Một nhóm khoa học gia quốc tế đã khai quật được một hộp sọ kinh dị ở miền Nam Brazil, thứ giúp họ tái tạo lại chân dung của một trong những quái thú khủng khiếp nhất từng bước đi trên Trái Đất, theo tờ Science Alert.
Các mảnh hộp sọ của quái thú ở Brazil - Ảnh: Zoological Journal of the Linnean Society
Sinh vật được nhà cổ sinh vật học Stephanie Pierce của Đại học Havard (Mỹ) mô tả là có vẻ ngoài "sởn gai ốc", có hộp sọ hóa thạch dài tới 36 cm với những chiếc răng đáng sợ.
Nó là một thành viên của loài Pampaphoneus biccai, thuộc một nhóm động vật trên cạn gọi là dinocephalia, to lớn và đáng sợ, phát triển mạnh trước thời kỳ khủng long.
Vẻ ngoài rùng rợn của sinh vật khổng lồ trong ảnh phục dựng - Ảnh đồ họa: Márcio Castro
Bài nghiên cứu về quái thú này, vừa được xuất bản trên tạp chí khoa học Zoological Journal of the Linnean Society, cho biết các Pampaphoneus biccai có chiều dài cơ thể lên tới 3 m, nặng khoảng 400 kg và chắc chắn là một kẻ săn mồi đáng sợ.
Tuy nhiên hộp sọ vừa được tìm thấy là một con thậm chí còn lớn hơn ước tính đó.
Nó có niên đại lên tới 265 triệu tuổi, tức cuối kỷ Nhị Điệp, lâu đời hơn khủng long hàng chục triệu năm.
Những loài khủng long sơ khai chỉ xuất hiện chậm chạp trong kỷ Tam Điệp sau đó, trước khi bắt đầu đa dạng vào kỷ Jura và đạt đến thời hoàng kim vào kỷ Phấn Trắng.
Đây là một phát hiện "vàng ròng", bởi dù là những kẻ thống trị đáng sợ, Pampaphoneus biccai và các quái thú cùng thời đã "bốc hơi" khỏi địa cầu trong đại tuyệt chủng thảm khốc cuối kỷ Nhị Điệp (đại tuyệt chủng Permi-Trias) giết chết 96% sinh vật biển và 70% động vật có xương sống trên đất liền.
Vì vậy nó là bằng chứng hiếm hoi và sống động về một "thế giới quái vật" bí ẩn hơn, cổ xưa hơn thế giới khủng long, cung cấp cái nhìn về cấu trúc của các hệ sinh thái trên cạn ngay trước đại tuyệt chủng lớn nhất mọi thời đại.