Tác giả sách về "điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn": Kết quả bầu cử có thể rất khác nếu...

Đức Huy |

Nhân sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS khoa học chính trị Larry Berman, Đại học bang Georgia.

Theo giáo sư Berman, chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử mới đây có "dấu ấn" rất lớn của truyền thông, đặc biệt là truyền thông nước Mỹ.

"Trump có thể nói đã được lợi rất lớn từ việc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày mà chẳng mất xu nào. Ông thật sự là một bậc thầy trong việc định hướng dư luận và lôi kéo truyền thông truyền bá thông điệp của mình" - giáo sư Berman nhận xét.

Tác giả sách về điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn: Kết quả bầu cử có thể rất khác nếu... - Ảnh 1.

"Truyền thông thật sự đã trở thành 'con tốt' trong chiến lược của Trump" - ông nhấn mạnh.

Nhận định về vai trò của truyền thông trong chiến thắng của Trump, GS.TS Edward Arke, trưởng khoa Báo chí - Truyền thông Đại học Messiah (Mỹ) nhận định, truyền thông Mỹ rõ ràng đã tạo cho Trump một nền tảng để chuyển tải thông điệp của mình.

"Tôi đã nghiên cứu thông điệp của Trump trong khoảng thời gian vài tuần trước ngày bầu cử, và nhận thấy ứng viên này đã có hướng chuyển tải thông điệp một cách hết sức ngắn gọn và súc tích. Các đoạn quảng cáo chính trị của Trump luôn đi thẳng vào vấn đề" - GS Arke phân tích.

Ông cũng cho rằng đa số các nhà báo Mỹ đã không đặt câu hỏi cho Trump một cách có chiều sâu, không hỏi cụ thể.

"Cũng giống như các cuộc bầu cử trước đây, họ quá chú tâm vào những con số thăm dò dư luận, thay vì tập trung vào ngọn nguồn chính sách của các ứng viên.

Cũng khó trách được họ, bởi có vẻ như người Mỹ nói chung cũng chỉ quan tâm tới "bảng tỉ số", xem ứng viên nào đang dẫn trước trong thăm dò dư luận, thay vì tìm hiểu cặn kẽ mỗi ứng viên đại diện cho điều gì, có chính sách gì" - GS Arke nhấn mạnh.

Tác giả sách về điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn: Kết quả bầu cử có thể rất khác nếu... - Ảnh 2.

Trong vấn đề thăm dò dư luận, có thể thấy đa số các cuộc thăm dò dư luận và các hãng truyền thông lớn tại Mỹ dự đoán chiến thắng, thậm chí là chiến thắng cách biệt cho Hillary Clinton. Với kết quả là thắng lợi cho Trump, rất nhiều người đang tỏ ra ngờ vực trước những cái gọi là "dự đoán" này.

Nhận định về vấn đề này, GS Berman thừa nhận đúng là đại đa số các cuộc thăm dò dư luận đã cho kết quả sai, đặc biệt tại các bang chiến trường. Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả đã có thể khác hoàn toàn nếu một bộ phận cử tri đảng Dân chủ không "ở nhà".

"Nếu lượng cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu ở 5 bang mà khoảng cách giữa hai ứng viên là 2% trở xuống đạt mức như năm 2012, thì Clinton đã đắc cử. Các cuộc thăm dò dư luận không phản ánh đúng niềm mong mỏi một sự thay đổi của người Mỹ, và cuộc bầu cử này mang nặng thông điệp về sự thay đổi.

Clinton thì chưa từng được coi là người đại diện cho sự thay đổi. Thêm vào đó, vụ lùm xùm với FBI cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chiến dịch của bà. Và cuối cùng, Trump thu hút được nhiều cử tri gốc Latin hơn hẳn so với Mitt Romney năm 2012" - GS Berman phân tích.

Tác giả sách về điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn: Kết quả bầu cử có thể rất khác nếu... - Ảnh 3.

Rất nhiều các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho rằng bà Clinton sẽ thắng với cách biệt lớn.

Trong khi đó, GS Arke nhấn mạnh khái niệm "biên độ sai số" để lý giải tại sao các cuộc thăm dò dư luận lại "chệch" đến vậy.

"Khi nhìn vào các con số thăm dò dư luận, rất nhiều người bỏ qua khái niệm gọi là "biên độ sai số" (margin of error). Khi thăm dò ý kiến của một nhóm dân cư, các nhà toán học cho rằng đây là một việc thuộc phạm trù khoa học, nhưng thực chất là "khoa học" trong ngoặc kép.

Nếu một nhóm lớn cử tri bị bỏ qua khi thăm dò dư luận diễn ra thì sao? Hay liệu có phải lúc nào người dân cũng trả lời đúng quan điểm của mình trong phiếu thăm dò? Đây đều là những câu hỏi phải cân nhắc khi nhận định về các con số thăm dò dư luận.

Tôi cho rằng người theo dõi bầu cử nói chung thường quá tập trung vào các con số thăm dò dư luận, họ chỉ muốn biết ai đang thắng, ai đang thua ở ngay lúc đó. Nhưng rốt cục thì cuộc "thăm dò dư luận" duy nhất có giá trị là đêm bầu cử.

Đa phần các cuộc thăm dò dư luận chỉ được thực hiện trên một nhóm vài nghìn người, như vậy thôi đã có sai số rồi. Vậy thử tưởng tượng xem khi hơn 100 triệu người bỏ phiếu thì sẽ thế nào - rõ ràng là biên độ sai số sẽ rất lớn, và đương nhiên sẽ có bất ngờ" - ông phân tích.

Nhận định về tương lai của nước Mỹ dưới "triều đại" Trump, GS Berman cho rằng còn quá sớm để khẳng định liệu tân Tổng thống Mỹ có làm tốt nhiệm vụ của mình hay không.

"Chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời. Trump sẽ phải trở thành Tổng thống của mọi người dân. Nhiệm vụ của ông đòi hỏi ông phải là một người đoàn kết đất nước, nhưng những chính sách của ông lại tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ đất nước.

Cuộc bầu cử 4 năm tới sẽ là một cuộc 'trưng cầu dân ý', quyết định xem người dân có hài lòng với sự thay đổi mang tên Trump hay không" - GS Berman phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại