Lính dù Mỹ trong một cuộc diễn tập đổ bộ đường không. Nguồn: Huanqiu.
Theo hãng thông tấn Postimees của Estonian, 10 lính dù Mỹ đã bị thương và phải nhập viện vì đã đổ bộ chệch khỏi địa điểm nhảy dù trong cuộc tập trận "phản ứng nhanh" (Swift Response) ở Estonia.
Theo báo cáo, rạng sáng ngày 8/5, khoảng 600 lính dù thuộc Sư đoàn dù số 82 của Mỹ đã đổ bộ xuống khu vực sân bay ở thị trấn Nurmsi thuộc quận Yarva của Estonia, trong quá trình đổ bộ, Sư đoàn số 82 tiến hành thả các thiết bị quân sự xuống bằng dù.
Điều không may là 10 lính dù của Mỹ đã bị thương và phải nhập viện vì bay chệch khỏi địa điểm đổ bộ. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tallinn đã xác nhận vụ tai nạn này và cho biết, đây là tình huống thường gặp trong các cuộc đổ bộ đường không của lực lượng lính dù. “Không có binh sĩ nào bị thương nặng, và hầu hết binh sĩ đã trở lại quân đội”, tuyên bố cho biết.
Theo báo cáo, cuộc tập trận "Phản ứng nhanh" đã khởi động tại Estonia vào ngày 5/5 và cuộc tập trận kéo dài 10 ngày. Trong cuộc tập trận, 2.500 sĩ quan và binh sĩ đến từ Estonia, Mỹ và Anh sẽ tiến hành các khoa mục chống khủng bố. Tham dự cuộc tập trận này còn có hơn 20 máy bay và 25 trực thăng.
"Phản ứng nhanh" là một phần của cuộc tập trận lớn nhất trong 25 năm qua, mang tên "Người bảo vệ châu Âu-2021". Cuộc tập trận "Người bảo vệ châu Âu-2021" được tổ chức tại 16 quốc gia, diễn ra từ tháng 5 đến giữa tháng 6/2021, với số lượng binh lính tham gia lên tới 28.000 quân.
Theo báo cáo, Đội chiến đấu của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Dù số 82 đã điều động 800 quân đến Estonia vào tối 8/5. Một nửa quân số bay thẳng đến Estonia từ căn cứ Fort Bragg, lực lượng còn lại của Sư đoàn Dù số 82 đang trực sẵn sàng chiến đấu ở Litva. Cuộc đổ bộ được thực hiện vào ban đêm trong tình huống chiến thuật gần giống với thực tế nhất có thể.
Chuyên gia quân sự Nga, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov cho rằng, việc chuyển 800 quân từ Mỹ đến Estonia là một nhiệm vụ đơn giản và không đáng kể đối với Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo không nên đánh giá không đúng mức động thái này.
Xét trên góc độ khác, động thái của Mỹ có thể là hành động bổ sung lực lượng cho NATO gần biên giới Nga. NATO đang mở rộng các sáng kiến và gọi đó là "kiềm chế sự xâm lược của Nga".
Lính dù Mỹ là lực lượng chuyên tiếp cận, tấn công mục tiêu nằm sâu trong lòng địch. Kỹ năng đổ bộ của họ vì thế rất đáng sợ. Trước khi lao ra khỏi máy bay ở độ cao hàng nghìn mét, lính dù Mỹ phải trải qua quá trình huấn luyện rất khắt khe nhằm đảm bảo những bước nhảy an toàn nhất.
Được biết, kể từ khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra ở Mỹ vào năm 2001 tới nay, quân đội Mỹ mới chỉ đúng 4 lần huy động lực lượng nhảy dù theo đúng nghĩa đó là triển khai từ máy bay và nhảy dù xuống lãnh thổ thù địch.
Ngoài ra, mọi cuộc huy động lực lượng nhảy dù khác của Mỹ đều chỉ là không vận lính tới địa điểm giao tranh sau đó hạ cánh, lính dù tiếp tục di chuyển bằng đường bộ vào vùng chiến sự.
Giới nghiên cứu quân sự cho rằng, mặc dù lính dù Mỹ là lực lượng có kỹ năng đáng sợ nhất trên thế giới, nhưng việc đổ bộ đường không theo truyền thống để đánh kết hợp từ trong ra ngoài đã không còn ưu điểm lợi hại như trong quá khứ.
Một trong những yếu điểm của lối đánh này đó là với việc phát triển của khoa học kỹ thuật, có quá nhiều phương tiện có thể phát hiện hoạt động nhảy dù và sẵn sàng sử dụng các hệ thống vũ khí để tiêu diệt, ngay từ khi lính dù nhảy ra khỏi máy bay.
Chưa kể đến lực lượng đổ bộ trong lòng địch có nguy cơ bị bao vây, bị tóm sống hoặc bị nghiền nát bởi đối phương vẫn còn hiện hữu và không thể khắc phục được.
Đến nay, với sự ra đời của các loại máy bay trực thăng hạng nặng, lính dù Mỹ thường được không vận tới trận địa bằng trực thăng và sau đó triển khai quân một cách dễ dàng thay vì phải nhảy xuống đất từ độ cao vài trăm mét. Nên rất ít có khả năng xảy ra thương vong, trừ khi sai địa điểm nhảy dù, nhưng đây là các tình huống hi hữu.