Tài liệu mật của CIA tiết lộ điều khiến tình báo Mỹ lo sợ nhất về Hải quân Liên Xô

Linh Lâm |

Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã giải mật 2.000 trang tài liệu về hải quân Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Số tài liệu này bao gồm 82 bản báo cáo được thu thập trong 3 thập kỷ (thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ XX), từ bản dịch của "Military Thought" - một chuyên san quân sự Liên Xô, cho tới những tài liệu tình báo quốc gia của Mỹ đề cập tới sức mạnh hải quân Liên Xô và các báo cáo về tàu ngầm, tàu sân bay, tên lửa hành trình...

Những tài liệu trên một lần nữa cho thấy giới lãnh đạo quân sự Mỹ từng đánh giá Hải quân Liên Xô là mối đe dọa nghiêm trọng đối với vị thế bá chủ của hải quân Mỹ, khiến họ phải tài trợ hào phóng các cho các nghiên cứu tình báo về vấn đề này.

Các tài liệu đã đề cập đến tất cả các khía cạnh của Hải quân Liên Xô, từ tính năng của hệ thống tên lửa phòng không cho tới cấu trúc chiến thuật của các nhóm tác chiến tàu ngầm.

Nhân dịp này, chuyên gia quân sự Andrei Kotz của hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) đã điểm qua một số kết luận "thú vị nhất" mà CIA đưa ra.

Tàu sân bay Liên Xô: Dấu hiệu của lực lượng hải quân viễn dương

Đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Liên Xô bắt đầu triển khai những con tàu đầu tiên có khả năng vận hành máy bay chiến đấu cánh cố định. Chúng là các tàu đề án 1143 lớp Kiev. Phiên bản nâng cấp 1143.5 sau này được gọi là lớp Kuznetsov.

Kiev - chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp tàu cùng tên - được hạ thủy vào tháng 12/1972, biên chế tháng 12/1975.

Với lượng giãn nước 45.000 tấn, những chiếc tàu tuần dương chở máy bay này được trang bị các tiêm kích cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-38 và các khí tài chống ngầm, tên lửa phòng không, tên lửa hành trình, vũ khí phòng thủ tầm gần, radar trinh sát đường không 3D mới nhất vào thời điểm đó.

Tài liệu mật của CIA tiết lộ điều khiến tình báo Mỹ lo sợ nhất về Hải quân Liên Xô - Ảnh 1.

Tàu sân bay lớp Tbilisi của Liên Xô (Nguồn: Sputnik)

Giới phân tích Mỹ kết luận rằng, các tàu đề án 1143 không chỉ là mối đe dọa đối với lợi thế tàu sân bay của Mỹ mà còn đe dọa trực tiếp vị thế bá chủ của NATO ở Đại Tây Dương.

Bản báo cáo tháng 11/1973 với tiêu đề "Chương trình đóng tàu hải quân Liên Xô: Những tác động đối với lực lượng tàu mặt nước" cho biết, Liên Xô có khoảng 12 tàu chiến mặt nước cỡ lớn đang được chế tạo, trong đó có 2 tàu sân bay, 4 khinh hạm, ít nhất 7 tàu khu trục và một số tàu hộ tống.

CIA lưu ý rằng, cùng với quá trình hiện đại hóa, các chương trình đóng tàu mặt nước của Liên Xô dự kiến sẽ có những bước cải tiến đáng kể về chất lượng trong vài năm tới.

Các tàu sân bay với tiêm kích cất/hạ cánh thẳng đứng sẽ mang lại cho Liên Xô khả năng triển khai lực lượng không quân hoàn toàn mới từ biển, cho phép họ tự tin hoạt động tại những khu vực cách xa bờ biển nước Nga.

Tàu ngầm Liên Xô: Mối đe dọa đối với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Đầu những năm 1970, Liên Xô đã nâng cấp thành công hạm đội tàu ngầm.

Trong bản tài liệu dài 40 trang với tiêu đề: "Lực lượng tàu ngầm tấn công Liên Xô: Hoạt động và phát triển", CIA đã đề cập tới năng lực, chiến thuật, cũng như các hoạt động của lực lượng tàu ngầm Liên Xô, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới kết cục có thể xảy ra nếu tàu ngầm Liên Xô đối đầu các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

"Liên Xô coi tàu ngầm là hệ thống vũ khí chủ lực của họ", báo cáo viết, "Hải quân Liên Xô hiện có 335 tàu ngầm, trở thành lực lượng tàu ngầm lớn nhất trên thế giới.

Khoảng 55 tàu trong số này có nhiệm vụ tấn công chiến lược. Số còn lại - 280 tàu ngầm tấn công - là lực lượng chủ lực trong các hoạt động phòng thủ chiến lược chống lại các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Polaris, tàu sân bay và ngăn chặn các tuyến thông thương trên biển của đối phương.

Ngoài ra, lực lượng tàu ngầm còn là một phần đóng góp quan trọng trong các hoạt động giám sát đại dương".

Tài liệu mật của CIA tiết lộ điều khiến tình báo Mỹ lo sợ nhất về Hải quân Liên Xô - Ảnh 2.

Tranh vẽ một căn cứ tàu ngầm Liên Xô (Nguồn: Sputnik)

Các nhà phân tích CIA lo ngại rằng số lượng đông đảo, vũ khí và tốc độ ưu việt của các tàu ngầm tấn công Liên Xô sẽ mang lại cho chúng cơ hội "theo dõi và tấn công lực lượng tàu sân bay Mỹ trên biển". Liên Xô có khoảng 54 tàu ngầm tiên tiến mang tên lửa hành trình (trong đó có 16 tàu ngầm hạt nhân) và con số này sẽ tăng thêm 2-3 tàu mỗi năm.

Trong khi đó, Mỹ chỉ có 14 tàu sân bay. Điều này cho phép Liên Xô tập trung triển khai các hoạt động của tàu ngầm nhằm vào tàu sân bay Mỹ.

Bên cạnh đó, theo bản báo cáo của CIA, các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình mới nhất của Liên Xô sẽ đặt ra cho tàu sân bay Mỹ "một thách thức phòng thủ phức tạp", bởi chúng mang theo tên lửa hành trình SS-N-3 (P-5 Pyatyorka) với tầm bắn 250 hải lý.

Các nhà phân tích Mỹ cũng đặc biệt lo ngại về khả năng chiến thuật của Liên Xô trong việc tiến hành các cuộc tấn công phối hợp bất ngờ bằng máy bay và tàu ngầm nhằm vào tàu sân bay Mỹ. Với Mỹ, nguy cơ này ở khu vực Địa Trung Hải đáng ngại hơn so với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Theo CIA, Hải quân Liên Xô nhiều khả năng sẽ tấn công các nhóm tàu sân bay đang hoạt động gần nhất với Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa hai nước.

Tên lửa hành trình Liên Xô: Đặc biệt đáng ngại

Tài liệu của CIA cho thấy tình báo Mỹ vô cùng lo ngại về năng lực tên lửa hành trình của Liên Xô. Bản báo cáo có tiêu đề "Lực lượng tên lửa hành trình Liên Xô: Tiến trình phát triển và triển khai hoạt động" năm 1971 đã nhấn mạnh những khả năng mà loại vũ khí này có thể mang lại cho Hải quân Liên Xô.

Tên lửa AS-6 (KSR-5 Raduga) phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-16 của Liên Xô khiến tình báo Mỹ đặc biệt lo ngại. AS-6 có tốc độ tối đa Mach 3 và có tầm bắn lên tới 300 hải lý.

Tài liệu mật của CIA tiết lộ điều khiến tình báo Mỹ lo sợ nhất về Hải quân Liên Xô - Ảnh 3.

Máy bay TU-16 Badger E. Ảnh: Wiki

Một bản báo cáo năm 1972 với tiêu đề "Năng lực ngăn chặn tàu sân bay Mỹ của Liên Xô" đã kết luận rằng "Liên Xô xem tên lửa hành trình chống tàu là một loại vũ khí cách mạng, khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời.

Ngoài 286 tàu ngầm tấn công, Liên Xô còn có 600 máy bay ném bom, do thám (275 máy bay trong số này được trang bị tên lửa không-đối-đất) và số lượng đáng kể các tàu mặt nước, cùng các hệ thống phòng thủ bờ biển.

Không quân Hải quân Nga: Không dễ đánh bại

Bản báo cáo năm 1979, với tiêu đề "Lực lượng không quân hải quân trong kế hoạch tấn công chống tàu của Liên Xô" gây tò mò bởi gần 40 năm sau khi hoàn thành, phần lớn nội dung vẫn được giữ bí mật.

Những phần được giải mật của bản báo cáo cho biết, mặc dù chiếm ưu thế về tàu sân bay và không quân trên hạm nhưng quân đội Mỹ vẫn đánh giá mối đe dọa mà các phi công hải quân Liên Xô mang lại là rất nghiêm trọng.

Bản báo cáo đặc biệt chú trọng tới máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-22M Backfire mà Liên Xô bắt đầu triển khai trong những năm 1970.

Theo bản báo cáo, tầm hoạt động và tốc độ của mẫu máy bay này tạo ra mối đe dọa đối với lực lượng tác chiến và kiểm soát biển của hải quân của phương Tây trong các cuộc chiến tranh thông thường/hạt nhân ở Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương hoặc bất cứ đâu.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng lưu ý rằng, sự thành công hay thất bại của lực lượng không quân hải quân Liên Xô sẽ phụ thuộc vào mức độ phối hợp, do thám các mục tiêu, khả năng sống sót trước các hệ thống phòng không phương Tây.

Sergei Gorshkov: Vị đô đốc thay đổi hải quân Liên Xô

Trong cuốn booklet đi kèm với những tài liệu được giải mật này, CIA đã dành hẳn một chương đặc biệt để nói về Đô đốc Hải quân Liên Xô Sergei Gorshkov và vai trò to lớn của ông trong công cuộc mang lại diện mạo mới cho Hải quân Liên Xô.

Tài liệu mật của CIA tiết lộ điều khiến tình báo Mỹ lo sợ nhất về Hải quân Liên Xô - Ảnh 4.

Đô đốc Hải quân Liên Xô Sergei Gorshkov. Ảnh: Sputnik

Ông Gorshkov giữ cương vị Tư lệnh Hải quân Liên Xô từ năm 1956-1985. Tổng kết các thành tựu của ông Gorshkov, CIA viết "câu chuyện về Đô đốc Gorshkov gần như là câu chuyện của Hải quân Liên Xô trong 30 năm ông giữ cương vị Tư lệnh...

Có vẻ như Đô đốc Gorshkov chưa bao giờ quên đi mục tiêu là xây dựng một lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, hiên ngang hoạt động trên tất cả các đại dương".

Dưới thời Đô đốc Gorshkov, lần đầu tiên trong lịch sử, Liên Xô đạt được khả năng hoạt động xa bờ. Ở thời điểm đó, Liên Xô đã có 170 tàu chiến hoạt động trên khắp các đại dương trên tehes giới.

Ngoài ra, Đô đốc Gorshkov đã chủ trì thiết lập lực lượng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm trong bộ ba hạt nhân của Liên Xô, với 62 phương tiện mang ICBM hiện đại, trong đó có các tàu ngầm khét tiếng lớp Typhoon.

Ông còn là người chuyển trọng tâm của Hải quân Liên Xô từ tàu ngầm và phòng thủ bờ biển sang thiết lập một "hạm đội cân bằng" đúng nghĩa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại