Sau khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng khiến 12 người chết, có luồng dư luận đặt nghi vấn về việc một trong 2 xe khách do tránh xe của trộm chó nên gây ra vụ việc, bằng chứng là tại hiện trường ngoài 2 xe khách, ôtô tải, còn có một xe máy, một con chó bị cháy.
Sự thật chuyện này ra sao?
Xe máy nằm trong gầm xe khách Sơn Quy
Tuy nhiên, hành khách trên xe Sơn Quy khẳng định, chiếc xe máy này là của khách trên xe Sơn Quy, con chó chết cháy là của một phụ nữ mang theo và để dưới gầm xe.
Anh Trần Văn Công (32 tuổi, quê Hà Tĩnh) nhớ lại: "Lúc tôi để hành lý vào gầm xe thì thấy chiếc xe máy đã có sẵn trong đó. Khi tôi để đồ xong, đi ra thì thấy có chị mang một cái chuồng chó nhỏ để vào.
Tôi nghĩ lúc hai xe tông nhau, cửa hành lý bị bung ra nên chiếc xe máy và con chó đó bị văng ra. Họ nhìn thấy thì đoán là xe của cẩu tặc".
Trao đổi với phóng viên Báo Trí thức trẻ, Trung tá Phan Thế Nam - Trưởng Trung tâm Thông tin chỉ huy của Phòng tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận cho biết: "Xe máy trong vụ tai nạn này có BKS 76X3-7800, nằm trong gầm xe khách Sơn Quy.
Phụ xe đã xác nhận xe máy do khách gửi, công an đang làm rõ chủ của phương tiện này".
Theo trung tá Nam, khi 2 xe khách đối đầu, bị va chạm mạnh khiến xe máy văng trong gầm ra mặt đường. Sau đó, ngọn lửa từ xe khách lan sang, thiêu rụi chiếc xe máy này.
Vì sao chủ xe Sơn Quy "bặt vô âm tín"?
Tiếp xúc với chúng tôi, những nạn nhân là hành khách đi xe Sơn Quy đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bình Thuận cho rằng, vì xe cháy nên mọi người chỉ kịp thoát thân, hành lý bị cháy sạch, có người không còn đôi dép để mang. Thế nhưng, đến bây giờ, chủ nhà xe Sơn Quy vẫn "bặt vô âm tín".
Anh Công đang lo thủ tục xuất viện cho em họ mình là Trần Thị Huyên (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) và cháu trai mình.
Theo những nạn nhân khác, sáng nay (23/5) họ nhận được các cuộc gọi của người phụ nữ nhận là người của nhà xe Sơn Quy.
Anh Công nói về quy trình của việc đặt ghế và lên xe Sơn Quy như sau: Thường khi khách đặt xe đi thì bà Quy (chủ xe) có số điện thoại của khách, bà Quy cũng là người điều hành xe đưa rước khách. Ai muốn đi xe cũng phải đưa số điện thoại cho nhà xe dễ liên hệ.
Anh bức xúc: "Người phụ nữ sáng nay gọi điện chưa đầy 1 phút, không hề hỏi thăm sức khỏe mọi người, kèm theo đó là những câu hỏi đón đầu, khiến tôi và mọi người rất khó chịu".
Anh Công thuật lại: "Bà ấy hỏi là vừa qua em đi xe Sơn Quy phải không, em đã về đến nhà chưa? Nếu họ thực sự quan tâm, thì phải hỏi tôi là đi trên xe này có bị thương hay gì không, chứ không thể hỏi như vậy, vì họ chắc chắn đã biết xe Sơn Quy đã bị cháy rụi trong vụ tai nạn.
Trước khi cúp máy họ còn nói tự lo cho mình đi".
Một nạn nhân nam bên cạnh tiếp lời: "Giống như đang điểm danh, hỏi như vậy thì chúng tôi không thể chấp nhận được".
Mọi người không khỏi xót xa khi nghĩ về việc không có tiền về quê, hay về với hai bàn tay trắng. Tất cả hành lý, quà biếu người thân đều đã bị thiêu rụi. Ai cũng mang một nỗi buồn là mang tiếng đi làm ăn xa, mà về nhà không còn một bộ đồ để mặc.
Anh Công bùi ngùi: "Về lần này, tôi mua nồi cơm điện, quần áo và đồ chơi cho hai đứa con đều đã bị cháy hết. Buồn một cái là tôi đang về để kịp sinh nhật con gái. Hôm qua là sinh nhật nó, nó điện thoại hỏi tôi về đến đâu rồi, có mua bánh sinh nhật không?
Nó khoe học được giấy khen, hôm nay là thứ mấy nhỉ? À thứ 2, thứ 5 này nó được lên trường nhận giấy khen. Tôi đã hứa nếu con gái tôi được giấy khen tôi sẽ tặng quà cho nó, giờ cháy hết rồi còn đâu.
Mảnh vỡ của kính xe còn gim vào lưng, vào chân tôi chưa lấy ra đây. Còn mạng sống thì vui, chỉ buồn một nỗi mình đi làm để lo cho gia đình, mà khi về thì một bộ đồ cũng không còn, nhưng biết làm sao? Đau thật!
Khoảng 14h trưa nay, chúng tôi sẽ xuất viện về nhà. Nhưng tiền mà mọi người ủng hộ thì phải trả viện phí. Nếu viện phí cao thì tiền đâu mà mua vé xe về...".
Chúng tôi đã xin số điện thoại của người phụ nữ được nhắc đến trong câu chuyện. Tiếp xúc qua điện thoại, người phụ nữ này chần chừ rồi cho rằng, mọi việc về xe cộ là do ông Vũ Công Sơn (chủ xe Sơn Quy) phụ trách.
Ông Sơn khẳng định ông không bỏ mặc hành khách của mình, nhưng vì bận việc nên đến trễ.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Sơn cho biết: "Sáng hôm nghe xe khách chúng tôi gặp tai nạn thì tôi bận việc, đến tối tôi mới đặt được vé máy bay để vào Sài Gòn. Còn bây giờ tôi đang trên đường xuống Bình Thuận, đã đến Long Khánh, Đồng Nai rồi.
Tôi sẽ xuống bệnh viện, sẽ thanh toán tiền viện phí, rồi ủng hộ cho, không lo cái gì hết, mọi người yên tâm ở đó đi khoan hãy ra viện. Tối nay, Ủy ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cũng vào bệnh viện để thăm nom, ủng hộ".
Hỏi về việc người phụ nữ bảo anh Công và mọi người là "tự lo đi", ông Sơn nói: "Không phải đâu, chị ấy không nói thế đâu, mà nói là tôi đang trên đường vô. Không phải chị ấy bảo thế đâu, người ta nghe sai, làm sao có chuyện để khách như thế được".