Cần nhắc lại là trước khi cất cánh lên bầu trời, máy bay đã được đội ngũ kỹ thuật kiểm tra đầy đủ rồi mới tiến hành bàn giao cho phi công, do vậy thời gian sắp tới công tác đảm bảo an toàn bay sẽ được rà soát lại thật kỹ lưỡng nhằm tránh để xảy ra sự việc tương tự.
Thêm một chi tiết đáng chú ý khác, mặc dù đã trải qua nhiều năm phục vụ nhưng các phản lực cơ huấn luyện L-39C và L-39Z của Việt Nam đều đã được đại tu kéo dài thời hạn sử dụng.
Công ty sửa chữa máy bay A41 (còn gọi là Nhà máy A41) trực thuộc Cục kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân, đơn vị cho biết đã làm chủ công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn cho máy bay huấn luyện L-39 lên trên 30 năm.
Chiếc L-39C số hiệu 8705 do học viên phi công Phạm Đức Trung điều khiển gặp sự cố thuộc loạt đầu tiên của dòng L-39, được chuyển giao cho Việt Nam từ đầu thập niên 1980, đã trải qua 36 năm sử dụng. Vì vậy, có thể đi tới nhận định rằng chiếc máy bay này mới được Nhà máy A41 tiến hành đại tu gần đây.
Sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay L-39C tại Nhà máy A41
Sự việc trên rõ ràng là điều đáng tiếc và không ai mong muốn, nhưng đồng thời nó cũng chỉ ra những rủi ro lớn mà việc khai thác phi cơ cũ mang lại.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn của Việt Nam, chúng ta chưa thể thay thế toàn bộ số máy bay cũ trong một sớm một chiều, công tác sửa chữa tăng hạn chắc chắn vẫn sẽ được tiếp tục nhằm duy trì số lượng cần thiết.
Tuy nhiên có một vấn đề khác cần được xem xét thật nghiêm túc, đó là liệu có nên đi mua máy bay đã qua sử dụng nữa hay không, khi thời gian qua đã có nhiều thông tin cho biết Việt Nam muốn nhận được các tiêm kích F-16 và máy bay tuần tra chống ngầm P-3C thuộc Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ.
Các chiến đấu cơ này đều đã trải qua nhiều năm phục vụ nhưng vẫn chưa hết vòng đời, chúng đang được bảo quản tại căn cứ không quân Davis-Monthan trong sa mạc Nevada để chờ ngày "tái sinh".
Tiêm kích F-16 được lưu giữ tại căn cứ không quân Davis-Monthan
Giải pháp mua hàng secondhand sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng lấp đầy khoảng trống chiến thuật trong thế trận phòng thủ, giá thành dễ chịu của những vũ khí này cũng tỏ ra phù hợp với điều kiện tài chính eo hẹp, nhưng một lần nữa lại phải nhắc đến nguy cơ của việc dùng hàng quá hạn.
Nếu bán cho Việt Nam, số phi cơ trên sẽ được phía Mỹ tân trang lại để đảm bảo còn sử dụng được thêm ít nhất 20 năm, năng lực kỹ thuật của đối tác rõ ràng là được bảo đảm.
Tuy nhiên điều đó cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn nỗi băn khoăn về chất lượng thực sự của chúng, đặc biệt khi gần đây đã có liên tiếp những vụ tai nạn xảy ra với tiêm kích F/A-18 của Thủy quân Lục chiến Mỹ mà lý do đang bị nghi ngờ là tại phụ tùng "hàng bãi".
Đứng trên vị thế của quốc gia sản xuất, Không quân và Hải quân Mỹ nhiều khi cũng không thể kiểm soát tuyệt đối chất lượng của khí tài, vậy khi Việt Nam tiếp nhận thì liệu chúng ta có thể làm tốt hơn?
Ngoài ra giá thành của F-16 và P-3C cũ cũng chẳng hề rẻ, ước tính lên tới 31 triệu USD cho việc tân trang một chiếc F-16C/D lên chuẩn Block 52, con số này còn lớn hơn đối với P-3C, lên tới 90 triệu USD.
Với những lý do kể trên cùng sự kiện mới xảy ra, có lẽ Không quân Việt Nam nên thực hiện triệt để chủ trương "tiến thẳng lên hiện đại" và quyết tâm "nói không với đồ cũ" để từ bỏ ý định mua lại F-16, P-3C secondhand.