Lược dịch theo bài viết đăng tải trên The Atlantic của hai tác giả: Judith Enck, cựu quản lý Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), đương chủ tịch Beyond Plastics, giáo sư danh dự tại Đại học Bennington; người thứ hai là Jan Dell, kỹ sư hóa học và nhà sáng lập dự án Last Beach Cleanup.
Mọi quốc gia đều ủng hộ hoạt động tái chế. Nhưng trong khi một số vật liệu có thể được tái chế hiệu quả và an toàn, nhựa lại là ngoại lệ. Hoạt động tái chế nhựa không, và cũng sẽ chẳng bao giờ hiệu quả.
Năm 2021, nước Mỹ chứng kiến tỷ lệ tái chế rác thải nhựa tiêu dùng đạt mức 5%, thấp hơn mức 9,5% của năm 2014. Trong khi đó Mỹ xuất khẩu hàng tỷ tấn nhựa tới các quốc gia đang phát triển và nghiễm nhiên coi đó là một phần dây chuyền tái chế. (Số nhựa còn dùng được sẽ trở thành vật liệu chế tạo những thành phẩm bán cho các nước phương Tây).
Tái chế nhựa đã, đang, và sẽ chẳng bao giờ hiệu quả.
Nhìn chung, tái chế có thể trở thành một cách thu hồi tài nguyên hiệu quả. Nhìn vào tỷ lệ tái chế giấy lên tới 68% của Mỹ là thấy tác dụng của một dây chuyền trơn tru. Vướng mắc của ngành công nghiệp tái chế nhựa không nằm tại cách thức hay công nghệ, mà do nguyên vật liệu cứng đầu.
Các ngành công nghiệp đang ứng dụng tới hàng ngàn loại nhựa khác nhau, với thành phần và tính chất riêng biệt. Chúng đều chứa nhiều chất phụ gia và phẩm màu vốn không thể tái chế trong cùng một mẻ, điều đó khiến việc phân loại hàng tỷ tỷ mảnh nhựa nhỏ thêm phần bất khả thi.
Ví dụ, chai nhựa polyethylene terephthalate (PET#1; VD: chai nước ngọt) không thể được tái chế cùng những hộp nhựa PET#1 (VD: hộp nhựa trong suốt đựng bánh tráng trộn), bởi lẽ thành phần PET#1 của chúng không giống nhau; chai PET#1 xanh lá không thể được tái chế cùng chai PET#1 trong suốt (đây là lý do tại sao Hàn Quốc đã cấm tuyệt đối chai nhựa PET#1 có màu từ hồi 2020). Đây mới chỉ là hai trong số nhiều những loại nhựa cần phải được phân loại trước khi tái chế.
Chỉ một suất đồ ăn nhanh đã có thể chứa nhiều loại nhựa dùng một lần, bao gồm nhựa PET#1, HDPE#2, LDPE#4, PP#5, PS#6 từ cốc, nắp, hộp đựng, khay chứa, túi, dao nĩa; chúng không thể được tái chế cùng nhau. Đây cũng là một trong những lý do khiến đồ nhựa dùng trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh của Mỹ không có mặt trong vào danh sách vật phẩm tái chế được.
Một vấn đề khác nằm tại quy trình xử lý rác thải nhựa rất tốn kém. Nhựa dễ bắt lửa, và nguy cơ cháy có khả năng gây ảnh hưởng nặng nề tới một vùng cư dân lớn. Vấn nạn lại càng thêm khó khăn khi nhiều những nhà máy, bãi, lò tái chế vẫn đang xả khói tại những quốc gia đang phát triển.
Không giống kim loại và thủy tinh, nhựa không phải chất trơ. Sản phẩm nguồn gốc từ nhựa có thể chứa phụ gia độc hại, hơn nữa lại còn hấp thụ được chất hóa học. Chúng thường được thu gom với số lượng lớn, nên hoàn toàn có thể chung một giỏ với những vật liệu độc hại như lọ chứa thuốc trừ sâu. Theo báo cáo đưa ra bởi chính phủ Canada, nguy cơ nhiễm độc khiến nhựa tái chế không thể trở thành bao bì đựng thực phẩm.
