Tài liệu Panama: Nhiều nước vào cuộc điều tra

Thu Anh |

Sau khi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố dữ liệu trong “tài liệu Panama”, nhiều nước đã rục rịch điều tra các công ty, cá nhân liên quan.

Sau khi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố dữ liệu trong “tài liệu Panama”, liệt kê hơn 200.000 công ty vỏ bọc và 370.000 cá nhân là khách hàng của Công ty luật Mossack Fonseca, nhiều nước đã rục rịch điều tra các công ty, cá nhân liên quan.

Tại Thái Lan, theo báo The Nation, tổng cộng 1.413 công ty có địa chỉ ở Thái, hầu hết thuộc về những doanh nhân giàu có, người nổi tiếng và các cựu chính trị gia hoặc người phụ thuộc cùng nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Thái Lan, có tên trong danh sách này.

Cơ quan Chống rửa tiền Thái Lan (AMLO), Cục Thuế, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cho biết đang vào cuộc điều tra.

Trong đó AMLO tiết lộ đang điều tra 16 cá nhân có trong “tài liệu Panama”, nhưng chưa ai bị kết tội đến thời điểm này.

Cục Thuế Thái Lan cũng cho biết sẽ tăng cường theo dõi dữ liệu về thuế của các cá nhân và công ty có tên trong danh sách này.

Tại Singapore, giới chức nước này hôm 10-5 cho biết đang nghiên cứu dữ liệu từ “tài liệu Panama” và sẽ có biện pháp xử lý nếu bất cứ người Singapore nào có tên trong danh sách này bị phát hiện có tội.

Theo Straits Times, một số ngân hàng ở Singapore có tên trong “tài liệu Panama” này.

Theo Philippine Star, một số tỉ phú ở Philippines cũng có mặt trong hồ sơ vừa bị rò rỉ và công bố.

Trong đó có ông Henry Sy Jr - chủ tịch Công ty SM Prime Holdings và là thành viên trong gia đình giàu nhất Philippines - với tài sản ròng lên đến 13,3 tỉ USD theo số liệu năm 2015, cùng một số cựu chính trị gia Philippines và người thân.

Tại Indonesia, theo The Jakarta Post, chính phủ nước này đang phân tích các dữ liệu từ “tài liệu Panama” về các cá nhân Indonesia liên quan.

Trước đó ngày 9-5, Chính phủ Canada cho biết các nhà điều tra nước này đã sẵn sàng rà soát “tài liệu Panama” để phát hiện những trường hợp trốn thuế và sẽ xử lý hình sự các trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, theo Reuters, cảnh sát Na Uy đã lập hẳn một đường dây nóng để những ai liên quan đến “tài liệu Panama” có thể thú tội. Cảnh sát cho biết ai tự nhận tội sẽ được 
hưởng khoan hồng.

Hơn 300 nhà kinh tế phản đối 
các "thiên đường thuế"

Hơn 300 nhà kinh tế từ 30 quốc gia đã viết thư ngỏ chỉ trích sự tồn tại của các thiên đường thuế, sau khi "tài liệu Panama" bị rò rỉ với danh sách hơn 200.000 công ty vỏ bọc.

Theo Hãng tin ABC (Mỹ), thư ngỏ này viết: "Các nước có mức thuế thấp đối với doanh nghiệp và cá nhân, được gọi là thiên đường thuế, không đem lại mục đích kinh tế hữu ích".

Các nhà kinh tế cho rằng chính sách này đem lại lợi ích cho một số người, trong khi những người khác lại chịu thiệt hại, gây ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng.

Trong đó các nước nghèo mất mát nhiều nhất, ít nhất là 170 tỉ USD tiền thuế mỗi năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại