Tái hiện chiến thuật thời Mao Trạch Đông, TQ sẽ "kết liễu" Mỹ trong giai đoạn 3 của thương chiến?

Gia Hân |

Việc Mỹ phong tỏa toàn diện đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc dường như lại phù hợp với 3 điều kiện gây ra Chiến tranh Lạnh.

Một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến thế giới bị chia rẽ, trong khi Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng các quốc gia khác sẽ chọn một phe để ủng hộ.

Tái hiện chiến thuật thời Mao Trạch Đông

Như thông tin đăng tải trên tờ Minh báo của Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng miêu tả giai đoạn đầu của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ là "tao ngộ chiến", cho thấy phía Trung Quốc không có sự chuẩn bị cho cuộc chiến này.

Quả thực, nếu nhìn vào Chương trình 100 ngày mà ông Tập đạt được trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20 ở Argentina vào đầu tháng 12/2018 có thể thấy phía Trung Quốc vẫn dùng sách lược "câu giờ" để đối phó với Mỹ như dưới thời Barack Obama hay các đời tổng thống Mỹ trước đó.

Một minh chứng khác cho thấy trong giai đoạn đầu của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc ở thế bị động. Đó là khi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng của Hông Kông, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho rằng thành quả lớn nhất của chuyến công du Mỹ vào trung tuần tháng 5/2018 là hai bên đều không muốn chiến tranh thương mại, đều muốn dừng việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau.

Nhưng chưa đầy nửa tháng sau, Nhà Trắng tuyên bố áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tiên, khiến Bắc Kinh bối rối, chỉ có thể đối phó một cách thụ động.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi ông Trump quyết định bắt đầu từ ngày 10/5/2019 sẽ nâng mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác thêm 15%, lên 25%.

Cùng với việc thông báo sẽ áp thuế bổ sung đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6/2019 để trả đũa Mỹ bất chấp cảnh báo của ông Trump rằng "Trung Quốc chớ có trả đũa - sẽ chỉ tồi tệ hơn thôi!", quan chức cũng như truyền thông chính thức của nước này nhất loạt đưa ra lời lẽ cứng rắn nhằm vào chiến tranh thương mại do Mỹ phát động.

Điển hình là việc ngày 14/5, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đăng bức hình với dòng chữ: "Đàm phán: Có thể; Chiến tranh: Đấu tới cùng; Bắt nạt: Đừng có mơ!" và nói rõ "đây là thái độ của Trung Quốc". Dường như, Bắc Kinh đã thay đổi chiến thuật đối phó với Mỹ.

Theo tờ Tin tức Thế giới, sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng chiến thuật thời Mao Trạch Đông để đối phó với việc Mỹ gây sức ép.

Mao Trạch Đông đã chia kháng chiến chống Nhật thành 3 giai đoạn: Thứ nhất là kẻ địch tiến công chiến lược, quân ta trong giai đoạn phòng ngự chiến lược; Thứ hai là kẻ địch phòng thủ chiến lược, quân ta trong giai đoạn chuẩn bị phản công; Thứ ba là quân ta phản công chiến lược, kẻ địch trong giai đoạn rút lui chiến lược.

Từ khi Trung Quốc từ chối dự thảo thỏa thuận thương mại với Mỹ và tuyên bố áp thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, có thể nói Bắc Kinh đã chuyển từ giai đoạn phòng ngự bắt đầu từ khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bùng nổ vào năm 2018 sang giai đoạn giằng co, đợi thời cơ để ra đòn phản công.

Tái hiện chiến thuật thời Mao Trạch Đông, TQ sẽ kết liễu Mỹ trong giai đoạn 3 của thương chiến? - Ảnh 2.

Ảnh: Getty Images

Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ cũng đã chuyển từ giai đoạn "tao ngộ chiến" sang giai đoạn "trận địa chiến". Một mặt Trung Quốc phát động tuyên truyền toàn diện để cố kết tình cảm chống Mỹ, mặt khác nếu nhìn từ khả năng chịu đựng, đàm phán thương mại Trung-Mỹ khó có thể nối lại trong tương lai gần.

Nguyên nhân trước tiên có thể là do Trung Quốc trước đây có nhiều nhượng bộ, nhưng Mỹ lại không ngừng "nâng giá", đưa ra một số yêu cầu mà Trung Quốc không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, sang năm là khoảng thời gian rất quan trọng đối với ông Trump, có liên nhiệm được hay không phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế.

Đành rằng chiến tranh thương mại khiến cả Trung Quốc và Mỹ đều thiệt hại, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sức chịu đựng của Trung Quốc lớn hơn Mỹ. Trung Quốc không nhượng bộ, cái giá phải trả vì chiến tranh thương mại đối với kinh tế Mỹ sẽ ngày một hiện rõ. Đây rõ ràng là nhân tố bất lợi cho ông Trump.

Phiên bản mới của Chiến tranh Lạnh

Trên thực tế, không phải đợi tới khi chiến tranh thương mại bùng nổ, người ta mới thấy quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi. Định vị chiến lược mới đối với Trung Quốc sớm được thể hiện trong 3 báo cáo của Mỹ.

Thứ nhất là Báo cáo "Chiến lược An ninh quốc gia" (NSS) đầu tiên dưới thời Donald Trump (công bố vào tháng 12/2017) lần đầu tiên đề cập tới an ninh kinh tế và nhắc tới Trung Quốc 33 lần, tăng hơn gấp đôi so với báo cáo gần nhất đưa ra năm 2015, dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Thứ hai là Báo cáo Chiến lược quốc phòng mới (NDS) công bố vào tháng 1/2018, chỉ rõ "Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, Trung Quốc sử dụng thủ đoạn kinh tế mang tính cướp đoạt để đe dọa các nước láng giềng, hơn nữa đã quân sự hóa khu vực Biển Đông".

Tái hiện chiến thuật thời Mao Trạch Đông, TQ sẽ kết liễu Mỹ trong giai đoạn 3 của thương chiến? - Ảnh 3.

Ảnh: Shutterstock

Thứ ba là Báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân (NPR) đưa ra đầu tháng 2/2018 chỉ rõ trong khi Mỹ tiếp tục giảm trừ vũ khí hạt nhân, các nước khác, gồm Nga và Trung Quốc đã đi ngược lại. Chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc phát triển hạt nhân là nhằm khuyếch trương sức mạnh răn đe hạt nhân của mình.

Những thay đổi mang tính lịch sử nêu trên, theo Giáo sư Trần Định Định, Viện trưởng Viện Intellisia thuộc Đại học Tế Nam (Trung Quốc), cho thấy Mỹ đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc theo hướng tấn công, cơ bản đã từ bỏ kỳ vọng "thay đổi" Trung Quốc.

Hơn nữa, điều chỉnh này có tính dài hạn, cho thấy Mỹ đã thất vọng hoàn toàn đối với chính sách Trung Quốc trước đây và sẽ kiên trì cứng rắn với Trung Quốc trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới. Thế lực cứng rắn đối với Trung Quốc ở Mỹ cũng sẽ từng bước được tăng cường. Thậm chí, có nhà quan sát cho rằng đó là những dấu hiệu báo trước khả năng bùng nổ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đủ điều kiện cho Chiến Tranh Lạnh

Soi rọi vào cuộc đấu thế kỷ giữa Mỹ và Liên Xô, các chuyên gia chính trị quốc tế cơ bản thống nhất rằng cần có 3 điều kiện để xẩy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh: Một là đối kháng về chính trị và hình thái ý thức; Hai là tách rời về kinh tế; Ba là đối đầu quân sự và chạy đua vũ trang.

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ lại khốc liệt như quan hệ Mỹ-Xô năm xưa hay không, dư luận đã đưa ra nhiều kiến giải, nhưng điều không may là việc Mỹ phong tỏa toàn diện đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc dường như lại phù hợp với 3 điều kiện gây ra Chiến tranh Lạnh.

Thứ nhất, sau khi Washington cấm các doanh nghiệp Mỹ cung cấp linh kiện và dịch vụ cho Huawei, những nhà cung cấp phần mềm, phần cứng chủ yếu của Huawei đã quyết định hoặc xem xét ngừng hợp tác với Huawei.

Phần cứng có Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom. Phầm mềm có Google với hàng loạt sản phẩm đi kèm như Android, Gmail, Youtube, Chrome… Việc này kỳ thực không khác nào sự đứt đoạn trong chuỗi ngành nghề Trung-Mỹ, phù hợp với điều kiện "tách rời về kinh tế".

Thứ hai, Huawei đang phát triển công nghệ 5G, có liên quan chặt chẽ với thông tin quân sự. Có nhà quan sát đã chỉ rõ việc Mỹ phong tỏa Huawei về khách quan đã kiềm chế năng lực nghiên cứu khoa học của Huawei, làm chậm quá trình phát triển của công nghệ 5G, cuối cùng nhằm đạt mục đích: Kiềm chế sự phát triển của công nghệ quân sự của Trung Quốc. Như vậy, đằng sau sự kiện Huawei về căn bản chính là "cuộc đấu quân sự" kiểu Chiến tranh Lạnh.

Thứ ba, quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo nếu giành được vai trò chủ đạo về công nghệ 5G trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ dễ dàng giám sát Mỹ, đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Cộng thêm việc ông Trump nhiều lần chỉ trích chủ nghĩa cộng sản, chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, có thể thấy việc Mỹ phong tỏa Huawei còn mang ý đồ "đối kháng về chính trị và hình thái ý thức".

Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung nếu xảy ra, theo Giáo sư Nouriel Roubini, thuộc Viện Kinh doanh Stern, Đại học New York (Mỹ), hậu quả sẽ đáng sợ hơn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Bởi, Liên Xô khi đó là một cường quốc đi xuống với mô hình kinh tế thất bại, còn Trung Quốc ngày nay được dự báo sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.

Bên cạnh đó, khi xưa, Mỹ và Liên Xô ít giao thương với nhau, trong khi Trung Quốc hoàn toàn tham gia vào hệ thống giao dịch và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là với Mỹ. Vì vậy, một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra tình trạng phi toàn cầu hóa hoặc ít nhất là phân chia thế giới thành hai khối kinh tế không tương xứng.

Trong thế giới bị chia rẽ như vậy, Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng các quốc gia khác sẽ chọn một phe để ủng hộ. Tuy nhiên, chính phủ của hầu hết quốc gia sẽ muốn duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả 2 quốc gia này và đây sẽ là một lựa chọn hết sức khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại