Với hơn 69.000 ca nhiễm và hơn 6.800 ca tử vong do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19), Italy hiện là quốc gia có số người nhiễm bệnh nhiều thứ 2 toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc, đồng thời là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất thế giới.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch vốn đã nghiêm ngặt của Italy lại càng được thắt chặt hơn nữa. Theo Quartz, hiện tại trừ các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, bưu điện và ngân hàng, mọi cửa hàng và dịch vụ khác đều phải đóng cửa trong vòng 2 tuần tính từ ngày 24/3.
Ngoài ra, việc di chuyển giữa các thành phố cũng bị hạn chế, chỉ trường hợp bất khả kháng như đi làm (đối với những công việc không thể làm tại nhà) và đi khám bệnh mới được chính quyền cho phép.
Những lệnh hạn chế, giới nghiêm dù gây ra không ít bất tiện đối với cuộc sống của 60 triệu dân Italy, nhưng lại là biện pháp rất cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong cuộc phỏng vấn với báo địa phương Stampa, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã kêu gọi người dân cùng nỗ lực dập dịch: "Sự sống còn của kết cấu kinh tế và xã hội của nước ta đang bị đe dọa".
Được biết, người dân Italy vẫn có thể ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết, ví dụ như đến siêu thị hay hiệu thuốc. Họ bắt buộc phải mang theo một lá đơn nêu rõ lí do cần ra khỏi nhà trong thời điểm nhạy cảm này, cùng với các thông tin như địa chỉ nhà và địa chỉ nơi họ định đến. Bất cứ ai không tuân thủ luật lệ này có thể phải nộp phạt khoảng 200 Euro (215 USD).
Hình ảnh trong một cơ sở chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Italy. AP
Những tín hiệu chứng minh biện pháp của Italy đã bắt đầu có hiệu quả
Khác với những biện pháp "từng bước" được Mỹ và Anh áp dụng từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Italy đã quyết định áp dụng hình mẫu của Trung Quốc: ban bố các lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, cấm tụ tập đông người sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Tuy nhiên, cả 2 "trường phái" này đều nhận về một số lời chỉ trích. Nếu như cách làm của Mỹ và Anh bị chê là "quá lỏng lẻo", thì quyết định của Trung Quốc, Italy lại bị coi là "quá nghiêm ngặt".
Mặc dù vậy, trong cuối tuần qua, Italy đã chứng kiến một số tín hiệu đầu tiên cho thấy biện pháp chống dịch của họ bắt đầu có hiệu quả. Số ca nhiễm mới và ca tử vong mới trong ngày đã bắt đầu giảm trong ngày Chủ nhật (22/3), và tiếp tục giảm trong ngày thứ Hai (23/3). Điều này đã chứng tỏ rằng dù tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại nước này vẫn tiếp tục tăng, nhưng có vẻ như tốc độ đã chậm lại.
Các chuyên gia vẫn rất thận trọng khi đón nhận những tín hiệu này. Trả lời phóng viên Reuters, ông Silvio Brusaferro, người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Italy, cho biết hiện tại vẫn còn quá sớm để kết luận rằng số ca nhiễm và ca tử vong được ghi nhận trong ngày sẽ tiếp tục giảm xuống, bởi có khả năng số người xét nghiệm giảm đã dẫn đến kết quả này.
Trong khi đó, giới chức địa phương cũng khẳng định rằng họ chưa thể vui mừng sớm như vậy, và khuyến cáo người dân cần tiếp tục ở nhà.
Những kẻ phá luật
Phần lớn người dân Italy đều tuân thủ lệnh phong tỏa và giới nghiêm nghiêm ngặt của chính phủ. Nhiều người trong số đó đã bước sang tuần cách ly thứ 2, thậm chí là thứ 3, và chỉ ra khỏi nhà nếu cần mua thực phẩm.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo Corriere, ông Attilio Fontana, thống đốc vùng Lombardia - nơi bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất Italy - cho biết ông vẫn nhìn thấy nhiều người ra ngoài đường. "Tôi thấy một số người ra ngoài để đi tản bộ, và cũng có một số người trông giống như không thở được".
Trong vòng 2 tuần qua, các nhà chức trách địa phương đã phát hiện hơn 100.000 trường hợp tự ý ra đường vì lý do không cần thiết hoặc kê khai gian dối trong lá đơn đem theo người. Hôm 24/3 vừa qua, chính phủ Italy đã bắt đầu cân nhắc nâng mức phạt lên khoảng 500 Euro đến 4.000 Euro (540 USD - 4.300 USD).
Tuy nhiên, hành vi của những "kẻ phá luật" không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận, mà còn khiến những người ra đường với lí do chính đáng - như các nhân viên siêu thị, cửa hàng tạp hóa hay hiệu thuốc - phải chịu vạ lây, phải hứng chịu lời mắng chửi của những người đang chịu lệnh giới nghiêm ở trong nhà.
Để răn đe những "kẻ phá luật", thị trưởng các thành phố đã dùng đến nhiều biện pháp như trực tiếp lên án các trường hợp bị bắt gặp hoặc ghi hình và chia sẻ lên mạng internet, theo Quartz.