Máy bay tàng hình F-35B trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: Nikkei)
Sau khi các phương tiện trên tàu Albion xuống cảng, một dải lưới màu xanh được treo lên phía trước cửa hầm chứa, điều cho thấy công tác sửa chữa đang được thực hiện trong lần cập cảng này.
HMS Albion là 1 trong 3 con tàu của Hải quân Hoàng gia Anh được triển khai tới nhật Bản trong năm nay, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao đến mức có thể bùng nổ xung đột, và chính quyền London từng tính đến việc sơ tán công dân của họ khỏi Hàn Quốc nếu cần.
Việc bảo trì tại cảng Yokosuka với sự hỗ trợ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã cho thấy giá trị cảng ghé của Nhật Bản. Nó tạo nền tảng để Anh ra quyết định triển khai thêm nhiều tàu tới khu vực châu Á, trong khoảng thời gian dài.
Vào đầu năm sau, Hải quân Hoàng gia Anh sẽ triển khai một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, bao gồm tàu Queen Elizabeth có trọng tải 68.000 tấn, tới vùng biển gần Nhật Bản.
Tàu HMS Albion của Anh tại cảng quân sự Yokosuka (Ảnh: Nikkei)
Theo lệnh triển khai, nhóm tác chiến sẽ đi qua biển Địa Trung Hải, Kênh Suez, Ấn Độ Dương và Biển Đông, được cung ứng tại các căn cứ hải quân của Mỹ và Anh dọc tuyến đường biển này, và sự hỗ trợ thêm của lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Hiện nay, động thái chuyển dịch sức mạnh sang khu vực Đông Á của Anh là đa diện.
Trong bức tranh rộng lớn hơn, động thái này cho thấy Anh muốn có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề địa-chính trị ở châu Á, và rất có khả năng sẽ trở thành thành viên thứ 5 của nhóm "Bộ Tứ" – hiện bao gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Trong tương lai không xa, Hải quân Hoàng gia Anh dường như muốn hỗ trợ Hải quân Mỹ - nước đang sở hữu những năng lực hải quân bị hạn chế do tác động bởi đại dịch COVID-19, buộc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải ngừng hoạt động vào đầu năm nay.
Sức mạnh của Hải quân Mỹ cũng chịu ảnh hưởng sau vụ hỏa hoạn trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard hồi tháng 7. Mỹ đã quyết định hủy tàu Bonhomme Richard sớm hơn 20 năm, gây ảnh hưởng tới các kế hoạch triển khai của họ.
Mặc dù động thái của Anh đã được thảo luận kín trong một khoảng thời gian, nhưng mối quan hệ lạnh nhạt dần giữa Anh và Trung Quốc mới đây đã tiếp thêm động lực cho kế hoạch triển khai của London.
Bằng việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong, Trung Quốc được cho là đã làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống" đối với thành phố mà Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Sau khi thông tin về kế hoạch triển khai mới của Anh xuất hiện, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã đăng tải bài viết, trong đó mô tả động thái trên là "có tầm quan trọng về mặt quân sự" trong mắt của các chuyên gia Trung Quốc.
Tàu tấn công lưỡng cư USS Bonhomme Richard của Mỹ (Ảnh: Nikkei) |
"Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth vẫn chưa đạt được khả năng chiến đấu hoàn thiện, và máy bay trên tàu cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng" – chuyên gia quân sự Song Zhongping nêu quan điểm trong bài viết – "Việc triển khai một hàng không mẫu hạm chưa sẵn sàng chiến đấu tới Tây Thái Bình Dương sẽ chỉ làm phơi bày điểm yếu của nó".
Vai trò chủ yếu của các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm chính là: Triển khai quân lực tới các khu vực xa xôi trong các cuộc xung đột, thực hiện các chiến dịch liên quan tới quân sự như cứu trợ công dân, và phô diễn sức mạnh quân sự để làm tăng vị thế trên trường quốc tế.
Tầm ảnh hưởng mà các quốc gia riêng rẽ có được trên trường quốc tế phần nào phụ thuộc vào các lực lượng mà họ có thể triển khai để đối phó với một cuộc xung đột hay tình trạng khẩn cấp nào đó. Trong Chiến tranh Triều Tiên, tàu HMS Belfast đã tham gia vào lực lượng của LHQ.
Trong cuộc chiến Falklands năm 1982, khi Anh giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Nam Đại Tây Dương từng bị Argentina chiếm đóng, Hải quân Hoàng gia Anh đã triển khai tàu HMS Invincible, hàng không mẫu hạm trọng tải 20.000 tấn và là tàu lớn nhất của họ lúc bấy giờ.
Nhưng sau khi con tàu thứ ba thuộc lớp Invincible, HMS Ark Royal, ra khỏi biên chế vào tháng 3/2011, Hải quân Anh tạm thời không có hàng không mẫu hạm nào.
Tầm ảnh hưởng của nó nhanh chóng xuất hiện: Khi một liên minh do NATO dẫn đầu mở chiến dịch lật đổ lãnh đạo Moammar Gaddafi của Libya năm đó, Anh thiếu hàng không mẫu hạm nên vai trò rất hạn chế trong cuộc xung đột đó.
Bởi vậy, đến năm 2017, việc đưa hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth vào biên chế Hải quân Anh được xem là sự kiện quan trọng.
Sau 6 năm không sở hữu hàng không mẫu hạm, Hải quân Hoàng gia Anh cần phải cập nhật kiến thức về hậu cần để hỗ trợ cho việc triển khai dài hạn một lực lượng lớn như nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, và tăng kinh nghiệm cho các quan chức, binh sĩ của họ.
Ngoài ra, Ấn Độ - Thái Bình Dương rất có khả năng sẽ trở thành khu vực trung tâm của địa-chính trị trong những năm tới.
Pháp – nước sở hữu các vùng lãnh thổ ở Nam Thái Bình dương và Ấn Độ Dương, tự coi mình là một thế lực ở Ấn Độ-Thái Bình Dương – cũng có kế hoạch triển khai hàng không mẫu hạm hoặc các lực lượng khác tới khu vực này.