Một điều nữa, là hoạt động tái chế nhựa không hiệu quả về mặt kinh tế. Chi phí mua nhựa tái chế cao hơn chi phí của hoạt động sản xuất nhựa mới, bởi lẽ quy trình thu thập, phân loại, vận chuyển và tái chế đắt đỏ vô cùng. Trong khi đó, chi phí sản xuất nhựa mới lại ngày một giảm, khi ngành công nghiệp ứng dụng chất hóa học từ dầu thô vẫn tiếp tục bành trướng.
Thất bại là vậy, ngành công nghiệp nhựa vẫn giương cao ngọn cờ “tái chế”, hùng hồn dẫn đầu chiến dịch tái chế đã chạy suốt nhiều thập kỷ nay, liên tục lan tỏa thông điệp hoang đường cho hay nhựa có thể tái chế hiệu quả. Có thể so sánh chiến dịch này với nỗ lực thuyết phục khách hàng của ngành công nghiệp thuốc lá, khi khẳng định thuốc lá đầu lọc an toàn cho sức khỏe hơn thuốc lá không lọc, bên cạnh nhiều khẳng định vô lý khác.
Ngành công nghiệp thuốc lá đã từng mạnh tay tuyên truyền về lợi ích của hút thuốc, dẫn lời các bác sĩ và chuyên gia y tế.
Hoạt động tái chế bằng cơ học thông thường, thông qua nghiền nát và đun chảy nhựa, vẫn được áp dụng suốt nhiều thập kỷ nay. Hiện tại, ngành công nghiệp nhựa lại đang tung hô phương thức xử lý rác thải nhựa bằng hóa chất, sử dụng một lượng nhiệt lớn và nhiều các hóa chất phức tạp để biến rác thải nhựa thành nhiên liệu hóa thạch chất lượng thấp.
Năm 2018, Dow Chemical tuyên bố nhà máy tái chế nhựa bằng hóa chất Renewlogy có thể xử lý rác thải nhựa tổng hợp từ các khu dân cư lân cận, biến rác thành nhiên liệu hóa thạch. Nhưng theo thông tin từ cuộc điều tra do Reuters thực hiện năm 2021, rác thải nhựa thuộc nhiều loại đã làm ô uế quá trình nhiệt phân. Những lò xi măng chứa tổ hợp của nhiều loại nhựa tạo ra khí thải carbon ảnh hưởng trực tiếp tới khí hậu. Tuy nhiên, hậu quả của chương trình tái chế thất bại không khiến các công ty tái chế nhựa khác ngại ngùng sử dụng hai chữ “hiệu quả”.
Việc tái chế bằng chất hóa học không khả thi. Nó đã thất bại, và sẽ thất bại vì những lý do đã nêu. Chưa hết, lượng khí thải lại tiếp tục làm ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu và sức khỏe những người làm việc và sinh sống gần những dây chuyền tái chế độc hại.
Những nội dung nêu trên không phải nỗ lực nghiêm trọng hóa vấn đề. Ngược lại, chúng ta cần liệt kê những sự thật để từng cá nhân, mỗi nhà lập pháp có thể dựa trên bằng chứng vững chắc để đưa ra quyết định. Những điều luật liên quan tới hạn chế và cấm đồ nhựa dùng một lần, hay sử dụng nhựa không thể tái chế trong sản xuất, v.v… sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới việc phân loại và tái chế nhựa.
Nếu như ngành công nghiệp nhựa nối gót ngành công nghiệp thuốc lá, có lẽ họ sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại của dây chuyền tái chế hiện hữu. Dù ta không thể lập tức ngăn cú lừa tiếp diễn, các nhà lập pháp có thể đưa ra những chính sách có lợi để cải thiện khả năng tái chế nhựa. Việc cấm rác nhựa dùng một lần sẽ giúp giảm rác thải, hạn chế chi phí dùng vào việc phân loại và tiêu hủy, qua đó bớt ô nhiễm môi trường.
Bản thân người dùng cũng có quyền định đoạt, khi toàn quyền từ chối mua sản phẩm chứa đồ nhựa dùng một lần. Còn những phế phẩm thuộc dạng giấy, bìa, lon kim loại, chai thủy tinh, v.v… vẫn sẽ tiếp tục được tái chế như bấy lâu nay, trên một dây chuyền đã được chứng minh là hiệu quả.