“Trước mắt, cần tập trung vào những phương tiện vi phạm trong năm qua tại Đà Nẵng. Cần phân loại bao nhiêu trường hợp tái phạm ba lần trở lên thì phải được học tập, ký cam kết không vi phạm hoặc tập trung lao động bắt buộc, cưỡng bức lao động công ích để giáo dục, răn đe” - đại biểu (ĐB) HĐND TP Đà Nẵng Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Mang tính giáo dục cao?
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa diễn ra, ĐB Huỳnh Minh Chức đặt vấn đề: Đà Nẵng là TP đáng sống nhưng xảy ra cả trăm vụ tai nạn giao thông mỗi năm, riêng năm 2017 đã xảy ra 103 vụ, làm chết 62 người, bị thương 73 người. Vi phạm giao thông tăng, từ gần 54.000 trường hợp (năm 2016) lên gần 62.000 trường hợp (năm 2017).
“Hạ tầng giao thông của TP được đánh giá là tốt. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quyết liệt. Toàn TP đã lắp đặt được 22.605 camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông. Vậy vì sao vi phạm giao thông vẫn gia tăng?
Có phải ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số tài xế xe tải, xe container còn coi thường pháp luật? Luật giao thông chưa đi vào cuộc sống hay chế tài xử phạt vi phạm giao thông chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe, giáo dục?” - ĐB Chức đặt câu hỏi.
Từ đó, ông kiến nghị cần cưỡng bức lao động công ích đối với người tái vi phạm giao thông quá ba lần: “Cần đưa người vi phạm giao thông nhiều lần đi lao động công ích. Trước mắt, cho họ dọn vệ sinh môi trường vào mỗi cuối tuần. Có như vậy, người vi phạm mới nhớ đời và không dám tái phạm nữa”.
Ủng hộ, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho hay đây sẽ là cách làm mang tính răn đe, giáo dục rất cao. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể trường hợp vi phạm ra sao mới bị phạt lao động công ích.
“Ví dụ những vi phạm mang tính cố ý, ý thức giao thông kém như sử dụng rượu bia khi lái xe, phóng nhanh vượt ẩu… thì không để đến ba lần mà vi phạm một lần là cho lao động công ích ngay.
Chứ những vi phạm do sơ ý, tay lái yếu như đậu xe không đúng khoảng cách với vỉa hè chẳng hạn thì phạt lao động công ích đối với họ cũng không đáng lắm” - ông Nhân nói.
Năm 2017, CSGT Đà Nẵng đã xử phạt gần 62.000 trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: T.VIỆT
Theo Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, khi áp dụng phạt lao động công ích phải dựa trên thống kê chính xác số lần tái phạm và xem lỗi đó như thế nào.
Hiện phần mềm xử lý vi phạm hành chính của CSGT trên cả nước chỉ mới lưu dữ liệu trong biên bản nên cần có tổng hợp trên từng lỗi, tái phạm từ địa phương này sang địa phương khác có không thì mới căn cứ thuyết phục người vi phạm giao thông đi lao động công ích.
Muốn áp dụng: Phải luật hóa!
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, nhận xét trước hết phải căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành.
Mới nhất, Nghị định 46/2016 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ) không có quy định nào liên quan việc phạt lao động công ích.
Trao đổi, luật sư (LS) Nguyễn Đình Hạnh, Đoàn LS Đà Nẵng, cũng khẳng định: Chưa có chế tài phạt lao động công ích trong các quy định pháp luật hiện hành. Ngay cả các nghị định về xử lý vi phạm hành chính cũng chưa thấy.
“Trường hợp nếu TP Đà Nẵng đưa ra quy định này thì TP phải dựa trên căn cứ pháp luật cụ thể chứ các văn bản của HĐND TP đều là văn bản dưới luật” - LS Hạnh nói.
Đồng tình, LS Trương Công Nguyễn Anh Phiệt, Đoàn LS Đà Nẵng, góp ý thêm: “Muốn áp dụng thì phải luật hóa trước.
Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng về việc áp dụng hình thức này. Không có ai tự nguyện lao động công ích cả vì phải ra trước đám đông, về nhân phẩm thì người vi phạm khó chấp nhận. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu kỹ trong quá trình lao động công ích có đảm bảo an toàn cho người bị phạt hay không?”.
Không áp dụng riêng
Đà Nẵng hay bất cứ địa phương nào khi muốn áp dụng xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông cũng đều phải căn cứ vào các văn bản pháp luật của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ chứ không tự tiện áp dụng riêng. Chỉ Quốc hội, Chính phủ mới có thẩm quyền quy định về việc này. Từ trước đến nay Đà Nẵng cũng chưa có đề xuất nào như vậy.
Bà VÕ THỊ NHƯ HOA, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng
Các nước phạt lao động công ích ra sao?
Ở Anh, người vi phạm giao thông nghiêm trọng ngoài các chế tài thường có thì phải làm tạp vụ trong các trại tế bần dành cho những người vô gia cư.
Ở Thái Lan, từ năm 2016 đã có quy định xử phạt tài xế tham gia giao thông khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép bằng hình thức phạt lao động công ích ở nhà xác bệnh viện.
Ở Mỹ và Singapore, người vi phạm giao thông mà bị xác định phạm tội không nghiêm trọng thì có thể bị phạt lao động công ích với các hình thức: Làm sạch đường phố, công viên, nhà công cộng; lao động tại viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi…
TÚ QUYÊN