộ gia đình tiết kiệm chi tiêu, còn doanh nghiệp thì hạn chế đầu tư. Tình trạng này kéo dài vài thập niên cho đến tận ngày nay và Nhật Bản vẫn chưa thể thoát ra được dù đã tung nhiều gói kích thích kinh tế cùng với khoản nợ công khổng lồ.

Quay trở lại câu chuyện, chính phủ các nước có nhiều biện pháp để giảm lạm phát nhưng lại có quá ít công cụ tài chính hiệu quả để đối phó giảm phát.

"Nếu lạm phát chỉ là trò trẻ con thì giảm phát lại là con quái vật mà chúng ta cần chống lại một cách quyết liệt", Giám đốc Christine Lagarde của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) nói khi vẫn còn làm Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tại sao bạn nên lo lắng khi giá mọi thứ đều giảm điên cuồng sau dịch Covid-19? - Ảnh 2.

3. Bài học Nhật Bản

Vào thập niên 1990, ngành ngân hàng Nhật Bản chịu tổn thương nặng do bong bóng thị trường bất động sản đổ vỡ, gây tác động dây chuyền đến mảng tín dụng cũng như khiến các hộ gia đình đua nhau tiết kiệm chi tiêu. Cầu yếu khiến doanh nghiệp không bán được hàng, buộc phải giảm lương và hạ giá bán sản phẩm, tạo thành vòng luẩn quẩn.

Thị trường tiêu dùng ảm đạm cùng với việc doanh nghiệp hạn chế đầu tư khiến tăng trưởng của Nhật Bản rất thấp trong vài thập niên trở lại đây. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải bổ nhiệm ông Haruhiko Kuroda lên làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) với mục tiêu chính là chấm dứt giảm phát.

Dẫu vậy sau 7 năm liên tục tung các gói kích thích kinh tế, phát hành trái phiếu, mua lại các khoản nợ xấu với tổng giá trị lớn hơn cả tổng GDP của cả nền kinh tế, lạm phát của Nhật vẫn xoay quanh mức 0% mà không đạt được 2% theo mục tiêu đề ra.

Tệ hơn, việc tung tiền kích thích kinh tế khiến Nhật Bản phải vay nợ nhiều. Năm 2013, nợ công của Nhật Bản vượt 1 triệu tỷ Yên (Quadrillion), tương đương 10,46 nghìn tỷ USD, cao gấp đôi tổng GDP của toàn quốc lúc đó. Kể từ năm 2014 đến nay, mức nợ công tính theo GDP của Nhật thường xuyên đứng đầu trong top các nền kinh tế phát triển.

Thêm vào đó, việc để lãi suất âm kích thích đầu tư khiến Nhật Bản không có khả năng trả nợ sớm, trong khi chính sách này cũng chẳng kích thích được lạm phát như kỳ vọng.

Đến tận đây, Nhật Bản gần như không còn công cụ tài chính nào hiệu quả để chống giảm phát. Với ảnh hưởng của Covid-19, các hộ gia đình Nhật Bản sẽ còn tiết kiệm nhiều hơn và hiện chưa rõ chính quyền Tokyo sẽ làm gì để chống rủi ro giảm phát ngày một gia tăng trong thời gian tới.

Tại sao bạn nên lo lắng khi giá mọi thứ đều giảm điên cuồng sau dịch Covid-19? - Ảnh 3.

4. Những yếu tố thúc đẩy giảm phát

Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, tỷ lệ lạm phát cũng đã rất thấp tại nhiều nền kinh tế bất chấp hàng loạt chính sách thúc đẩy, nới lỏng tiền tệ. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại kinh tế thế giới sẽ đi theo bước Nhật Bản với tăng trưởng chậm và rủi ro giảm phát kéo dài.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do giá dầu giảm trong khi nhiều nền kinh tế giảm tốc, ví dụ như Trung Quốc, đi kèm với đó là chiến tranh thương mại cùng chủ nghĩa bảo hộ.

Bước sang giai đoạn dịch Covid-19, trong khi các nhà máy hay cửa hàng có thể mở lại dễ dàng thì những công nhân mất việc sẽ không dễ tìm việc mới trong thời khủng hoảng, khiến nhu cầu mua sắm ngày càng yếu đi.

Chính phủ các nước dù tung tiền cứu trợ nhưng chúng sẽ chẳng thể kích thích nhu cầu mua sắm ngay, thay vào đó chỉ mang tính chất cứu đói khẩn cấp, duy trì nhu yếu phẩm. Người dân nhận được tiền vẫn sẽ tích trữ hơn là chi tiêu bởi thu nhập của họ chưa hồi phục lại được như trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

Tình hình phức tạp đến mức Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phải từ bỏ việc công bố dự báo tăng trưởng kinh tế định kỳ gần đây nhất. Chủ tịch Jerome cho rằng việc công bố số liệu này có thể gây tác động xấu đến tâm lý thị trường hơn là mang ý nghĩa giúp các nhà đầu tư định hướng.

Tại sao bạn nên lo lắng khi giá mọi thứ đều giảm điên cuồng sau dịch Covid-19? - Ảnh 4.

5. Câu hỏi khó về tín dụng

Theo lý thuyết, trái phiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư bởi một dòng thu nhập cố định luôn có giá trong thời buổi giảm phát (đồng tiền tăng giá) và lãi suất thấp. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng giảm phát toàn diện sẽ khiến kinh doanh nhiều rủi ro, làm hạ giá trái phiếu doanh nghiệp cũng như của Chính phủ.

Thêm nữa, trong khi lạm phát giúp doanh nghiệp và chính phủ khi hạ giá trị thực tiền lãi thanh toán hàng tháng thì giảm phát lại làm điều ngược lại. Hệ quả là việc vay vốn cũng như thanh toán lãi vay của cả chính phủ lẫn doanh nghiệp trong thời kỳ giảm phát vô cùng khó khăn.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đang đem lại nhiều thách thức cho nền kinh tế trên thế giới.

Tại sao bạn nên lo lắng khi giá mọi thứ đều giảm điên cuồng sau dịch Covid-19? - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại