Các chấn thương thường gặp
Theo quan sát của Sức khỏe & Đời sống, chấn thương do tập yoga gần đây có xu hướng tăng và hầu hết do tập không đúng. Các chấn thương hay gặp chủ yếu là ở vùng cổ, vai gáy và lưng.
Bị căng cơ ở vùng cột sống lưng, đầu gối, cổ, vai, cẳng chân do động tác lặp lại, kéo giãn dây chằng quá mức.
Chấn thương vùng vai: Vai là một vùng có cấu tạo và vận động phức tạp gồm nhiều khớp và hệ thống gân cơ dây chằng xung quanh.
Do khớp vai có thể xoay tròn với tầm rất rộng, cũng có nghĩa “chênh vênh”, nên rất dễ bị trật khớp hoặc giãn dây chằng khi ở vào vị trí không thuận lợi. Hơn nữa, do có nhiều cơ xung quanh nên nếu tập quá nhiều một động tác mà không có các tư thế đối nghịch dễ gây ra tình trạng mất cân bằng giữa các nhóm cơ. Triệu chứng thông thường là đau vùng vai, biểu hiện của viêm gân cơ, hội chứng chạm của cơ vào xương hay mất vững khớp vai.
Chấn thương vùng cổ. Bạn có xu hướng làm tổn thương cổ của mình khi thực hiện những tư thế không chính xác. Cách tốt nhất để ngăn ngừa chấn thương này là dừng lại khi bạn cảm thấy một phần cơ thể của bạn đang bắt đầu khó chịu.
Chấn thương đĩa đệm cột sống do tư thế không đúng của động tác cúi vặn người.
Bong gân cổ chân, giãn dây chằng nếu thực hiện không đúng các tư thế ngồi chéo chân, vắt chân, đứng một chân.
Nếu tập sai cách, yoga có thể đem đến những tác hại khôn lường cho cơ thể.
Những lưu ý khi tập yoga
Một vài bài tập yoga có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào, chẳng hạn như các động tác quay vai, làm mất sự tê cứng tại chỗ, hoặc tập thở... nhưng cũng có nhiều động tác đòi hỏi người tập phải thực hiện trong một không gian và thời gian nhất định.
Để đạt được hiệu quả tập luyện cao nhất, bạn nên dành ra mỗi ngày cố định từ 10 - 15 phút để tập. Nếu không có thời gian để tập hàng ngày, nên cố gắng tập 3 buổi trong tuần. Tốt nhất là tập ở nhà, vì bạn sẽ có nhiều thời gian và chỗ tập yên tĩnh để thực hiện nhiều bài tập khác nhau một cách dễ dàng.
Tập yoga cũng có nghĩa là phải kiên trì, vì hiệu quả của nó không thể nhận thấy ngay lập tức. Khi bước vào tập luyện, bạn cần tạo cho mình một không khí tập luyện thật thoải mái, nếu càng yên tĩnh thì càng tốt. Đầu óc bạn cũng nên thanh thản, bởi nếu bắt đầu các bài tập với những suy nghĩ ngổn ngang, bạn sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
Bạn có thể tập các bài yoga vào giờ nào trong ngày cũng được, nhưng phải đảm bảo sau bữa ăn ít nhất là 1 giờ 30 phút. Khi hệ tiêu hóa đang làm việc, tập yoga có thể gây buồn nôn và khó chịu. Bên cạnh đó, phải lựa chọn thời điểm sao cho bài tập không bị gián đoạn bởi bất cứ lý do gì.
Để các động tác được thực hiện dễ dàng hơn, bạn nên mặc áo, quần rộng, lý tưởng nhất là mặc áo tập hoặc áp pull và quần mềm ôm sát người. Nên bỏ kính đeo mắt ra, vì nó có thể bị rơi khi tập. Theo truyền thống, yoga được thực hiện với bàn chân trần vì nhiều lý do: giúp phát triển cơ bàn chân, tránh bị trượt và dễ dàng thực hiện thăng bằng.
Nhiều bài tập yoga được thực hiện với tư thế ngồi tại chỗ. Ghế ngồi để tập yoga lý tưởng là không có tay vịn cũng không có bánh xe. Cũng cần chú ý tới nền nhà, đừng chọn nơi có nền nhà trơn hoặc mấp mô, vì nó có thể gây tai nạn cho bạn bất cứ lúc nào.
Phải kiểm tra thân hình trước mỗi lần tập. Lưng, gáy và đầu của bạn phải thẳng hàng, hai vai thả lỏng, đồng thời thóp bụng vào. Với tư thế này bạn sẽ thực hiện các bài tập chính xác hơn. Với tư thế ngồi, hãy kiểm tra lòng bàn chân và đặt lòng bàn chân lên sàn nhà để tạo một sự cân bằng tốt.
Trong tất cả các bài tập, hít vào và thở ra bằng mũi là điều cơ bản của yoga. Nếu tư thế yoga khiến bạn không thoải mái, hãy hít vào và thở ra sâu cùng với thư giãn. Khi một tư thế nào đó thật sự không thoải mái thì nên bỏ qua bài tập đó và chuyển sang bài tiếp theo.
Nếu bạn bị tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh về hô hấp, chấn thương cột sống, đang có thai, thời kỳ dưỡng bệnh hoặc bị một bệnh mạn tính nguy hiểm, bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập yoga.