Nguyên nhân
Nguyên nhân gây hôi miệng rất đa dạng và phong phú. Hôi miệng là do các hóa chất bay hơi loại sulfur như là hydrogen sulfide, methyl mercaptan, dimethyl sulfide.
Các sulfide này do sự phân hủy protein của các vi sinh vật ở trong khoang miệng bởi thức ăn sót lại trong miệng hay bị mắc kẹt giữa các kẽ răng, từ đó bị vi khuẩn phân hóa, sẽ tạo ra mùi hôi. Một số do nhiễm trùng ở nướu răng, sâu răng có lỗ hổng, viêm loét lợi, lưỡi, niêm mạc miệng (nhiệt miệng) hoặc bựa vôi đóng vào chân răng hoặc cao răng là môi trường thuận tiện cho vi khuẩn trú ẩn, tăng sinh, phát triển đưa đến hôi miệng.
Một số khác do miệng khô khi nước bọt giảm trên 50% mức độ bình thường. Bởi vì, nước bọt có nhiệm vụ giữ miệng ẩm, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm các thay đổi về tính axít trong miệng và tiêu hóa tinh bột. Khi tính axít miệng cao vi khuẩn sẽ tăng sinh nhiều hơn canh gây hôi miệng. Khô miệng có thể là do tuyến nước bọt kém hoạt động bởi sự tê liệt giây thần kinh mặt số VII, hoặc thở bằng miệng (viêm VA, viêm amiđan mạn tính) hoặc do lão hóa bởi tuổi cao.
Ngoài ra, một số dược phẩm như: thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, thuốc chữa trầm cảm, tâm thần phân liệt , amphetamine, thuốc lợi tiểu... hoặc hút thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt xì gà (cigar) cũng làm giảm tiết nước bọt trong miệng.
Ảnh minh họa
Một số bệnh về bộ máy hô hấp mạn tính như: viêm họng, viêm amiđan, viêm VA, viêm xoang hoặc ápxe phổi, đặc biệt ápxe phổi do tụ cầu bị vỡ hoặc ung thư phổi cũng hình thành hơi thở có mùi hôi. Các bệnh về dạ dày mạn tính (viêm, loét dạ dày, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị mỗi khi ợ, nôn sẽ gây mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra một số bệnh như: xơ gan, đái tháo đường, suy thận có thể xuất hiện hôi miệng. Một số người ăn một số thực phẩm có dầu khi nói hoặc thở ra có mùi hôi như: ăn tỏi, hành hoặc món ăn nhiều đạm, chất béo. Một nguyên nhân bắt gặp khá nhiều là không hoặc lười đánh răng hoặc người đeo hàm giả để lâu ngày không vệ sinh, tẩy rửa.
Ảnh hưởng xấu
Hôi miệng xảy ra ở mọi lứa tuổi mức độ nặng nhẹ tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Chứng hôi miệng mặc dù không ảnh hưởng gì nhiều tới sức khỏe nhưng đây lại chính là vấn đề ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tâm lý của người mắc phải.
Khảo sát cho thấy, hầu hết những ai mắc phải chứng hôi miệng đều có chung cảm giác ngại tiếp xúc với những người khác và luôn có cảm giác mất tự tin về bản thân mình trong khi giao tiếp với đối tác. Mặc dù hôi miệng không ảnh hưởng xấu nhiều tới sức khỏe con người, nhưng nó lại gây nên những biến đổi về tâm lý không đáng có cho người bệnh.
Người bị hôi miệng do biết hơi thở qua miệng của mình nặng mùi thường rất mặc cảm khi nói chuyện với những người xung quanh. Đặc biệt là những người hàng ngày có sự giao tiếp (giáo viên, thuyết trình viên, ca sĩ, dược tá bán thuốc, người bán hàng…) và những đối tượng thường có tiếp xúc, tâm sự như lứa tuổi học trò, sinh viên, giao lưu, trò chuyện trong gia đình, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.
Thậm chí có những người vì sợ người phát hiện ra mùi hôi của mình đã hạn chế tới mức tối thiểu việc giao tiếp hằng ngày. Điều này ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới đời sống tinh thần, cũng như những mối quan hệ xã giao của người bệnh hoặc ảnh hưởng đến mối quan hệ giao dịch kinh doanh.
Nguy hiểm nhất của chứng hôi miệng sẽ bị mọi người xa lánh do đó người bệnh tự mình khép kín dần, trở thành người tự kỷ
Với những người xung quanh, người bị hôi miệng, mùi hôi sẽ khiến họ khó chịu trong giao tiếp và có thể gây ra những phản ứng như né tránh, xa lánh người bị hôi miệng.
Đối với những người bị hôi miệng nặng, ngay cả những người trong gia đình, trong lớp học, trong tổ công tác cũng cảm thấy rất khó khăn khi giao tiếp hằng ngày với nhau, thậm chí xa lánh. Hôi miệng ở một chứng mực nào đó sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Vợ hoặc chồng bị hôi miệng, đối tác sẽ rất ngại tiếp xúc, gần gũi, nếu để lâu dần sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm vợ chồng. Nếu những người độc thân bị hôi miệng sẽ hạn chế khả năng tìm kiếm một nửa kia, vì vậy, khó lập được gia đình hơn những người khác do ngại tiếp xúc hoặc đối tác không tiếp xúc.
Nguy hiểm nhất của chứng hôi miệng sẽ bị mọi người xa lánh do đó người bệnh tự mình khép kín dần, trở thành người tự kỷ. Bởi vì họ luôn sống trong sợ hãi, ám ảnh, có nhiều trường hợp không tìm ra cách chữa cảm thấy cuộc sống bế tắc không lối thoát có thể dẫn đến hậu quả rất xấu, đó là tự tử.
Nên làm gì để phòng hôi miệng?
Cần đi khám bệnh để tìm nguyên nhân, trên cơ sở đó bác sĩ khám bệnh sẽ điều trị theo nguyên nhân (nếu do bệnh tật gây ra) hoặc tư vấn trong các trường hợp do lối sống hoặc các vấn đề liên quan đến hôi miệng.
Cần vệ sinh họng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Tốt hơn nữa là trước khi đánh răng nên súc họng bằng nước muối nhạt (nước muối sinh lý) vừa có tác dụng ngăn ngừa viêm hô hấp trên vừa có tác dụng hạn chế hình thành cao răng.
Khi bị các bệnh như: viêm đường hô hấp trên (viêm VA, viêm amiđan, viêm mũi, họng, xoang…) hoặc bệnh mạnh tính về dạ dày, gan, thận, đái tháo đường cần tích cực điều trị để bệnh chóng khỏi. Hạn chế ăn nhiều, thường xuyên các loại gia vị như tỏi, hành hoặc cần bỏ thuốc lá, thuốc lào. Người đeo hàm giả cần vệ sinh hàm giả tuần vài ba lần để làm sạch không cho vi sinh vật bám vào gây hôi miệng.