Tại Đan Mạch, người dân đi vay mua nhà được cho thêm tiền còn gửi tiết kiệm lại bị thu phí

Đan Mạch là một trường hợp kinh điển của chính sách lãi suất âm. Hiện nhiều doanh nghiệp ở Đan Mạch phải trả tiền khi gửi tài chính tại ngân hàng trong khi các hộ gia đình lại được trả thêm tiền khi vay vốn mua nhà.

Tại Copenhagen-Thủ đô Đan Mạch, bạn có thể thấy nhiều điều khá bất thường.

Ví dụ như xe đạp là phương tiện được ưu tiên trên cả xe hơi và người đi bộ, hay dù có mức lương tối thiểu chưa đến 20 USD/giờ và mức thuế thuộc hàng cao nhất Châu Âu nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại gần như thấp nhất.

Rõ ràng, những quan điểm thông thường khó có thể áp dụng tại Đan Mạch, và điều này cũng đúng với lãi suất tại đây.

Từ năm 2012, người dân nước này được trả thêm tiền khi vay vốn và phải trả tiền khi gửi tiết kiệm.

Đan Mạch-nền kinh tế lớn thứ 3 của bán đảo Scandinavia đang thi hành chính sách lãi suất âm gần như là lâu nhất Châu Âu trong khi chính sách tiền tệ này vẫn đang bị nhiều chuyên gia tranh cãi.

Hiện nhiều doanh nghiệp ở Đan Mạch phải trả tiền khi gửi tài chính tại ngân hàng trong khi các hộ gia đình lại được trả thêm tiền khi vay vốn mua nhà.

Nhiều chuyên gia hiện nay đều dự đoán Ngân hàng trung ương Đan Mạch (ND) sẽ tăng lãi suất trở lại cho đến sau năm 2018.

Mặc dù một số chuyên gia lo ngại chính sách tiền tệ này sẽ kích thích giảm phát và ngăn trở tăng trưởng kinh tế, nhưng từ năm 2012 đến nay, tình hình kinh tế của quốc gia này vẫn ổn.

Vậy nguyên nhân do đâu khi toàn Châu Âu phải cẩn thận sử dụng chính sách lãi suất âm còn Đan Mạch lại mạnh dạn dùng từ năm 2012?

Tại Đan Mạch, người dân đi vay mua nhà được cho thêm tiền còn gửi tiết kiệm lại bị thu phí - Ảnh 1.

Lãi suất cơ bản của Đan Mạch (trái) và tỷ giá EUR/KRO (phải)

Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần hiểu một số đặc điểm của nền kinh tế Đan Mạch.

Quốc gia này có biên giới sát với Đức và nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Đan Mạch.

Tuy nhiên, Đan Mạch lại chẳng ưa gì Liên minh Châu Âu (EU) và thậm chí từ chối gia nhập khối các nước đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2000.

Đồng Krone của Đan Mạch neo vào đồng Mark Đức từ năm 1982 đến năm 1999, sau đó là đồng Euro.

Nhiệm vụ chủ yếu của Ngân hàng Trung ương Đan Mạch là duy trì sự ổn định của hệ thống theo tỷ giá này bởi chúng vô cùng quan trọng với nền kinh tế và thương mại của Đan Mạch.

Dẫu vậy, khi cuộc khủng hoảng nợ diễn ra tại Châu Âu vào năm 2012, nhà đầu tư đã đua nhau bán tài sản mua vào đồng Krone, đẩy giá loại tiền này lên cao.

Dù thu được lượng lớn ngoại tệ nhưng Đan Mạch chả mấy vui vẻ bởi hàng xuất khẩu của họ phải chịu thiệt.

Trong khi đó, lãi suất cơ bản của nước này đã ở mức cực thấp 0,05% và biện pháp khả thi nhất lúc đó là hạ lãi suất xuống mức âm.

Như vậy, động cơ hạ lãi suất xuống dưới 0% của Đan Mạch khác khá nhiều so với những nền kinh tế khác, như Nhật Bản. Mục tiêu của họ là hạn chế các nhà đầu cơ thay vì thúc đẩy lạm phát lên mức mục tiêu.

Liệu có bình thường?

Thống đốc Lars Rohde của ND hiện đang điều hành chính sách tiền tệ với mức lãi suất âm trong gần như toàn bộ nhiệm kỳ của mình.

Ngay từ khi ông được bổ nhiệm vào năm 2013, mức lãi suất cơ bản tại Đan Mạch đã là (-0,1%) và hiện đang đứng ở (-0,65%).

Mục tiêu của ND hiện vô cùng rõ ràng, họ cần bảo vệ cơ chế neo tỷ giá bằng mọi giá và chính sách lãi suất âm hiện đang được thực hiện khá tốt mà chưa có tác động tiêu cực nào.

Hiện doanh thu ngành ngân hàng tại Đan Mạch không thấp hơn so với những quốc gia khác tại Châu Âu và khoản phí tiền gửi đã bù đắp được phần nào cho mức tiền trả khi người dân vay vốn.

Lượng tiền mặt rút khỏi ngân hàng để lưu thông trên thị trường cũng tăng không đáng kể.

Tại Đan Mạch, người dân đi vay mua nhà được cho thêm tiền còn gửi tiết kiệm lại bị thu phí - Ảnh 2.

Quảng trường Superkilen tại Copenhagen

Năm 2015, do lo ngại người tiêu dùng cá nhân “nổi giận” nên ND quyết định chưa áp dụng chính sách lãi suất âm đối với tài khoản cá nhân mà chỉ dùng cho các tài khoản doanh nghiệp.

Chính sách này sẽ thúc đẩy các công ty sớm trả thuế thay vì giữ tiền chịu phí, đồng thời buộc các công ty đem tiền đi đầu tư hơn là để trong ngân hàng.

Dẫu vậy, chính sách lãi suất âm cũng khiến một vài công ty lầm vào tình trạng dở khóc dở cười, như hàng DSV, một công ty hậu cần.

Doanh nghiệp này đã bán một phần cổ phần để lấy 5 tỷ Kroner (750 triệu USD) nhằm mua lại hãng UTI Worldwide vào tháng 11/2015.

Trớ trêu thay, hợp đồng chỉ được hoàn thành vào tháng 1/2016 và công ty buộc phải trả thêm 4 triệu Kroner do giữ tiền trong ngân hàng.

Thời gian gần đây, những lo lắng về thị trường bất động sản lại dấy lên ở Đan Mạch khi giá nhà tăng 43% trong khoảng 2010-2015 và thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải kêu gọi chính phủ Đan Mạch kiềm chế giá nhà đất.

Nguyên nhân của tình trạng này là do người mua nhà được ngân hàng hỗ trợ thêm tiền khi vay vốn mua bất động sản. Điều này kích thích người dân vay vốn mua nhà để tận hưởng lợi ích từ lãi suất âm.

Mặc dù vậy, chính phủ Đan Mạch vẫn cho rằng thị trường bất động sản của nước này không hề trong trạng thái bong bóng.

Thêm vào đó, chính phủ Đan Mạch có nhiều quy định hạn chế người nước ngoài mua nhà ở đây nhằm ngăn chặn dòng tiền từ bên ngoài đổ vào thị trường, qua đó lại tăng giá đồng Kroner.

Một người nước ngoài sẽ rất khó mua nhà ở Đan Mạch dù họ có tiền nếu không có mối quan hệ tốt.

Ngoài ra, ngân hàng Đan Mạch cũng có những quy định rất chặt chẽ về điều kiện vay vốn mua nhà và điều này khiến người dân rất khó đầu tư bất động sản cho thuê.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng 2008 với sự xì hơi của thị trường bất động sản toàn cầu đã khiến người Đan Mạch cẩn trọng hơn.

Mặc dù vậy, việc giữa lãi suất âm trong khoảng thời gian dài vẫn đang khiến các chuyên gia lo lắng. Thiết lập chính sách tiền tệ với lãi suất dưới 0% trong trung hạn và dài hạn là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau

Trưởng ban giám sát tài chính Đan Mạch (DFSA), ông Jesper Berg cho rằng chính sách lãi suất âm cũng tương tự như khi bạn bơi ra biển.

Nếu bơi gần thì bạn còn có thể quay lại, nhưng bơi ra quá xa thì lại hoàn toàn là một chuyện khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại