Tài chính biến đổi khí hậu “hâm nóng” bầu không khí tại COP28

Như Anh |

Vấn đề nổi cộm đang hâm nóng bầu không khí ở COP28 là vấn đề tài chính, khi các bên thảo luận về nguồn tiền cần thiết để hỗ trợ cho công tác chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP28 được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đã bước sang ngày thứ 6.

Theo báo cáo mới nhất của trường Đại học Delaware Mỹ, những quốc gia chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất từ biến đổi khí hậu là các quốc gia đang phát triển, đa phần là các nền kinh tế eo hẹp về nguồn lực tài chính. Các quỹ tài chính quốc tế vì vậy đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những quốc gia bị ảnh hưởng. Ví dụ như IMF, hồi tháng 9 vừa qua, IMF đã tài trợ 1,3 tỷ USD cho Maroc để chuyển đổi sang kinh tế xanh và bền vững trước các thảm họa thiên nhiên.

"Vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thay đổi rất lớn. Các cú sốc về khí hậu có thể ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính của cả một quốc gia. Vì vậy tại IMF, chúng tôi đang cân nhắc thêm cả những tổn thương và rủi ro về khí hậu khi đánh giá sức khỏe tài chính của một nền kinh tế", bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhấn mạnh.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, chủ nhà của hội nghị COP28 năm nay, đã cam kết tài trợ cho tài chính xanh 270 tỷ USD từ nay đến năm 2030 thông qua các ngân hàng của mình.

Tài chính biến đổi khí hậu “hâm nóng” bầu không khí tại COP28 - Ảnh 1.

Những quốc gia chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất từ biến đổi khí hậu là các quốc gia đang phát triển, đa phần là các nền kinh tế eo hẹp về nguồn lực tài chính. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

"Nhiều ngân hàng phát triển đa phương đã thông báo rằng họ sẽ tạm dừng tính nợ của một quốc gia khi quốc gia đó gặp thảm hoạ thiên nhiên. Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cũng đã cam kết phân bổ hơn 1 tỷ USD nguồn tài chính khí hậu cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và khủng hoảng nhân đạo. Đây chỉ là một vài ví dụ về những sáng kiến hay đã được công bố trong vài ngày qua", ông Mohamed Bin Hadi Al Hussaini, Bộ trưởng Tài chính UAE, thông tin.

Cũng trong khuôn khổ COP28, bà Ursula Von De Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC cũng cam kết Liên minh châu Âu sẽ đầu tư 2,3 tỷ USD để ủng hộ cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu ở trong và ngoài khối. Tuy nhiên một số quan chức nhận định, tất cả những nguồn tài trợ này vẫn quá ít ỏi so với thực trạng.

"Thực tế chúng ta đang thiếu hụt tài chính tới hàng nghìn tỷ USD. Trong khi các quỹ hỗ trợ chỉ có thể hứa hẹn ở mức tỷ USD và đây là thực trạng từ năm 2015. Tôi nghĩ chúng ta cần phải cùng nhau hành động, huy động nguồn lực trong nước, tận dụng đòn bẩy của khu vực tư nhân, nâng cao hiệu quả giải ngân vốn của các ngân hàng đa phương", ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhận định.

Lượng tiền cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, thích ứng với khí hậu và cứu trợ thiên tai là rất lớn. Một báo cáo công bố hôm thứ Hai (4/12) ước tính các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển sẽ cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm để hạn chế lượng khí thải, thích ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại