Tác giả thuyết "Trung Quốc sụp đổ": Ông Tập đang dùng Đài Loan để giải tỏa áp lực

Minh Đức |

Ông Tập Cận Bình dường như đang sử dụng con bài chủ nghĩa dân tộc khi đối mặt với những thách thức từ trong nước.

Chủ tịch Trung Quốc trong bài phát biểu đầu tiên vào năm 2019, đã tuyên bố: Trung Quốc phải được thống nhất, tất nhiên phải thống nhất.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm "Thư gửi đồng bào Đài Loan" ngày 2/1, ông Tập nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ nỗ lực để thống nhất trong hòa bình, nhưng vẫn bảo lưu phương án sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Theo tờ New York Times, đã có những tràng vỗ tay của người ủng hộ đối với các phát ngôn cứng rắn này.

Việc ông Tập lựa chọn thời điểm này để đưa ra bài phát biểu quan trọng đầu tiên của mình về vấn đề Đài Loan cho thấy xu hướng tư tưởng cứng rắn đang rất phổ biến ở Bắc Kinh.

Và Đài Loan không phải là mục tiêu duy nhất. Đơn cử, vào tháng trước, một sỹ quan cao cấp của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thúc giục các cuộc tấn công nhằm vào Hải quân Mỹ. Tiếp theo đó, tướng "diều hâu" La Viện lên tiếng muốn Bắc Kinh sử dụng tên lửa để đánh chìm hai tàu sân bay Mỹ.

Sự hiếu chiến không bao giờ là một dấu hiệu tốt. Trong trường hợp này, thái độ cứng rắn gần như chắc chắn là giải pháp để giải tỏa những căng thẳng chính trị - theo đánh giá của Gordon G. Chang, nhà bình luận chính trị Mỹ, tác giả cuốn sách The coming collapse of China (Trung Quốc sắp sụp đổ - tạm dịch).

Ông Chang cho rằng, sự đồng thuận với các đường hướng chính sách lớn của chủ tịch Tập Cận Bình đã bị tác động phần nào do hệ quả từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Vì vậy, không có chiến thuật nào hiệu quả hơn cho ông Tập bằng lá bài chủ nghĩa dân tộc. Và không có vấn đề dân tộc chủ nghĩa nào bằng vấn đề Đài Loan.

Cũng trong bài phát biểu mùng 2/1, ông Tập tuyên bố: "Chúng ta là một gia đình, vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ".

Tuy nhiên, đề xuất về cấu trúc "một nước, hai chế độ" - đã được áp dụng với Hồng Kông - của ông Tập Cận Bình chưa nhận được sự ủng hộ lớn dù là từ Quốc dân đảng ở Đài Loan có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh.

Nhiều người cho rằng Mỹ nên ủng hộ quan điểm "thống nhất" Đài Loan của Bắc Kinh. Đây cũng là lập trường của Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger khi Washington liên lạc với Mao Trạch Đông vào đầu những năm 1970, đồng thời cũng là quan điểm của cựu Tổng thống Jimmy Carter khi ông chính thức lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào ngày 1/1/1979. Không phải ngẫu nhiên mà đây cũng là ngày Trung Quốc phát đi thông điệp "Gửi đồng bào Đài Loan".

Theo ông Chang, trong một thời gian dài, Mỹ đã gửi đi những tín hiệu không rõ ràng. Tháng 9/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông James Mattis từ chối đề nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc chuyển cơ sở đóng quân tới một địa điểm mới gần Đài Bắc.

Trong hơn một thế kỷ, Mỹ đã rút ra khỏi vành đai phòng thủ phía tây ngoài khơi châu Á. Đài Loan nằm ở trung tâm của tuyến đường quan trọng đó, bảo vệ sườn phía nam của Nhật Bản, nơi Biển Đông gặp biển Hoa Đông. 

"Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không phải là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đây là lợi ích cốt lõi của Mỹ," ông Chang viết trên tạp chí National Interest.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại