Còn theo thông tin tại hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều cùng ngày, từ ngày 1/4 đến nay, số ca Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tăng dần. Từ ngày 12 đến 16/4, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 96 ca, cao điểm ngày 16/4 có 99 ca mắc. Trong khi 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ từ 2-5 ca.
Vào lúc này, nhiều người đã từng nhiễm Covid-19 hai lần, thậm chí ba lần. Biến thể Omicron và các biến thể phụ của nó rất dễ lây lan và chứa các đột biến có thể cho phép chúng trốn tránh hệ thống miễn dịch. Vậy tái nhiễm Covid-19 nhiều lần có đáng lo ngại không? Hãy cùng tìm hiểu qua các bằng chứng khoa học dưới đây.
Khi tái nhiễm, bệnh có thể nhẹ hơn
Nếu cơ thể từng có kinh nghiệm đối phó với virus SARS-CoV-2, nó sẽ hoạt động tốt hơn vào lần tiếp theo, thường sẽ giúp bạn trải qua lần tái nhiễm nhẹ hơn.
Cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch sau khi nhiễm Covid-19 hoặc được tiêm vắc xin phòng bệnh. Tiến sĩ Jeffrey Cohen, trưởng phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết việc từng nhiễm hoặc tiêm vắc xin làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong nếu bạn nhiễm bệnh lần nữa.
Tuy nhiên, những người suy giảm miễn dịch có thể không có phản ứng miễn dịch mạnh, khiến họ dễ bị tổn thương dù đã mắc Covid-19 hoặc đã tiêm phòng trước đó.
Cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch sau khi nhiễm Covid-19 hoặc được tiêm vắc xin phòng bệnh. (Ảnh minh họa)
Tái nhiễm Covid-19 nhiều lần có đáng lo ngại?
Một nghiên cứu từ Mỹ năm 2022 phát hiện ra rằng việc tái nhiễm SARS-CoV-2 làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong, nhập viện và các vấn đề sức khỏe khác do Covid-19.
Nghiên cứu thực hiện trên dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, thu thập từ ngày 1 tháng 3 năm 2020 đến ngày 6 tháng 4 năm 2022 trên 443.588 bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 một lần, 40.947 người bị nhiễm hai lần trở lên và 5,3 triệu người không bị nhiễm bệnh. Hầu hết các đối tượng nghiên cứu là nam giới.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân bị tái nhiễm có nguy cơ tử vong cao gấp đôi và nguy cơ nhập viện cao gấp ba so với những người chỉ nhiễm một lần. Người tái nhiễm cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về phổi, tim, máu, thận, tiểu đường, sức khỏe tâm thần, xương và cơ bắp, rối loạn thần kinh cao hơn.
Cụ thể, những người tham gia nghiên cứu bị tái nhiễm Covid-19 có nguy cơ mắc các vấn đề về phổi cao gấp ba lần, nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp ba lần và khả năng bị rối loạn thần kinh cao hơn 60% so với những bệnh nhân chỉ nhiễm một lần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rủi ro tăng cao rõ rệt nhất trong tháng đầu tiên sau khi tái nhiễm nhưng vẫn còn rõ ràng sau 6 tháng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, phó giáo sư tại Trường Y, Đại học Washington ở St. Louis, Mỹ, cho biết điều này không có nghĩa là lần nhiễm thứ hai có triệu chứng tồi tệ hơn lần nhiễm đầu tiên. Thay vào đó, điều này có nghĩa là tái nhiễm đi kèm với nhiều rủi ro hơn. Ông giải thích: "Nếu rủi ro của bạn là X sau lần nhiễm bệnh đầu tiên, thì sau lần nhiễm thứ hai, rủi ro là X cộng Y".
"Điều này thể hiện rõ ở những người chưa được tiêm phòng, đã được tiêm phòng và đã được tiêm tăng cường".
Ảnh minh họa kit test Covid-19.
Tiến sĩ Al-Aly nói thêm: "Ngay cả khi một người đã bị nhiễm bệnh trước đó và đã được tiêm phòng - nghĩa là họ có khả năng miễn dịch gấp đôi từ lần nhiễm bệnh trước đó cộng với vắc xin - họ vẫn dễ bị ảnh hưởng xấu khi tái nhiễm".
Trước các kết quả này, các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu nhận xét những người tham gia nghiên cứu là cựu chiến binh, do đó, không phản ánh dân số nói chung.
John Moore, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell ở New York, Mỹ, cho biết bệnh nhân tại các cơ sở y tế của các cựu chiến binh thường lớn tuổi hơn, ốm yếu hơn và thường là nam giới, một nhóm thường có nhiều biến chứng sức khỏe hơn mức bình thường.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Al-Aly cảnh báo rằng mọi người không nên mất cảnh giác.
Ông nói với Reuters: "Chúng tôi đã thấy rất nhiều bệnh nhân đến phòng khám với tinh thần chủ quan. Họ tự hỏi ‘Tái nhiễm có thực sự đáng lo ngại không?' Câu trả lời là có, hoàn toàn có."
"Mọi người nên biết rằng việc tái nhiễm là có hậu quả và nên có biện pháp phòng ngừa", ông nói thêm.
Nhóm nghiên cứu kết luận cuối nghiên cứu: "Các biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm là cần thiết để giảm thiểu tối đa nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài do nhiễm SARS-CoV-2".
Các chuyên gia kêu gọi mọi người nên phòng tránh tối đa nguy cơ tái nhiễm Covid-19.
Làm gì để phòng tái nhiễm Covid-19?
Ai cũng biết chúng ta nên tránh nhiễm Covid-19 bằng các biện pháp như cập nhật thông tin về tiêm chủng, đeo khẩu trang chất lượng cao, vừa vặn khi ở trong nhà, cải thiện hệ thống thông gió trong nhà và thực hiện xét nghiệm nhanh khi có triệu chứng.
Nhưng trên thực tế, nếu không có các chiến lược toàn diện về sức khỏe cộng đồng, việc phòng ngừa Covid-19 trong ‘kỷ nguyên Omicron’ là điều khó khăn đối với một cá nhân, tiến sĩ Al- Aly nói.
Tiến sĩ Cohen nói thêm rằng thực tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công cụ mới, chẳng hạn như vắc xin đa chủng có thể bảo vệ chống lại cả các biến thể hiện tại và tương lai. Một số chuyên gia cũng hào hứng với khả năng có vắc xin nhỏ mũi, hy vọng có thể làm chậm quá trình lây truyền bằng cách xây dựng các ổ chứa miễn dịch ở nơi virus thường xâm nhập vào cơ thể. Cả hai sản phẩm hiện đang được phát triển, nhưng chưa sẵn sàng để phân phối.
Rosemary Boyton, giáo sư miễn dịch học và y học hô hấp tại Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết giảm số lần tái nhiễm là cần thiết cả với sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Những người dễ bị tổn thương và bị suy giảm miễn dịch sẽ không an toàn chừng nào virus còn lây lan rộng rãi. Mọi người đều gặp rủi ro nếu virus liên tục lây nhiễm cho một bộ phận lớn dân số và liên tục biến đổi.
Giáo sưu Boyton nói: "Có một mối nguy hiểm là nếu bạn cho phép một loại virus lưu hành trong quần thể đã được tiêm vắc xin, thì nó có thể tiếp tục biến đổi thành một thứ gì đó dễ gây bệnh hơn".
Theo ý kiến của Boyton, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. Giáo sưu Boyton kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các cá nhân cùng chung tay làm chậm sự lây lan của virus càng nhiều càng tốt.
"Đây không phải là một căn bệnh tầm thường, ngay cả khi bạn không phải nhập viện vì nó", giáo sưu Boyton nói.
(Nguồn: New Zealand Herald, Time, Reuters)